|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

VIB ước lãi 8.300 tỷ trong 9 tháng, chi phí dự phòng gấp 3,4 lần cùng kỳ

12:10 | 26/10/2023
Chia sẻ
Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư mới đây, lãnh đạo ngân hàng ước tính lợi nhuận trước thuế cả năm 2023 đạt hơn 11.000 tỷ đồng, tăng khoảng 5% so với cùng kỳ.

Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB - Mã: VIB) vừa tổ chức buổi gặp gỡ nhà đầu tư để công bố kết quả kinh doanh sơ bộ 9 tháng đầu năm và triển vọng kinh doanh quý IV.

Theo ghi nhận của CTCP Chứng khoán Vietcap (VCSC), VIB đã công bố lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm đạt 8.300 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước, thực hiện được 68% kế hoạch năm. Trong đó, thu nhập từ phí đạt 2.500 tỷ đồng.

Tính riêng trong quý III, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng ước đạt 2.700 tỷ đồng, giảm 3,9% so với cùng kỳ và 9% so với quý liền trước. 

 

Chia sẻ tại buổi gặp, lãnh đạo VIB cũng cho biết trong bối cảnh thị trường như hiện nay, ước tính lợi nhuận trước thuế cả năm của VIB sẽ đạt tối thiểu 11.000 tỷ đồng,tăng khoảng 5% so với cùng kỳ. Trước đó, tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, VIB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 12.200 tỷ đồng và mức dự báo mà Vietcap đưa ra là 12.000 tỷ đồng.

Trong ba quý đầu năm, VIB đã chi 3.500 tỷ đồng cho chi phí dự phòng, tăng 240% so với cùng kỳ. Ngân hàng đã đẩy mạnh trích lập dự phòng và xử lý nợ để kiểm soát nợ xấu. Trong quý IV, ngân hàng dự kiến chi phí dự phòng sẽ vào khoảng 1.500 tỷ đồng, giảm 8% so với quý III. Chi phí dự phòng cả năm được dự báo ở mức 4.600 tỷ đồng, tăng 259% so với năm 2022.   

Về các chỉ số hiệu quả hoạt động, VIB ước tính NIM quý III đạt 4,8%, tăng 10 điểm cơ bản (bps) so với quý trước. NIM tăng lên chủ yếu do chi phí huy động giảm xuống. Ngân hàng kỳ vọng NIM sẽ không đổi trong thời gian còn lại của năm. 

 

Tỷ lệ chi phí/thu nhập (CIR) của VIB trong 9 tháng đầu năm giảm 2 điểm % so với năm ngoái, xuống còn 30%. Ban lãnh đạo dự kiến sẽ kiểm soát CIR năm 2023 ở mức khoảng 29%-31%.

ROE (tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ) của VIB trong 9 tháng đầu năm đạt 27%, hệ số CAR trong quý III ở mức 11,8%. 

Theo đánh giá của Vietcap, lợi nhuận VIB thấp hơn kỳ vọng do chi phí tín dụng tăng nhanh hơn dự kiến. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng tiếp tục ở mức cao dù đã tích cực xử lý nợ bằng dự phòng trong ba quý đầu năm. 

Tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 5,5%

Tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm 2023 của VIB ước đạt 5,5%, cách khá xa so với mức "room" tín dụng được cấp đầu năm là 14,25%. 86% danh mục cho vay của VIB tập trung vào lĩnh vực bán lẻ (so với 90% vào năm 2022). Trong đó, 54% là cho vay mua nhà, 16% là cho vay mua xe, 19% cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa còn 11% là thẻ và các khoản cho vay tiêu dùng khác.

VIB cho biết dự kiến sẽ sử dụng hạn mức còn lại trong quý IV/2023 và dành khoảng 10% - 15% số tiền giải ngân mới cho khách hàng doanh nghiệp thay vì tập trung hoàn toàn vào khách hàng bán lẻ như năm ngoái.

9 tháng đầu năm, ngân hàng ghi nhận tăng trưởng tiền gửi khách hàng đạt gần 7%. Nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn tính đến quý III/2023 là 27,9%, thấp hơn mức trần 30% có hiệu lực từ tháng 10/2023. VIB cho biết khoản vay hợp vốn nước ngoài mới lên tới 300 triệu USD sẽ được giải ngân vào quý IV, giúp củng cố thêm nguồn vốn dài hạn.

VIB báo cáo tỷ lệ nợ xấu quý III/2023 ở mức 2,47%, gần như đi ngang so với quý trước (tăng 2 điểm cơ bản). Ngân hàng kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu sẽ giảm dần xuống dưới 2,15% vào cuối năm nay. Vietcap lưu ý rằng số liệu VIB công bố trong buổi họp này được tính theo quy định của Thông tư số 11/2021/TT-NHNN.

Tỷ lệ nợ được cơ cấu lại theo Thông tư 02 so với tổng dư nợ là 0,34%, thấp hơn đáng kể so với mức đỉnh trong giai đoạn COVID-19 là khoảng 1%. 

Minh Quang

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.