Vì sao nhiều người từ chối nhận tiền hỗ trợ từ gói 62 nghìn tỉ?
Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng cho 7 nhóm đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp do dịch COVID-19, tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai chi trả cho những trường hợp được thụ hưởng chính sách này.
Theo báo cáo của Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Tĩnh, có 180.563 người được nhận tiền hỗ trợ. Tính đến ngày 10/5, có 12/13 huyện, thị xã, thành phố đã tiến hành chi trả cho 95.193 người, với tổng số tiền hơn 144 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong quá trình chi trả tiền hỗ trợ, tại xã Cẩm Lạc, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) có hàng chục hộ gia đình nghèo đã viết đơn tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ. Cụ thể, có 17 hộ dân với 31 nhân khẩu rút khỏi danh sách nhận tiền hỗ trợ do ảnh hưởng COVID-19. Trong 17 gia đình có 2 hộ nghèo, còn lại là cận nghèo.
Trong 17 trường hợp xin rút khỏi danh sách nhận tiền hỗ trợ có bà Thiều Thị Tuyết (69 tuổi), thôn Quang Trung 1, xã Cẩm Lạc. Bà Tuyết thuộc diện hộ cận nghèo của xã, có hoàn cảnh khó khăn, thường xuyên đau ốm, chủ yếu sống dựa vào hơn 1 sào ruộng cùng chăn nuôi gà vịt và trồng rau.
Chồng bà qua đời vào năm 2009 do lâm bệnh hiểm nghèo, từ đó đến nay một mình bà nuôi 7 người con.
Khi hỏi lý do vì sao đang trong hoàn cảnh khó khăn, cuộc sống chật vật mà từ chối nhận tiền hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch COVID-19, bà Tuyết cười nói: “Tôi vẫn còn khỏe, đang đi làm đồng được, lương thực tự sản xuất được nên tôi không muốn nhận vì để dành cho những hoàn cảnh khó khăn hơn và chia sẻ với Chính phủ trong thời điểm này”.
Bà Tuyết cho biết, theo tính toán mức hỗ trợ bà được nhận 750.000 đồng. Dẫu số tiền này bà cũng cần, nhưng trong thời điểm Chính phủ đang gặp khó, nhiều hộ dân còn cần thiết hơn nên xin nhường để hỗ trợ cho các gia đình khác.
Cũng theo bà Tuyết, ở thôn Quang Trung 1 còn có anh Lê Văn Minh và Võ Hữu Sỹ thuộc diện hộ cận nghèo xin rút khỏi danh sách nhận tiền hỗ trợ gói 62.000 tỷ đồng.
Còn bà Võ Thị Lan (49 tuổi, trú thôn Lạc Thọ) cho biết, gia đình nhiều năm nay thuộc diện cận nghèo, con gái đầu 29 tuổi và con trai út 11 tuổi bị tàn tật, hưởng trợ cấp xã hội. “Việc hỗ trợ này của Chính phủ rất kịp thời và có tính nhân văn.
Nhưng trong đợt này gia đình đang thu hoạch lúa nên cũng không thiếu lương thực. Sau khi thống nhất, vợ chồng tôi xin rút khỏi danh sách, để khoản hỗ trợ đó cho những nhà khó khăn hơn gia đình mình”, bà Lan nói.
Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Lạc, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) cho hay, việc nhiều hộ dân ở địa phương tự nguyện xin rút khỏi danh sách nhận tiền hỗ trợ gói an sinh xã hội do ảnh hưởng của dịch COVID-19 thể hiện tính nhân văn và trách nhiệm của cá nhân đối với cộng đồng và đất nước.
Theo ông Dũng, sau khi thẩm định, toàn xã có 924 hộ nghèo, cận nghèo và bảo trợ xã hội được nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 42/NQ-CP, với tổng số tiền phê duyệt hơn 972 triệu đồng. Tính đến ngày 12/5, có 17 hộ chính sách với 33 nhân khẩu trên địa bàn xã không nhận hỗ trợ; tổng số tiền là 25,2 triệu đồng.
