|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Việt Nam được hưởng lợi gì nếu giá dầu thô tiếp tục giảm năm 2019?

15:50 | 09/01/2019
Chia sẻ
BSC nhận định nếu giá dầu thô giảm như dự báo, một số ngành như hóa chất, phân bón, năng lượng, săm lốp, nhựa, vận tải và vật liệu xây dựng hưởng lợi trong năm 2019.

Cung - cầu dự báo tiếp tục mất cân đối năm 2019 tạo áp lực lên giá dầu thô

Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho biết theo dự báo điều chỉnh giá dầu của các tổ chức lớn như OPEC, IEA, Morgan Stanley, giá dầu trung bình thế giới trong năm 2019 có thể giảm nhẹ so với năm 2018.

Cụ thể, giá dầu WTI trong năm 2019 sẽ giảm về mức trung bình 59 USD/thùng, giá dầu Brent giảm nhẹ về mốc trung bình 66 USD/thùng. Giá dầu Singapore FOB cũng sẽ giảm nhẹ về mức 45 và 44.2 USD/thùng.

viet nam duoc huong loi gi neu gia dau tho tiep tuc giam nam 2019

Mỹ tiếp tục tăng sản lượng sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ với mức IEA dự báo trung bình khoảng 12,1 triệu thùng/ngày trong năm 2019 tăng 11% so với mức trung bình 10,9 triệu thùng/ngày trong 2018.

BSC nhận định OPEC mất dần khả năng chi phối thị trường dầu mỏ khi tỉ trọng của khối này trong tổng nguồn cung dầu mỏ ngày càng yếu dần. Ngoài ra, nguồn cung dầu mỏ của Iran và Qatar có thể tiếp tục được duy trì trong nửa đầu năm 2019 là 2,6 triệu thùng/ngày.

Nguồn cung được dự báo vượt cầu trong năm 2019 - 2020 và cách biệt này sẽ được gia tăng theo dự báo của OPEC.

Nhu cầu được OPEC dự báo tăng chậm do triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới và ngành sản xuất chững lại. BSC nhận định đây cũng là một hệ quả tất yếu do các tác động từ cuộc chiến tranh thương mại Trung - Mỹ và các lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu theo chu kì.

Sự lo ngại về triển vọng ảm đạm kinh tế toàn cầu, lo ngại nguồn cung vượt cầu và dự trữ dầu khí của Mỹ cao sẽ khiến nhà đầu tư bán tháo và giảm tỉ trọng đầu tư vào các hợp đồng dầu tương lai. Từ đó khiến giá dầu trung bình trong năm sau ở mức thấp.

Giá dầu giảm, Việt Nam vừa hưởng lợi, vừa chịu thiệt hại

BSC nhận định, giá dầu thô biến động mạnh vừa ảnh hưởng tích cực, vừa tác động tiêu cực đến Việt Nam.

Theo đó, nếu giá dầu giảm như dự báo, một số ngành như hóa chất, phân bón, năng lượng, săm lốp, nhựa, vận tải và vật liệu xây dựng hưởng lợi trong năm 2019.

Ngược lại, một số ngành và doanh nghiệp Việt Nam có nguồn thu chủ yếu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh dầu khí bị ảnh hưởng do giá bán sản phẩm và xuất khẩu thấp.

Các doanh nghiệp khai thác, xuất khẩu và lọc dầu chịu tác động mạnh nhất từ giá dầu giảm, trong khi các doanh nghiệp khác cũng bị sức ép lớn từ giá dầu giảm như các doanh nghiệp xuất khẩu cao su thiên nhiên.

Theo Tổng Cục Thống kê, khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 5,4% trong năm 2018. Trong đó, khai thác dầu thô giảm 11,3% và khai thác khí đốt tự nhiên tăng 1,1%.

Xuất khẩu dầu thô tính chung cả năm 2018 tiếp tục giảm mạnh về cả lượng và kim ngạch xuất khẩu so với năm trước. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu dầu thô đạt 2,3 tỉ USD, giảm 21,2%, lượng giảm 39,5%.

Một năm đầy biến động với giá dầu thô

Báo cáo BSC ghi nhận giá dầu thô tăng nhẹ vào đầu năm năm 2018, đạt đỉnh vào đầu tháng 10. Theo trang Investing.com, giá dầu thô chạm ngưỡng đỉnh 4 năm ở mức 87 USD/thùng đối với giá dầu Brent và dầu WTI đạt ngưỡng 77 USD/thùng.

Diễn biến này bắt nguồn từ tâm lí lo ngại về gián đoạn và suy giảm nguồn cung dầu mỏ thế giới từ lệnh trừng phạt của Mỹ dành cho 2 nước xuất khẩu dầu mỏ lớn là Iran và Venezuela và thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC và Nga.

viet nam duoc huong loi gi neu gia dau tho tiep tuc giam nam 2019

Tuy nhiên giá dầu thô quay đầu giảm mạnh và đi vào trạng thái đi ngang trong 3 tháng cuối năm do các lo ngại về việc dư thừa nguồn cung dầu thô toàn cầu. Đặc biệt, có những phiên giá dầu ghi nhận mức rơi tự do tới 7% hoặc gần gần 8%.

Sự tăng trưởng chậm lại nguồn cầu từ các thị trường lớn như Trung Quốc và nguồn cung tiếp tục tăng mạnh từ Mỹ và Nga là những yếu tố đã gây sức ép lên giá dầu.

Theo số liệu từ Investing.com, giá dầu WTI năm 2018 giảm 25%, giá dầu Brent giảm 20%.

Xem thêm

Đức Quỳnh