Việt kiều trẻ ở Mỹ ủng hộ đảng Dân chủ
Tuần tới đây, Cuong Dinh, một sĩ quan quân đội chế độ cũ ở miền nam Việt Nam trước năm 1975 sẽ đi bỏ phiếu bầu cho ứng viên Donald Trump, trong khi con gái ông cho biết sẽ bầu cho bà Hillary Clinton.
Cũng giống như hàng ngàn người Việt sang Mỹ định cư sau khi kết thúc cuộc chiến tranh giải phóng đất nước vào ngày 30-4-1975, suy nghĩ cho rằng Đảng Dân chủ ra lệnh ngừng viện trợ cho miền Nam Việt Nam là nguyên nhân khiến người như ông Cuong Dinh trở thành người ủng hộ Đảng Cộng hòa mạnh mẽ.
Năm 2008, khi Thượng nghị sĩ John McCain, người từng tham chiến ở Việt Nam, đại diện Đảng Cộng hòa tranh cử, 48% người Việt ở Mỹ ủng hộ Đảng này.
Tuy nhiên, hiện tại số người Việt ủng hộ Đảng Dân chủ đang vượt mặt Đảng Cộng hòa với tỷ lệ 45% - 29%.
Đó là vì thế hệ người Mỹ gốc Việt trẻ ngày nay không có cùng suy nghĩ với cha ông họ.
Một bằng chứng rất rõ là 3 trong số 4 người con trưởng thành của ông Cuong Dinh hiện đang ủng hộ Đảng Dân chủ.
“Tôi ủng hộ Đảng Cộng hòa, không nghi ngờ gì cả. Các con tôi thì khác”, báo Financial Times trích lời Cuong Dinh. “Mỗi khi họp gia đình, chúng tôi luôn cãi nhau. Bọn trẻ nói rằng chúng tôi cần thay đổi”.
Cô Tini, 35 tuổi, con gái ông Dinh, cho biết mình ủng hộ Đảng dân chủ vì chính sách của đảng này trong các vấn đề xã hội bao gồm y tế, giáo dục và quyền bình đẳng.
Sự ủng hộ của người Mỹ gốc Việt đang nhấn mạnh thêm vị thế của Đảng Dân chủ trong bức tranh bầu cử hiện nay, khi mà cộng đồng người Mỹ gốc Á đang trở thành nhóm dân số phát triển nhanh nhất, đồng thời cũng là nhóm cử tri quan trọng tại các bang Virginia, Nevada và North Carolina.
Ngoài ra, khuynh hướng ủng hộ Đảng Dân chủ trong 21 triệu người Mỹ gốc Á đang đặt ra một thách thức lớn cho đảng Cộng hòa trong thời đại của Donald Trump.
Sơ đồ cho thấy tỉ lệ ủng hộ bà Hillary của nhóm người Mỹ có xuất sứ từ châu Á và quần đảo Thái Bình Dương (cột màu hồng đậm) cao hơn nhiều so với tỷ lệ ủng hộ ông Trump - Ảnh: Financial Times |
Những năm gần đây, các ứng viên Đảng Cộng hòa đã liên tục vấp phải phản ứng của người nhập cư.
Năm 2006, sự nghiệp của Thượng nghị sĩ George Allen ở Virginia sụp đổ sau khi ông gọi một người Mỹ gốc Ấn là “khỉ đột” và bị ghi hình lại.
Sáu năm sau đó, Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa đưa ra kết luận rằng vị thế của Đảng sẽ khá "bấp bênh" nếu không chịu thích ứng với mối quan tâm của các nhóm thiểu số.
Đến thời ông Trump cũng không khá hơn, khi mà ông liên tục có những phát biểu gây “mích lòng” người nhập cư, tiêu biểu là lời kêu gọi cấm người Hồi giáo vào Mỹ.
“Những phát biểu chống lại người nhập cư và những lời bình luận cay nghiệt đang khiến cho Trump, hay Đảng Cộng, hòa gặp nhiều khó khăn hơn khi tiếp cận cộng đồng này”, ông Karthick Ramakrishnan, giáo sư chính trị - khoa học trường Đại học California, Riverside nhận định.