|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Việt Nam giữa cuộc chiến bảo hộ thương mại

16:03 | 07/02/2018
Chia sẻ
Trong khi chính sách thương mại toàn cầu luôn là cuộc chơi giữa các cường quốc kinh tế với nhau, các nền kinh tế nhỏ và chịu nhiều phụ thuộc như Việt Nam lại hứng chịu những tác động rất lớn khi gió xoay chiều.

Ngày 22/1/2018, một năm sau khi rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục cho thấy quyết tâm theo đuổi các chính sách trọng thương bằng việc áp dụng thuế bảo hộ đánh lên hai mặt hàng nhập khẩu là máy giặt và tấm pin năng lượng mặt trời.

viet nam giua cuoc chien bao ho thuong mai

Tại sao Mỹ áp dụng thuế bảo hộ?

viet nam giua cuoc chien bao ho thuong mai

Vào cuối tháng 5-2017, Mỹ đưa ra những tín hiệu đầu tiên khi gửi thông báo đến 163 thành viên của WTO về việc nước này đang xem xét áp dụng thuế bảo hộ khẩn cấp lên mặt hàng nhập khẩu là tấm pin năng lượng mặt trời.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh ngành công nghiệp sản xuất pin năng lượng mặt trời đang tăng trưởng nhanh chóng, kỳ vọng sẽ đạt quy mô xấp xỉ 60 tỉ đô la Mỹ trên toàn cầu vào năm 2022, theo một nghiên cứu của Zion Market Research.

Với một ngành công nghiệp mới như sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời, thị phần là lợi thế sản xuất theo quy mô có ý nghĩa quyết định đến năng lực cạnh tranh. Ngành công nghiệp này nghiễm nhiên trở thành trọng tâm trong chính sách bảo hộ phát triển công nghiệp của Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ - ba đối thủ chính trên thị trường đầy tiềm năng này.

Cũng cần nhắc lại là trước đó Ấn Độ đã áp dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu mặt hàng này từ Mỹ nhưng bị buộc phải rút lại do vi phạm các quy định của WTO. Mỹ cũng nhiều lần cáo buộc Trung Quốc về việc trợ cấp cho các doanh nghiệp sản xuất pin mặt trời nội địa và áp dụng thuế chống bán phá giá với các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc và Đài Loan. Điều này dẫn tới việc các công ty Trung Quốc dịch chuyển sản xuất sang các quốc gia Đông Nam Á, đáng kể nhất là Malaysia và sau đó là Thái Lan và Việt Nam.

Như vậy, việc Mỹ quyết định áp dụng thuế bảo hộ là một bước tiếp theo trong cuộc chiến giành thị trường và lợi thế sản xuất giữa các cường quốc về kinh tế.

Với mặt hàng máy giặt, việc áp dụng thuế bảo hộ là một diễn biến mới trong một cuộc chiến thương mại kéo dài nhiều năm. Whirlpool, hãng sản xuất đồ gia dụng hiện chiếm trên 40% thị phần thị trường máy giặt ở Mỹ, đã liên tiếp đưa ra những cáo buộc về việc các hãng điện tử Samsung và LG của Hàn Quốc có hành động bán phá giá vào thị trường nội địa Mỹ năm 2011. Đầu năm 2013, Chính phủ Mỹ quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá lên mặt hàng máy giặt từ Hàn Quốc và Mexico, nơi hai hãng Samsung và LG đặt các nhà máy sản xuất. Tuy nhiên hai hãng này nhanh chóng chuyển các cơ sở sản xuất sang Trung Quốc để né tránh thuế nhập khẩu vào Mỹ. Whirlpool tiếp tục đưa ra cáo buộc và thành công trong việc thuyết phục chính quyền Mỹ áp thuế chống phá giá với máy giặt được nhập khẩu từ Trung Quốc vào giữa năm 2016. Như đoán biết trước được kết quả, hai hãng Samsung và LG trước đó đã chuyển bộ phận sản xuất từ Trung Quốc sang các nước khác, trong đó có Việt Nam với các nhà máy quy mô đầu tư hàng tỉ đô la Mỹ đặt tại Hải Phòng và TPHCM.

Việc Mỹ áp dụng thuế bảo hộ là một điều đặc biệt khi lần gần đây nhất Mỹ áp dụng loại thuế này là 14 năm trước (chính quyền Tổng thống George W. Bush áp dụng cho thép nhập khẩu). Mặc dù vậy, loại thuế này sau đó cũng bị rút lại sau khi liên minh EU khiếu nại thành công lên WTO.