Dân tự nguyện, chính quyền cấm vận động
Ông Lê Xuân Quang (SN 1976), thôn 4, xã Xuân Sinh, huyện Thọ Xuân (Thanh Hoá) là một trong nhiều người ở Thọ Xuân tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ từ gói 62 nghìn tỷ đồng, nhường lại cho những người có hoàn cảnh khó khăn hơn.
Ông Quang chia sẻ: Việc ông không nhận tiền hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch COVID-19 là tự nguyện. “Tôi thấy còn rất nhiều hoàn cảnh trong xã hội còn khó khăn vất vả hơn mình nhiều nên muốn nhường lại cho họ. Vì vậy, ngày 30/4/2020, sau khi bàn bạc với gia đình, tôi đã lên xã tự nguyện làm đơn không nhận tiền hỗ trợ, chứ không có ai ép buộc gia đình tôi làm việc này.
Từ khi có dịch bệnh, tôi thường xuyên theo dõi trên các kênh truyền thông và thấy được những khó khăn, vất vả của những người trên tuyến đầu chống dịch nên tôi cũng muốn góp phần nhỏ vào đó. Chỉ đơn giản vậy thôi!”, ông Quang nói.
Trao đổi về việc tại sao có mẫu đơn tự nguyện soạn sẵn để dân ký, ông Lê Chí Tuấn, Chủ tịch UBND xã Xuân Sinh, huyện Thọ Xuân cho biết: Sau khi Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ ra đời, xã đã công khai, niêm yết đến tận các thôn. Các thôn đã tổ chức họp, rà soát tới từng hộ.
Thông qua đó, các hộ gia đình đã tự nguyện đăng ký không nhận tiền hỗ trợ. Nhưng do một số người dân không biết viết đơn, nên để tiện cho người dân, cán bộ chính sách xã đã soạn sẵn mẫu cụ thể.
Trước những thông tin trên mạng xã hội về thông tin có thể người dân bị ép buộc không nhận tiền từ gói 62 nghìn tỷ, ngày 12/5/2020, UBND xã Xuân Sinh cũng đã có báo cáo gửi UBND huyện Thọ Xuân về vấn đề này. Văn bản nêu rõ, quy trình được thực hiện công khai đến người dân.
Liên quan đến nội dung này, ngày 13/5, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa có công điện hỏa tốc về việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 tại Thanh Hóa.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện kịp thời một số nội dung:
Tiếp tục chi trả hỗ trợ cho người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội theo đúng quy định; chỉ đạo cán bộ cơ sở tuyệt đối không được vận động người dân từ chối nhận hỗ trợ; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm (nếu có); đồng thời, hướng dẫn cụ thể đối với những trường hợp người dân tự nguyện không nhận hỗ trợ.
Người nghèo, thương binh ở Bắc Giang cũng tự nguyện trả lại
Tại xã Phương Sơn, huyện Lục Nam (Bắc Giang) có 10 người thuộc diện được nhận tiền hỗ trợ do ảnh hưởng dịch COVID - 19 đã tự nguyện trả lại tiền. Ông Nguyễn Đích Nhâm, Chủ tịch UBND xã Phương Sơn cho biết, trong 10 người trả lại tiền hỗ trợ có 1 hộ cận nghèo, còn lại là đối tượng chính sách. Tổng số tiền những người này trả lại là 17 triệu đồng.
Những người này đến UBND xã làm đơn tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với mong muốn dành số tiền trả lại để Nhà nước hỗ trợ cho những người khác cần hơn.
Ông Đặng Văn Nhàn, một thương binh ở xã Phương Sơn cho hay, ông nằm trong danh sách được hưởng gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ đối với những người bị ảnh hưởng bởi dịch. Tuy nhiên, ông và một số thương binh khác trong xã cùng quyết định trả lại số tiền hỗ trợ này. Nguyễn Thắng
Hoài Nam-Hoàng lam
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/