|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Vì sao nhiều bộ ngành, địa phương 'xin trả' vốn đầu tư công ngay từ đầu năm?

06:50 | 15/03/2024
Chia sẻ
Dù tỷ lệ giải ngân đầu tư công đang có xu hướng tích cực, song nhiều bộ, ngành, địa phương đề xuất điều chỉnh giảm từ đầu năm đã và đang tạo thêm áp lực cho các cơ quan quản lý, sử dụng vốn này.

Theo Bộ Tài chính, ước tính tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong hai tháng đầu năm đạt 59.998,1 tỷ đồng, bằng 8,7% tổng kế hoạch. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thì tỷ lệ giải ngân đạt 9,13%, tăng so với cùng kỳ năm 2023. Đây là kết quả nỗ lực của Chính phủ trong chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tiếp tục coi đây là nhiệm vụ trọng tâm để tạo ra động lực “tăng tốc” cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, theo tổng hợp từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ trong hai tháng đầu năm có 5 bộ, cơ quan trung ương và hai địa phương đề xuất điều chỉnh giảm 1.520,7 tỷ đồng để bổ sung cho các nhiệm vụ, dự án của các bộ, cơ quan và địa phương khác có nhu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Rút kinh nghiệm của các năm trước

Nhìn nhận vấn đề này, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Ban Nghiên cứu Môi trường Kinh doanh và Năng lực Cạnh tranh, CIEM cho rằng, thông thường, vào thời điểm quý III hàng năm, các bộ ngành địa phương tính toán lại quá trình thực hiện đầu tư công và thấy được hạng mục nào không thể kịp phân bổ, giải ngân vốn kế hoạch năm, thì sẽ xin điều chuyển.

Gần nhất, vào cuối năm 2023, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét, quyết định điều chỉnh giảm 4.754 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương trong nước năm 2023 của 17 bộ, cơ quan trung ương và hai địa phương, để bổ sung tương ứng cho 21 dự án của ba cơ quan trung ương và 6 địa phương khác.

Điều chỉnh giảm 446,554 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương năm 2023 của hai địa phương, để bổ sung tương ứng cho 12 dự án của 7 địa phương.

Tuy vậy, qua thảo luận, xem xét, UBTVQH thống nhất về việc phân bổ điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2023 giữa các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương để thực hiện 10 dự án thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, không thực hiện điều chỉnh kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2023 giữa các bộ cơ quan trung ương, địa phương do đã quá thời hạn điều chỉnh theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Ban Nghiên cứu Môi trường Kinh doanh và Năng lực Cạnh tranh, CIEM. (Ảnh: Nguyễn Ngọc).

Vì vậy, rút kinh nghiệm của các năm trước, Chính phủ cũng đã ngay lập tức chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, tổng hợp nhu cầu điều chỉnh kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2024 chưa phân bổ chi tiết của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước ngày 31/3/2024 để báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.

Thực hiện chỉ đạo này, ngay từ đầu năm, công tác rà soát, điều chuyển vốn đã được các bộ, ngành, địa phương rốt ráo thực hiện với việc cân đối tính toán và điều chuyển ngay trong quý I. "Điều chuyển sớm thì các dự án được điều chuyển mới có khả năng giải ngân được và không ảnh hưởng đến mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024”, bà Thảo nhìn nhận.

Còn theo ông Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính, Luật Đầu tư công có quy định được điều chỉnh vốn nếu dự án đó giải ngân chậm, nhưng việc tưởng chỉ hãn hữu xảy ra thì trong gần 4 năm trở lại đây đã phổ biến hơn.

Lý do của việc xin điều chỉnh giảm vốn có nhiều như thời gian chuẩn quá dài khiến cho dự án quá lạc hậu và không còn tính hiệu quả như tính toán ban đầu; một số các dự án yêu cầu các thủ tục hành chính giấy tờ phức tạp chưa thể hoàn, hay giải phóng mặt bằng chưa thể kịp tiến độ …

“Đây cũng là những nguyên nhân khiến cho công tác giải ngân vốn đầu tư công bị kéo chậm lại trong những năm qua”, ông Thịnh quan ngại.

TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính. (Ảnh: Nguyễn Ngọc).

Cần chế tài xử lý nghiêm

Ông Thịnh cũng cho rằng, phần vốn trả lại sẽ được Thủ tướng Chính phủ điều chuyển cho bộ ngành và địa phương có đề xuất bổ sung cho các nhiệm vụ, dự án để không làm thay đổi tổng mức vốn kế hoạch hằng năm đã được Quốc hội thông qua.

Tuy vậy, với 33.500 tỷ đồng vốn kế hoạch năm 2024 chưa được phân bổ cộng thêm 1.520 tỷ đồng được đề nghị điều chuyển sẽ tạo thêm áp lực cho quản lý, sử dụng vốn đầu tư công trong bối cảnh đầu tư công chính là động lực để “tăng tốc” cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. 

"Cần xem xét kỹ nguyên nhân các đơn vị xin điều chỉnh kế hoạch vốn. Nếu do chủ quan, không tiêu được, tính toán sai, xin trả lại, thì cần chế tài xử lý nghiêm, như cắt giảm kế hoạch vốn năm sau. Còn nếu vì nguyên nhân khách quan, cần phân tách rõ khó khăn ở đâu, trách nhiệm thuộc về ai để khắc phục", ông Thịnh cho biết.

Ông cũng cho rằng phải xử lý trách nhiệm của cả các bộ, ngành chậm giải ngân vốn và các bộ, ngành không giải ngân được nhưng đề xuất trả lại vốn vì nếu không xử lý nghiêm để răn đe thì bệnh nan y này sẽ còn tiếp diễn không chỉ những tháng cuối năm mà còn cả năm sau. 

Theo tính toán, tổng vốn đầu tư công năm nay hơn gần 665.000 tỷ đồng, số vốn muốn trả lại (hơn 1.520 tỷ đồng) mới chiếm khoảng 0,2%.

Dù khẳng định con số này là rất nhỏ và chưa thể ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân năm 2024, song theo bà Nguyễn Minh Thảo, việc trả lại vốn cũng cho thấy sự chuẩn bị thực hiện dự án còn hạn chế, đặc biệt là vai trò người đứng đầu tại một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa được phát huy đầy đủ, năng lực lập kế hoạch chuẩn bị đầu tư; vướng mắc về giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết dứt điểm; việc xử lý các trường hợp chậm trễ…

“Trong thời gian tới đây, các bộ, ngành, địa phương cần chú trọng hơn đến việc lập kế hoạch đầu tư, chuẩn bị đầu tư và phê duyệt chủ trương đầu tư cũng như quyết định đầu tư để sát với thực tế và sát với nhu cầu vốn của từng dự án. Có như thế mới hạn chế được tình trạng xin điều chỉnh vốn vì có tiền mà không tiêu được như hiện nay.”, bà Thảo nêu rõ.

Nguyễn Ngọc