|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Việt Nam đang là tâm điểm thu hút các tập đoàn công nghệ thế giới

21:55 | 29/11/2016
Chia sẻ
Thị trường hơn 90 triệu dân với thu nhập bình quân vượt mốc 2.000 USD/người/năm đã đưa Việt Nam trở thành tâm điểm thu hút các tập đoàn công nghệ thế giới.
viet nam dang la tam diem thu hut cac tap doan cong nghe the gioi
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Chiều 29/11, Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBankSc) phối hợp cùng Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) tổ chức hội thảo “Hướng đi mới cho ngành phân phối công nghệ.”

Theo hãng nghiên cứu thị trường công nghệ GfK, thị trường công nghệ Việt Nam đạt quy mô 154.700 tỷ đồng trong năm 2015; tăng 22,6% so với năm 2014, trong đó mặt hàng di động có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất đạt 30%.

Trong giai đoạn 2011-2015, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng công nghệ tại Việt Nam đã tăng trưởng với tốc độ bình quân 15,7%/năm. Trong 6 tháng đầu năm 2016, tổng mức tiêu thụ mặt hàng công nghệ đạt 94.472 tỷ đồng, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước.

Thị trường hơn 90 triệu dân với thu nhập bình quân vượt qua mốc 2.000 USD/người/năm đã biến Việt Nam trở thành tâm điểm thu hút các tập đoàn công nghệ của thế giới.

Đánh giá về cơ hội đầu tư đối với ngành công nghệ, các chuyên gia cho rằng, nhóm ngành công nghệ tại thị trường Việt Nam là nhóm cổ phiếu ở mức khá an toàn, có tính ổn định cao, dư địa tiếp tục tăng trưởng trong tương lai còn rất lớn, dự báo có thể tăng trưởng từ 20% - 25%/năm.

Trong đó, khi xem xét về chuỗi giá trị ngành phân phối và bán lẻ hàng công nghệ điện tử, một số doanh nghiệp có tiềm năng phát triển và tăng trưởng tốt có thể kể đến là Digiworld (DGW), Thế giới Di động (MWG)...

Ông Đặng Trần Hải Đăng, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu VietinBankSc cho biết, hiện nay, chuỗi giá trị ngành phân phối công nghệ được chia ra thành 5 phân lớp với giá trị tăng dần bao gồm: hậu cần (kho vận, nhập khẩu…), bán hàng, hậu mãi, marketing và phân tích thị trường.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong nước chủ yếu mới chỉ ở hai phân lớp bán hàng và hậu cần trong chuỗi giá trị ngành phân phối, đây là hai phân khúc có lợi nhuận thấp nhất trong chuỗi giá trị.

Phân tích về lợi thế cạnh tranh trong ngành phân phối công nghệ, ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thế Giới Số (Digiword) cho rằng, điểm khác biệt của công ty này là cung cấp dịch vụ Phát triển Thị trường cho rất nhiều đối tác ở hình thức độc quyền toàn bộ dịch vụ hoặc từng dịch vụ riêng lẻ trong nhiều năm qua.

Dịch vụ Phát triển thị trường là dịch vụ mà các nhà phân phối giúp cho đối tác và thương hiệu phát triển kinh doanh ở thị trường hiện tại hoặc thị trường mới. Dù rất phổ biến ở nước ngoài, nhưng khái niệm này hầu như còn khá xa lạ với nhà phân phối tại Việt Nam.

Mỹ Phương