Vì sao nhà băng mạnh tay mua trái phiếu Chính phủ?
Tính chung trong tháng 9, Kho bạc Nhà nước đã huy động được 5.950 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ
Trái phiếu Chính phủ hút hàng
Trong tháng 9/2019, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội chỉ tổ chức 2 phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ do Kho bạc Nhà nước phát hành, tức 2 tuần mới có 1 phiên thay vì tổ chức mỗi tuần 1 phiên như trước. Khối lượng gọi thầu cũng còn bình quân khoảng 3.100 tỷ đồng/phiên trong tháng 9, giảm mạnh so với mức bình quân 5.500 tỷ đồng/phiên của tháng 7.
Tuy nhiên, khối lượng đăng ký của cả hai phiên đều cao gấp 4-5 lần khối lượng gọi thầu, cho thấy nhu cầu đầu tư trái phiếu Chính phủ là rất lớn. Kết quả là tỷ lệ trúng thầu của hai phiên đấu thầu trong tháng 9 đều rất cao.
Cụ thể trong phiên đấu thầu ngày 11/9, Kho bạc Nhà nước gọi thầu tổng công 3.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, trong khi giá trị đặt thầu lên tới 15.056 tỷ đồng, gấp hơn 5 lần giá trị gọi thầu. Kết quả, Kho bạc Nhà nước đã huy động thành công được 2.900 tỷ đồng, tỷ lệ thành công đạt tới 96,67%; lãi suất trúng thầu cũng giảm từ 0,14 – 0,16 điểm phần trăm tùy từng kỳ hạn.
Tiếp đó, phiên ngày 25/9 Kho bạc Nhà nước cũng chỉ gọi thầu tổng cộng 3.250 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, song giá trị đặt thầu cũng lên tới 12.480 tỷ đồng. Kết quả, Kho bạc cũng huy động được 3.050 tỷ đồng (tỷ lệ thành công 93,85%); lãi suất trúng thầu tiếp tục giảm, trong đó lãi suất các kỳ hạn 10 và 15 năm giảm thêm 0,07 – 0,12 điểm phần trăm.
Tính chung trong tháng 9, Kho bạc Nhà nước đã huy động được 5.950 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, nâng tổng số trái phiếu Chính phủ huy động thành công qua đấu thầu tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội lên tới 156.813 tỷ đồng.
Đáng chú ý, lãi suất trúng thầu các kỳ hạn đều giảm rất mạnh. Cụ thể lãi suất trúng thầu trái phiếu kỳ hạn 5 năm hiện đã giảm còn 3,15%, thấp hơn 0,67 điểm phần trăm so với đầu năm; kỳ hạn 7 năm giảm còn 3,54%, thấp hơn 0,81 điểm phần trăm; kỳ hạn 10 năm là 3,97%, thấp hơn 1,13 điểm phần trăm; kỳ hạn 15 năm là 4,24%, thấp hơn 1,06 điểm phần trăm; kỳ hạn 20 năm là 4,9%, thấp hơn 0,7 điểm phần trăm; kỳ hạn 30 năm là 5,23%, giảm 0,57 điểm phần trăm.
"Nguồn cung trái phiếu Chính phủ trên thị trường sơ cấp giảm mạnh kể từ tháng 8, trong khi nhu cầu vẫn cao, khiến lãi suất trúng thầu có đợt sụt giảm mạnh, tương đương với mức sụt giảm ghi nhận trong tháng 1/2019 (khoảng 40 điểm phần trăm)", Công ty chứng khoán SSI nhận định.
Nhà băng dư thanh khoản
Bên cạnh việc nguồn cung trái phiếu Chính phủ trên thị trường sơ cấp giảm, một nguyên nhân nữa khiến trái phiếu Chính phủ hút hàng là do thanh khoản của các ngân hàng đang dư thừa, trong khi ngân hàng vẫn là những nhà đầu tư lớn nhất trên thị trường trái phiếu Chính phủ.
Bằng chứng rõ nét nhất cho thấy thanh khoản của hệ thống đang dư thừa, đó là việc NHNN liên tục phát hành tín phiếu để hút bớt tiền về trong tuần trước.
Cụ thể, theo Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), trong tuần từ 16 đến 20/9 NHNN đã phát hành mới 68.997 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 7 ngày với mức lãi suất duy trì ở mức 2,5%, trong khi không có lượng tín phiếu nào đáo hạn trong tuần; có nghĩa NHNN đã hút về 68.997 tỷ đồng trong tuần. "Việc một khối lượng lớn đột biến VND được hút ròng về cho thấy thanh khoản hệ thống ngân hàng đã dồi dào trở lại", BVSC nhận định.
Nói về nguyên nhân khiến thanh khoản của hệ thống dư thừa, một chuyên gia ngân hàng cho rằng, nguồn cung VND dư thừa có thể xuất phát từ hoạt động mua vào ngoại tệ của NHNN trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ trên thị trường đang rất dồi dào.
Trong khi đó, hiện tín dụng tăng khá chậm, song các ngân hàng vẫn phải chạy đua huy động vốn trung- dài hạn để đáp ứng yêu cầu của NHNN cũng như chuẩn bị cho nhu cầu tín dụng những tháng cuối năm. "Tín dụng tăng chậm hơn huy động càng khiến thanh khoản dư thừa lớn", vị chuyên gia trên cho biết.
Quả vậy theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), tính đến cuối tháng 8/2019, tín dụng mới tăng hơn 8% so với cuối năm 2018, thấp hơn nhiều mức tăng của 8 tháng trong mấy năm gần đây.
Quay trở lại với động thái mua trái phiếu Chính phủ của các ngân hàng, vị chuyên gia trên cho biết, mặc dù lãi suất trái phiếu Chính phủ thấp hơn nhiều lãi suất huy động, song các ngân hàng vẫn buộc phải mua trái phiếu Chính phủ. Sở dĩ như vậy là bởi, theo quy định hiện hành, các NHTM Nhà nước chỉ được cho vay tối đa 90% nguồn vốn huy động; còn với các NHTMCP, tỷ lệ này chỉ là 80%.
Sau khi trừ đi khoản dự trữ bắt buộc, số vốn còn lại sẽ được các nhà băng kinh doanh trên thị trường liên ngân hàng hoặc mua trái phiếu Chính phủ để tối đa hóa lợi nhuận. Nhưng trong bối cảnh thanh khoản dư thừa, lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh, các nhà băng chỉ còn cách đầu tư vào trái phiếu Chính phủ.
"Mua trái phiếu Chính phủ cũng có cái lợi bởi các ngân hàng có thể cầm cố để vay vốn của NHNN mỗi khi thanh khoản gặp khó khăn. Trong khi lãi suất vay cầm cố trái phiếu vừa được cơ quan quản lý giảm về 4%. Đó cũng là một lý do khiến trái phiếu Chính phủ hút hàng và lãi suất trái phiếu Chính phủ giảm", vị chuyên gia trên nói.