|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Việt Nam có thể xuất khẩu lô thịt heo đầu tiên vào năm 2018

16:08 | 20/10/2017
Chia sẻ
Nếu áp dụng thành công mô hình chuỗi liên kết trong ngành chăn nuôi, Việt Nam có thể xuất khẩu lô thịt heo đầu tiên vào năm sau.
viet nam co the xuat khau lo thit heo dau tien vao nam 2018
Ảnh: Lyly

Sáng ngày 20/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN) tổ chức “Diễn đàn xúc tiến thịt lợn xuất khẩu Việt Nam” tại Hà Nội nhằm thúc đẩy phát triển chăn nuôi theo chuỗi mô hình khép kín từ sản xuất đến chế biến và phân phối, tạo ra sản phẩm đảm bảo an toàn và chất lượng phục vụ xuất khẩu sang các thị trường khác.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN Vũ Văn Tám nhận định, ngành chăn nuôi Việt Nam trong những năm gần đây đã có những bước phát triển mạnh mẽ, các sản phẩm chăn nuôi đáp ứng được nhu cầu trong nước và có cơ hội xuất khẩu.

Bên cạnh đó, nhiều quốc gia trên thế giới vì nhiều yếu tố như dịch bệnh, khí hậu và điều kiện sản xuất chưa đủ để đáp ứng nhu cầu về thịt heo, phải nhập khẩu mặt hàng này. Điều đó tạo điều kiện cho các doanh nghệp Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường này.

Cơ hội xuất khẩu cho thịt heo Việt Nam

Theo ông Gabor Fluit, Tổng giám đốc Tập đoàn De Heus châu Á, Trung Quốc đi đầu về sản lượng nhập khẩu thịt heo (thịt móc hàm) trên thế giới trong năm 2016 với 2.181 nghìn tấn. Theo sau là Nhật Bản, Mexico và Hàn Quốc với sản lượng nhập khẩu lần lượt là 1.361 nghìn tấn, 1.021 nghìn tấn và 615 nghìn tấn. Mỹ xếp ở vị trí thứ 5 với 495 nghìn tấn.

viet nam co the xuat khau lo thit heo dau tien vao nam 2018
10 quốc gia sản xuất thịt lợn đứng đầu thế giới năm 2015.

Ngoài ra, năm 2016, Việt Nam đứng thứ 6 về sản lượng thịt heo sau Nga và Brazil. Trung Quốc và châu Âu là 2 quốc gia đứng đầu về sản xuất. Tuy nhiên, khi xem xét về xuất khẩu, Việt Nam chỉ đứng thứ 35 trên thị trường, đi đầu là các quốc gia châu Âu.

viet nam co the xuat khau lo thit heo dau tien vao nam 2018
Thị phần xuất khẩu thị lợn năm 2015.

Vì vậy theo ông Fluit, các doanh nghiệp Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu thịt heo rất lớn.

Đây cũng là khẳng định của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khi nhận xét về ngành chăn nuôi lợn Việt Nam. “Với 4 triệu tấn thịt hơi, nhưng chỉ xuất khẩu được 20.000 tấn. Trong khi vẫn còn nhiều chỗ trống cho nguồn cung trên thị trường thế giới và trong khu vực”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu.

Ông Lee Jong Beom, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Daewon Hàn Quốc, một trong những đối tác cho dự án phát triển mô hình chuỗi liên kết sản xuất sản phẩm chăn nuôi, cho biết sản xuất thịt heo của Hàn Quốc giảm mạnh vì dịch bệnh, trong khi nhập khẩu tăng nhanh trong những năm gần đây. Điều này khiến Hàn Quốc phải nhập khẩu mặt hàng thịt heo từ 10 quốc gia khác nhau trên thế giới. Bên cạnh đó, các sản phẩm từ thịt heo đang tăng cao, trong khi sản xuất vẫn duy trì ở mức yếu dù được chính phủ quốc gia này đầu tư phát triển. Vì vậy, đây là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam để xuất khẩu thịt heo vào thị trường này.

Hiệp định thỏa thuận tự do thương mại giữa Việt Nam – Hàn Quốc năm 2015 cũng đã hỗ trợ rất nhiều cho các sản phẩm Việt Nam thâm nhập vào thị trường này.

