|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Việt Nam có 21 đối tác cung ứng cho Apple, vượt cả Thái Lan và Ấn Độ

13:45 | 03/06/2021
Chia sẻ
So với năm 2018, Việt Nam có thêm 7 đối tác cung ứng cho Apple. Năm 2019, Apple không công bố danh sách nhà cung ứng vì lý do đại dịch.

Theo báo cáo các nhà cung ứng (Apple Supplier List) mà Apple vừa công bố mới đây, Apple có 21 nhà cung ứng tại Việt Nam trong năm 2020, tăng lên từ con số 14 vào năm 2018. Năm 2019, Apple không công bố danh sách này.

7 trong số 21 công ty trong danh sách thuộc sở hữu của các công ty Trung Quốc hoặc Hong Kong. Danh sách này bao gồm Luxshare Precision Industry và GoerTek, đây là hai công ty đối tác sản xuất tai nghe không dây AirPods của Apple tại Việt Nam từ đầu năm 2020.

Việt Nam có 21 đối tác cung ứng cho Apple - Ảnh 1.

Việt Nam có 14 đối tác Apple hoạt động vào năm 2018. Con số này tăng lên 21 trong năm 2020. (Nguồn: Nikkei/Apple, Việt hoá: Thái Sơn)

Ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc là quốc gia có nhiều nhà cung ứng cho Apple hơn bất kỳ quốc gia/vùng lãnh thổ nào khác. Đây là bằng chứng cho thấy những nỗ lực của Washington trong việc gỡ rối mối quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ít có tác động đến công ty công nghệ giá trị nhất thế giới.

Trong số 200 nhà cung ứng hàng đầu của Apple, 51 công ty ở Trung Quốc (bao gồm Hong Kong), theo một phân tích của Nikkei. Con số này tăng từ mốc 42 công ty trong năm 2018. Lúc này, Trung Quốc đã vượt qua Đài Loan để vươn lên vị trí dẫn đầu lần đầu tiên.

Thực tế, các nhà cung ứng Trung Quốc cũng đang giúp Apple phát triển năng lực sản xuất ở các nước khác ở Châu Á trong bối cảnh Apple muốn đa dạng hoá chuỗi cung ứng của mình, giảm phụ thuộc vào một quốc gia.

Apple Supplier List bao quát 98% chi tiêu của Apple vào nguyên vật liệu, sản xuất và lắp ráp trong năm tài chính trước đó. Mặc dù không công bố chi tiết các số liệu về tài chính, báo cáo này là thước đo cho thấy sự phụ thuộc vào các nhà cung ứng khắp nơi trên thế giới. Báo cáo Apple Supplier List  được Apple công bố thường niên từ năm 2013.

Apple vốn nổi tiếng với tiêu chuẩn chất lượng cực kỳ khắt khe.

"Hầu hết các nhà cung ứng Trung Quốc có cách tiếp cận tương tự nhau", một giám đốc chuỗi cung ứng của Apple chia sẻ với Nikkei Asia. Các nhà cung ứng Trung Quốc giành được hợp đồng nhờ mức giá thấp chào đến Apple mà các nhà cung ứng đến từ các quốc gia khác thường khá tưởng tượng được, nguồn tin chia sẻ.

"Họ sẵn sàng chấp nhận một công việc có biên lợi nhuận rất thấp mà các nhà cung ứng khác thường không lựa chọn. Bằng cách này, họ có thể dần dần cải thiện nhiều mặt khi làm việc với Apple và cạnh tranh nhiều hợp đồng hơn trong tương lai".

Người này nhận định rằng các công ty có hợp đồng với Apple sở hữu một "tấm vé vàng" để trở thành công ty tốt nhất trên thế giới.

Thế đang lên của các nhà cung ứng Trung Quốc đồng nghĩa với sự đi xuống của các nhà cung ứng thị trường khác.