Thuế bảo hộ có đặc điểm khác so với thuế chống phá giá và chống trợ cấp thường thấy là nó sẽ áp dụng lên mặt hàng nhập khẩu từ tất cả các quốc gia, mặc dù có một danh sách loại trừ một số nước đang phát triển có thị phần nhỏ được miễn áp dụng. Trong khi đó, thuế chống phá giá, chống trợ cấp sẽ chỉ áp dụng cho từng trường hợp cụ thể của một đối tác thương mại khi bị cáo buộc có hành động bán phá giá, vi phạm các nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh. Như vậy, việc áp dụng thuế bảo hộ là đi ngược hoàn toàn với các tôn chỉ về tự do thương mại toàn cầu vốn là nền tảng hoạt động của các thiết chế thương mại quốc tế đa phương như WTO.

Hàn Quốc và Trung Quốc là hai quốc gia trọng tâm trong cuộc chiến thương mại của Mỹ bắt đầu có những phản ứng quyết liệt lên WTO. Tuy nhiên, với tình thế hiện tại, khi chính phủ Mỹ lên tiếng phủ nhận các quy định hiện hành của WTO và đòi thay đổi nguyên tắc hoạt động của tổ chức này, việc áp thuế bảo hộ lên các mặt hàng nhập khẩu quan trọng khác vào thị trường Mỹ có lẽ sẽ tiếp tục diễn ra.

Thiệt hại của Việt Nam

Việt Nam nằm trong số những nền kinh tế chịu ảnh hưởng mạnh nhất từ các quyết định nói trên của Mỹ.

Mặt hàng máy giặt xuất khẩu vào thị trường Mỹ bắt đầu tăng vọt từ năm 2016 khi các nhà máy của LG và Samsung hoạt động tại Việt Nam. Hiện nay, sau khi thuế chống bán phá giá được áp dụng với sản phẩm từ Trung Quốc khiến khối lượng sản xuất và xuất khẩu từ quốc gia này sụt giảm, Việt Nam vươn lên đứng đầu trong số các quốc gia xuất khẩu máy giặt vào thị trường Mỹ. Theo thống kê từ Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ, trong 11 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu máy giặt từ Việt Nam vào thị trường Mỹ đạt 537 triệu đô la Mỹ, tương đương 30% tổng quy mô thị trường máy giặt nhập khẩu của Mỹ.

Tương tự như vậy, kim ngạch xuất khẩu tấm pin năng lượng mặt trời từ Việt Nam vào thị trường Mỹ cũng tăng đột biến trong ba năm trở lại đây và đạt hơn 644 triệu đô la Mỹ trong 11 tháng đầu năm 2017, đứng thứ tư trong số các quốc gia xuất khẩu mặt hàng này vào thị trường Mỹ. Với gần 10% thị phần xuất khẩu vào Mỹ, xếp trên Việt Nam hiện chỉ có Malaysia, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Tuy nhiên cần chú ý rằng mặc dù các sản phẩm trên được sản xuất tại Việt Nam, các doanh nghiệp nội địa đang tham gia rất hạn chế vào chuỗi sản xuất này. Việc những năm gần đây các nhà máy của các tập đoàn đa quốc gia có thể thay đổi địa điểm thường xuyên, trong thời gian ngắn, để né tránh thuế chống phá giá cho thấy bản thân hoạt động của các nhà máy này có rất ít mối liên kết đến hệ sinh thái kinh tế địa phương. Các yếu tố sản xuất địa phương tham gia vào quá trình sản xuất chủ yếu là nguồn lao động hiện đang có chi phí rẻ hơn so với các nền kinh tế khác trong khu vực. Thị trường lao động do đó sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trước những tác động tiêu cực từ việc bảo hộ sản xuất nội địa của Mỹ.

Hai nguy cơ tiêu cực như trình bày dưới đây sẽ làm giảm hoạt động sản xuất của các nhà máy thuộc các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Thứ nhất là khả năng thay thế các mặt hàng nhập khẩu của các doanh nghiệp sản xuất ở Mỹ, điều này sẽ khiến sản lượng sản xuất thu hẹp ở các quốc gia xuất khẩu như Việt Nam. Các tập đoàn đa quốc gia như LG hay Samsung cũng đang chuẩn bị cho việc xây dựng những nhà máy sản xuất tại chính Mỹ để tránh thuế nhập khẩu. Thứ hai, do thuế suất được áp dụng không phân biệt nguồn gốc từ quốc gia xuất khẩu, rất có thể hoạt động sản xuất sẽ được chuyển dịch lại về các quốc gia có công nghệ phụ trợ và hệ sinh thái sản xuất hoạt động hiệu quả hơn như Trung Quốc.

Phạm Văn Đại