|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Việt Nam có thực sự hưởng lợi từ thương chiến Mỹ - Trung?

07:49 | 19/07/2019
Chia sẻ
Những số liệu xuất nhập khẩu, đầu tư những tháng đầu năm nay cho thấy, Việt Nam không được hưởng lợi từ thương chiến Mỹ - Trung như tính toán của một số cơ quan Mỹ và cũng được truyền thông nước này đẩy lên. Hơn thế, nguy cơ lại không ít.
Việt Nam có thực sự hưởng lợi từ thương chiến Mỹ - Trung? - Ảnh 1.

Sản phẩm đồ gỗ nội thất xuất khẩu đi Mỹ tăng 35% nhưng không hẳn Việt Nam được hưởng lợi bởi thương chiến Mỹ - Trung. Ảnh minh họa: Minh Tâm

Số liệu đầu tiên được bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, Phó trưởng ban Pháp chế - Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) đưa ra là thống kê xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ do chính phía Mỹ công bố. Trong số các nước đã được dự báo trước đó là sẽ hưởng lợi từ thương chiến thì Việt Nam có tăng trưởng xuất khẩu ở mức 36% và là nước xuất khẩu thứ tám vào thị trường này dù chỉ chiếm thị phần chỉ 2,5%. Và Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm 5 nước có thặng dư thương mại với Mỹ.

Nhưng, theo bà Trang, nếu nhìn sâu vào từng nhóm hàng thì có nhiều điều đáng nói. Nhóm tăng trưởng lớn nhất là điện thoại, linh kiện với 91%. Vấn đề là điện thoại không phải là mặt hàng Mỹ đang áp thuế với hàng Trung Quốc nên không thể nói rằng Việt Nam đang lấy phần này từ Trung Quốc.

“Nguyên nhân có thể là sự chuyển hướng hay lý do nào khác nhưng chắc chắn không phải là lý do thuế quan”, bà Trang phân tích tại diễn đàn “Đối đầu thương mại Mỹ - Trung và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU” diễn ra hôm nay, 18-7 ở TPHCM.

Một mặt hàng khác cũng được ghi nhận tăng trưởng xuất khẩu vào Mỹ là đồ gỗ, nội thất với 35%. Theo bà Trang, đúng là tăng vào Mỹ nhưng mặt hàng này lại đang giảm tại các thị trường khác. Bên cạnh đó, tăng trưởng sản xuất và chỉ số tồn kho trong nước theo thống kê của Tổng cục Thống kê lại không lớn. Điều đó cho thấy, lợi chung cho cả nền kinh tế nhìn ở mặt hàng gỗ là không đáng kể.

Ở thị trường Trung Quốc, một suy đoán từng được nhắc đến nhiều là Việt Nam sẽ tăng cường xuất khẩu vào đây. Nhưng thực tế thì lại đang có tình trạng giảm tốc nghiêm trọng, nhất là ở những mặt hàng tưởng là có thể thay thế Mỹ.

Xuất khẩu vào Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm giảm 1,4% so với cùng kỳ, trong khi đó, 5 tháng 2018 tăng tới 31% so với cùng kỳ 2017. “Điều đó cho thấy hàng Việt Nam thay thế hàng Mỹ ở Trung Quốc là không có”, bà Trang nhấn mạnh.

Trong khi đó, nhập khẩu của Việt Nam ở những mặt hàng đang xuất mạnh đi Mỹ từ Trung Quốc lại tăng cực kỳ lớn. Mức tăng bình quân là 20% so với cùng kỳ trong khi mức tăng của 2018 với 2017 chỉ là 9%.

Đáng ngại và cũng thể hiện tác động của thương chiến Mỹ - Trung đến Việt Nam là xuất khẩu các mặt hàng đi các thị trường khác đều giảm tốc so với tình hình của cùng kỳ năm ngoái so với 2017. Thực tế này, có một phần là do nhu cầu thế giới giảm khi thương mại toàn cầu sụt giảm. Nhưng lại cần nhớ rằng, hàng hóa Trung Quốc xuất đi thế giới có giảm nhưng mức giảm thấp hơn rất nhiều so với Việt Nam.