Việt Nam có 21 đối tác cung ứng cho Apple, vượt cả Thái Lan và Ấn Độ - Ảnh 2.

Apple vẫn có mức độ phụ thuộc rất cao vào Trung Quốc. (Nguồn: Nikkei/Apple, Việt hoá: Thái Sơn)

Năm 2017, số lượng nhà cung ứng Nhật Bản giảm từ 43 xuống còn 34. Con số này tăng lên 38 vào năm 2018. Japan Display và Sharp, hiện vẫn là đối tác của Apple, chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ các nhà sản xuất màn hình Trung Quốc như BOE Technology Group và Tianma Microelectronics. Trong khi đó, Sharp và Kantatsu chịu áp lực cạnh tranh từ Luxshare và Cowell ở mảng camera.

Đài Loan, thị trường đứng đầu danh sách nhà cung ứng cho Apple trong hơn 1 thập niên, có 48 nhà cung ứng Apple trong năm 2020, xếp sau Trung Quốc. Số lượng nhà cung ứng đã giảm xuống từ 52 vào năm 2017 và 47 vào năm 2018.

Số lượng các nhà cung ứng cho Apple ở Mỹ cũng giảm xuống 32 vào năm ngoái từ con số 37 của năm 2017. Hầu hết các nhà cưng ứng còn lại như 3M, Corning, Micron, Lumentum và Qualcomm đang cung cấp các mặt hàng nguyên vật liệu và bán dẫn giá trị cao khó có thể bị thay thế.

Apple hiện vẫn là công ty tạo ra nhiều việc làm nhất ở quê nha với 2 triệu việc làm tại 50 bang, theo số liệu tự công bố. Năm ngoái, Apple dành 50 tỷ USD để mua hàng từ 9.000 nhà cung ứng và nhà sản xuất Mỹ.

Cựu Tổng thống Donald Trump từng mong muốn các công ty như Apple giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng Trung Quốc bằng cách áp đặt các hàng rào thuế quan.

Dù vậy, đến nay, Apple mới chỉ huỷ hợp tác với một nhà cung ứng Trung Quốc là O-Film Technology vì vấn đề liên quan đến vi phạm quyền lợi người lao động.

Jeff Pu, một nhà phân tích cao cấp của GF Securities, nhận định rằng Trung Quốc có hệ sinh thái cung ứng linh kiện điện tử và lắp ráp hàng đầu trên thế giới. Đây là kết quả của nhiều năm tích luỹ không chỉ đến từ Apple mà còn từ nhiều nhà sản xuất nội địa như Huawei và OPPO.

"Linh kiện điện từ duy nhất Trung Quốc chưa theo kịp là bán dẫn", ông Pu nói. "Việc danh sách các nhà cung ứng Apple tăng lên cho thấy Trung Quốc cũng kiểm soát tốt đại dịch COVID-19".

Chi phí và chất lượng là lý do chính Apple vẫn phải "dính lấy" các nhà cung ứng Trung Quốc bất chấp các áp lực về mặt chính trị, theo ông Eric Tseng, Giám đốc nghiên cứu tại Isaiah Research.

Dù vậy, các nhà phân tích nhận thấy việc nhiều nhà sản xuất Trung Quốc đang chuyển dần sang các quốc gia như Việt Nam hay Ấn Độ thể hiện vấn đề với môi trường đầu tư tại đây. Chi phí nhân công đang tăng và rất khó để tuyển dụng đủ công nhân cho các mùa cao điểm, theo Nikkei.

Nam Khánh

Toàn cảnh kết quả kinh doanh quý I: Vượt qua giai đoạn khó khăn nhất
SSI Research cho biết kết quả lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết duy trì tăng trưởng trong quý I/2024, tuy nhiên tốc độ tăng đã chậm lại. Song đơn vị phân tích này nhìn nhận kết quả lợi nhuận của các doanh nghiệp có thể đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất để bước vào giai đoạn tăng trưởng ổn định hơn.