|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Việt Nam đề nghị Trung Quốc tăng cường nhập khẩu nông sản

09:30 | 12/05/2017
Chia sẻ
Tại cuộc hội đàm với Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 11-5 ở Bắc Kinh, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị Trung Quốc áp dụng các biện pháp hữu hiệu nhằm giảm dần tình trạng nhập siêu của Việt Nam, nhất là tăng cường nhập khẩu các mặt hàng nông sản liên quan đến lợi ích thiết thực của nông dân Việt Nam.

viet nam de nghi trung quoc tang cuong nhap khau nong sanChủ tịch nước Trần Đại Quang (trái) hội đàm với Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Lễ đón Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm cấp Nhà nước tới CHND Trung Hoa đã diễn ra chiều 11-5 tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh theo nghi thức trọng thể dành đón nguyên thủ quốc gia, với 21 loạt đại bác chào mừng.

Ngay sau lễ đón, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã hội đàm với Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

TTXVN đưa tin, tại cuộc hội đàm, Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc coi trọng quan hệ hợp tác hữu nghị với Việt Nam; mong muốn và sẵn sàng nỗ lực cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam tiếp tục tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước, đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung phát triển lành mạnh, ổn định.

Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết sẽ tiến hành chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam và tham dự Hội nghị Cấp cao APEC 2017 tổ chức tại Đà Nẵng.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là luôn coi trọng và mong muốn phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện với Đảng, Nhà nước Trung Quốc, đây là sự lựa chọn chiến lược và là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Tại hội đàm, hai nhà lãnh đạo nhất trí thúc đẩy, tạo sự chuyển biến tích cực, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác kinh tế và các lĩnh vực khác nhằm tạo nền tảng vững chắc phát triển quan hệ hữu nghị Việt - Trung; tăng cường chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp hai nước tập trung triển khai kịp thời, có chất lượng các kế hoạch, chương trình, dự án đã thỏa thuận; áp dụng các biện pháp hữu hiệu tăng cường thương mại song phương phát triển cân bằng; tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại một số địa phương Trung Quốc; khuyến khích doanh nghiệp hai bên tăng cường trao đổi thương mại, nhất là các mặt hàng nông, thủy hải sản, thực phẩm; khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc triển khai các dự án đầu tư công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, phù hợp với nhu cầu và chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam; tích cực trao đổi, ký kết “Phương án tổng thể chung về xây dựng khu hợp tác kinh tế qua biên giới” theo nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền và phù hợp với quy định pháp luật của mỗi bên.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị Trung Quốc áp dụng các biện pháp hữu hiệu nhằm giảm dần tình trạng nhập siêu của Việt Nam, nhất là tăng cường nhập khẩu các mặt hàng nông sản liên quan đến lợi ích thiết thực của nông dân Việt Nam; đề nghị đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp, môi trường, khoa học - công nghệ, ứng phó với biến đổi khí hậu, hỗ trợ Việt Nam lai tạo các giống lúa thích hợp với hạn hán và xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long; sớm trao đổi, ký kết gia hạn thỏa thuận về đường dây nóng các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển; tăng cường hợp tác sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong - Lan Thương; ứng phó với những thách thức về an ninh nguồn nước, bảo vệ môi trường, an toàn hạt nhân...

Về vấn đề trên biển, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam là kiên trì giải quyết tranh chấp ở biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982, tôn trọng tiến trình ngoại giao và pháp lý; đề nghị hai bên thực hiện nghiêm túc nhận thức chung, các thỏa thuận, cam kết đã ký kết, nhất là thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển; kiểm soát tốt bất đồng, không có các hành động làm phức tạp và mở rộng tranh chấp; xử lý thỏa đáng vấn đề nghề cá và hoạt động của ngư dân; thúc đẩy các cơ chế đàm phán trên biển sớm có tiến triển thực chất; tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển; thực hiện đầy đủ và hiệu quả tuyên bố của các bên về cách ứng xử trên biển Đông (DOC), phấn đấu cùng ASEAN hoàn tất Bộ Quy tắc về cách ứng xử trên biển Đông (COC) trong năm 2017 nhân dịp kỷ niệm 15 năm ký DOC.

Kết thúc hội đàm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chứng kiến lễ ký kết 5 văn kiện hợp tác, bao gồm:

- Hiệp định hợp tác kinh tế - kỹ thuật giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa

- Thỏa thuận về tăng cường hợp tác trong tình hình mới giữa Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa

- Bản ghi nhớ về hợp tác thương mại điện tử giữa Bộ Công Thương nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Thương mại nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa

- Bản ghi nhớ hợp tác giai đoạn 2017-2020 giữa Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Trường Đảng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa

- Hiệp định vay ưu đãi Chính phủ khoản vay bổ sung cho dự án đường sắt đô thị Hà Nội - Hà Đông giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc.

Trả lời báo chí Trung Quốc, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đang trên đà phát triển với những kết quả tích cực trên các lĩnh vực. Trung Quốc liên tục là bạn hàng lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong các nước ASEAN.

Tính đến tháng 3-2017, Trung Quốc có hơn 1.600 dự án với tổng số vốn trên 11 tỉ đô la Mỹ, đứng thứ 8/116 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam cũng như tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước. Việc các doanh nghiệp Trung Quốc quan tâm đẩy nhanh tiến độ các dự án và bảo đảm chất lượng như đã cam kết sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho cả hai bên và góp phần nâng cao uy tín của các nhà đầu tư Trung Quốc tại Việt Nam.

Việt Nam hoan nghênh các doanh nghiệp Trung Quốc tăng cường đầu tư, kinh doanh, chuyển giao công nghệ tiên tiến thông qua các dự án lớn, tiêu biểu cho trình độ phát triển của Trung Quốc, đặc biệt là trong các lĩnh vực Trung Quốc có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu, như phát triển kết cấu hạ tầng, công nghiệp chế tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, năng lượng sạch... Đồng thời, với vị trí địa lý gần gũi, Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Trung Quốc trao đổi hàng hóa với thị trường ASEAN và thế giới.

M.Đ