Theo bà Trang, điều đó cho thấy rõ ràng hàng hóa Việt Nam đang bị cạnh tranh bởi hàng Trung Quốc và hàng các nước, đúng như dự báo bà từng đề cập là khi hàng Trung Quốc không xuất đi Mỹ thì sẽ xuất đi các nước khác và cạnh tranh với hàng Việt Nam.

Còn về đầu tư, những gì diễn ra trong thực tế cũng khác với suy đoán ban đầu. Số liệu cho thấy đầu tư các loại ở Việt Nam giảm 9,2% trong những tháng vừa qua, chỉ tăng lẻ ở các đầu tư từ Hong Kong, Đài Loan. Và theo thống kê của Jetro thì các doanh nghiệp Nhật Bản có dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc những tháng vừa qua nhưng đang tăng trở lại và khi dịch chuyển thì điểm đến không phải là Việt Nam!

“Rõ ràng là Việt Nam không được lợi từ thương chiến mà đang gặp khó khăn toàn bộ”, bà Trang khẳng định.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng, Giám đốc Viện đào tạo và nghiên cứu BIDV thì khẳng định, tác động của thương chiến với Việt Nam rất rõ. Xuất khẩu 6 tháng đầu năm của Việt Nam đã bị ảnh hưởng ngay bởi tình hình sụt giảm thương mại toàn cầu, hàng đi châu Âu không những không tăng mà đã giảm 0,4% so với cùng kỳ.

“Năm nay, xuất khẩu tăng 8 -10% đã là giỏi, không thể bằng năm ngoái với 14%”, ông Lực nói.

Trong khi đó, xuất khẩu sang Mỹ 6 tháng đầu năm tăng 27,4%. Con số này càng làm khó xử trong bối cảnh Việt Nam đang muốn giảm thặng dư với Mỹ. Nhiều doanh nghiệp lớn đang tăng cường nhập khẩu lại như đặt hàng mua máy bay nhưng đó là chuyện hàng năm.

Việt Nam cũng đã bị Mỹ cảnh báo về việc can thiệp thị trường và đang chờ đợt đánh giá vào tháng 9 tới để quyết định có đưa vào danh sách thao túng tiền tệ hay không. Theo ông Lực, Chính phủ phải hết sức thận trọng về câu chuyện này, phải tăng cường trao đổi thông tin, minh bạch con số cũng như có các chính sách điều hành khôn khéo, hai chiều để tránh cho Việt Nam nguy cơ này.

Mối lo tác động khác là giá hàng nhập khẩu từ Mỹ và Trung Quốc có thể tăng lên, đẩy chi phí sản xuất của doanh nghiệp, tác động đến giá hàng hóa, áp lực lên lạm phát.

Bên cạnh đó, nhập khẩu từ Trung Quốc lại gia tăng. Ở một số mặt hàng, con số gia tăng đột biến, ví dụ như máy tính, thiết bị phụ tùng. Đây là nghi ngờ về tình trạng đột lốt, chuyển tải. Nhập khẩu Mỹ nhiều. Nhưng chủ yếu là nguyên liệu sản xuất.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, vì thương chiến, các doanh nghiệp trong ngành đang gặp rất nhiều thách thức. Trong đó, ngành sợi vốn xuất khẩu trên 3 tỉ đô la Mỹ/năm và thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 2,4 tỉ đô la Mỹ, nay không xuất được. Nguyên nhân là Trung Quốc đang mua với giá rất thấp, doanh nghiệp không thể bán. “Họ không phá giá đồng nhân dân tệ nhiều như chuyên gia nói nhưng chênh lệch thuế VAT. Của họ là 17%, Việt Nam có 10%, chưa kể họ đòi giảm giá 15%”, ông Giang dẫn chứng.

Trong khi đó, hàng xuất đi Mỹ thì lại gặp khó về vấn đề thanh toán. Trước đây mở L/C (thư tín dụng) thì nay đòi chuyển qua phương thức TT (điện chuyển tiền) với thời gian 30 ngày, 60 ngày, thậm chí 120 ngày.

Không chỉ vậy, tình trạng doanh nghiệp chuyển tải cũng đã xảy ra khi hàng hóa thành phẩm được chuyển sang Việt Nam để thực hiện khâu cuối cùng là ủi và đóng gói.

Minh Tâm