|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tiêu hao năng lượng ngành công nghiệp Việt Nam đang cao gấp 1,6 lần khu vực, áp lực nhập khẩu nhiên liệu tăng lên

15:56 | 16/09/2022
Chia sẻ
Năng lượng tiêu hao cho một đơn vị sản phẩm của nước ta hiện đang cao hơn khoảng 1,3 đến 1,6 lần với các nước trong khu vực và cao hơn rất nhiều so với các nước phát triển. Trong tương lai, các nguồn năng lượng sơ cấp sẽ khó đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ năng lượng của nền kinh tế.

Tại Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2022 diễn ra chiều 16/9, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng một lần nữa khẳng định quan điểm nhất quán của Chính phủ đối với mục tiêu tăng trưởng kinh tế không đánh đổi môi trường.

Trong đó có cam kết trong nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính và mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ đưa ra tại COP26 năm 2021. 

Để đạt được mục tiêu này, Thứ trưởng Tùng cho hay Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050. 

Dẫn số liệu từ Báo cáo hiệu quả năng lượng năm 2021 của Cơ quan năng lượng quốc tế IEA, Thứ trưởng Tùng nhấn mạnh, tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng hiệu quả có vai trò rất quan trọng để thu hẹp khoảng cách giữa các tham vọng về khí hậu và xu hướng hiện tại.

IEA cũng cho biết giai đoạn 2015-2021, các nước đã đầu tư vào hoạt động sử dụng năng lượng hiệu quả với mức kinh phí hàng năm dao động trong 250 – 270 tỷ USD và tăng mạnh vào năm 2021 đạt mức 300 tỷ USD. Theo kịch bản tính toán phát thải khí nhà kính bằng “0” vào năm 2050 của IEA thì tổng đầu tư hàng năm sẽ cần tăng gấp ba lần vào năm 2030.

Do đó, bên cạnh các giải pháp cơ chế chính sách, hỗ trợ tài chính,… đang được thực hiện một cách mạnh mẽ thì việc mở rộng nhanh chóng các công nghệ và giải pháp thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả toàn cầu là cần thiết để đảm bảo các cam kết về khí hậu.

 Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công Nghệ Trần Văn Tùng (Ảnh: Bộ KH&CN)

Tiêu hao năng lượng ngành công nghiệp Việt Nam gấp 1,6 lần khu vực

Tại Việt Nam, từ năm 2003, tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng hiệu quả được xem là những nội dung quan trọng trong chính sách phát triển năng lượng của Việt Nam.

Cho đến nay đã có nhiều quy định được ban hành ở nhiều cấp như Luật, Nghị định, thông tư, quyết định, quy chuẩn, tiêu chuẩn, trong đó đề cập tới nội dung về công nghệ và sự cần thiết ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong phát triển năng lượng.

Với lĩnh vực năng lượng, theo các khảo sát của Bộ Công Thương cho thấy, hiệu suất sử dụng nguồn năng lượng trong các nhà máy điện tuabin hơi đốt than, dầu của nước ta chỉ đạt được từ 28% đến 36%, thấp hơn so với các nước phát triển khoảng 8 - 10%.

Hiệu suất các lò hơi công nghiệp chỉ đạt khoảng 60% năm 2010, và được nâng lên xấp xỉ 70% vào thời điểm hiện nay nhưng mức này vẫn thấp hơn mức trung bình của thế giới khoảng 10% và nếu so với các nước phát triển thì còn thấp hơn nữa.

"Năng lượng tiêu hao cho một đơn vị sản phẩm trong nhiều ngành công nghiệp của nước ta cao hơn khoảng 1,3 đến 1,6 lần với các nước trong khu vực và cao hơn rất nhiều so với các nước phát triển", Thứ trưởng Trần Văn Tùng nêu ra.

Do đó, tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp sản xuất xi măng, thép, sành sứ, thủy sản đông lạnh, hàng tiêu dùng... của nước ta có thể đạt trên 20%; lĩnh vực xây dựng dân dụng, giao thông vận tải có thể tới trên 30%; khu vực sinh hoạt và hoạt động dịch vụ tiềm năng tiết kiệm năng lượng cũng rất lớn.

 Tình hình tiêu thụ năng lượng tại Việt Nam (Nguồn: Bộ Công Thương).

Theo ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững - Bộ Công Thương cho hay, trong tương lai, các nguồn năng lượng sơ cấp sẽ không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ năng lượng của nền kinh tế.

Tổng nhu cầu năng lượng trong giai đoạn 2001-2010 đã tăng trung bình 10% và tăng khoảng 7% trong giai đoạn 2011-2019. Việt Nam đã nhập khẩu than cho phát điện và sẽ nhập khẩu LPG từ năm 2023. 

Hiện tại, phát thải khí nhà kính từ ngành năng lượng chiếm khoảng 63% tổng phát thải của Việt Nam năm 2010 và sẽ chiếm khoảng 73% và 80% vào năm 2030 và 2045.