Thách thức đối với xuất khẩu thịt heo

Ngành chăn nuôi của Việt Nam có nhiều tiến bộ, song vẫn dưới quy mô nhỏ lẻ, không có sự gắn kết chặt chẽ giữa hộ chăn nuôi và doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp và chính phủ. Xuất khẩu thịt lợn chủ yếu dưới dạng tiểu ngạch với thị trường chủ yếu là Trung Quốc, khiến người chăn nuôi rơi vào thế bị động và chịu nhiều thiệt hại khi thị trường Trung Quốc có biến động.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng nhấn mạnh tổ chức chế biến và tổ chức thị trường yếu kém là nguyên nhân khiến xuất khẩu thịt heo vẫn chưa trở thành lĩnh vực đóng góp chủ đạo cho phát triển của đất nước.

Bên cạnh đó, yếu tố an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc thịt lợn cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xuất khẩu thịt heo sang các thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản vì yêu cầu về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm tại những quốc gia này rất khắt khe.

Khắc phục nhược điểm dựa trên mô hình chuỗi liên kết

Mô hình chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất đến chế biến và chăn nuôi giúp đảm bảo chất lượng sản phẩm đầu ra cho xuất khẩu. Đây cũng là mô hình giúp Việt Nam xuất khẩu thành công lô thịt gà đầu tiên sang thị trường Nhật Bản hồi tháng 9 vừa rồi.

Góp ý về việc tối ưu hóa chuỗi giá trị mới để tạo ra các sản phẩm chất lượng cao và đạt yêu cầu xuất khẩu, Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam, bà Nienke Trooster đưa ra một số nguyên tắc đã giúp quốc gia này có vị trí trên thị trường quốc tế.

Yếu tố đầu tiên được bà nhắc đến là sự liên kết giữa các thành phần trong chuỗi giá trị, hỗ trợ nhau phát triển để tạo ra chuỗi giá trị thực sự.

Nhân tố thứ 2 đóng vai trò không kém phần quan trọng là người nông dân. Theo đó, người chăn nuôi cần phải được coi như những doanh nghiệp nhỏ, cần có kế hoạch kinh doanh cụ thể và nguồn vốn để thực hiện mục tiêu đã đặt ra, giúp họ trở thành 1 phần của chuỗi giá trị. Để làm được điều đó, bà Trooster lưu ý cần đào tạo, hỗ trợ và tôn trọng người nông dân trong chuỗi giá trị.

Điều cuối cùng, giúp Hà Lan thực sự tạo nên sự khác biết là sự phối hợp giữa chính phủ và doanh nghiệp. Tuy nhiên, bà Trooster nhận định, đây chỉ là 2 trong số 4 nhân tố của mô hình kim cương, những thành phần còn lại là các tổ chức nghiên cứu, trường đại học và người tiêu dùng.

Cùng với đó, kết hợp với áp dụng công nghệ thông tin ứng dụng việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho chuỗi liên kết sản xuất thịt lợn sạch.

Thứ trưởng Bộ NN Vũ Văn Tám cho biết:

Về cơ hội xuất khẩu của sản phẩm chăn nuôi của chúng ta, chúng ta đã kí hiệp định thương mại FTA, đây là điều kiện thuận lợi cho thịt heo Việt Nam.

Hiện tại nghành chăn nuôi cần phải đảm bảo giảm giá thành bằng cách ứng dụng các tiến bộ kĩ thuật, đảm bảo an toàn dịch bệnh, sản xuất chăn nuôi an toàn. Tuy nhiên, để đáp ứng được những điều này chúng ta phải cơ cấu lại ngành chăn nuôi để tăng cường khả năng cạnh tranh.

Các doanh nghiệp đóng vai trò nòng cốt trong ngành chăn nuôi trước mắt sẽ nhắm tới các thị trường chúng ta đã ký FTA để có lợi thế về xuất khẩu, đồng thời vẫn lựa chọn những thị trường truyền thống từ trước đến nay.

Bộ cũng đang cho rà soát lại tổng cầu vì nhu cầu về thịt heo vào cuối năm và mùa cưới, rà soát lại tổng cầu và thống kê nguồn cung để đưa ra các giải pháp cụ thể. Việc giảm chăn nuôi của một số hộ nhỏ lẻ sẽ không ảnh hưởng nhiều đến nguồn cung chính, vì vậy từ nay đến tết sẽ không thiếu thịt.

Ông cũng cảnh báo người chăn nuôi nên căn cứ vào tín hiệu của thị trường, và phải có liên kết tránh tình trạng nuôi mà không biết tiêu thụ ở đâu. Không nên vì giá tăng cao trong một thời điểm mà tăng đàn.

Tố Tố