Vì sao Ngân hàng Trung ương Anh bán trái phiếu chính phủ sau 13 năm nới lỏng định lượng?
Hành động của BOE
Ngày 1/11 đã ghi dấu một cột mốc quan trọng khi BoE tổ chức phiên đấu giá đầu tiên để bán lượng trái phiếu chính phủ trị giá 875 tỷ bảng Anh (1.010 tỷ USD) mà ngân hàng này đã thu mua trong chương trình nới lỏng định lượng (QE) giai đoạn 2009-2021.
Động thái này đã đưa BoE trở thành ngân hàng đầu tiên trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) chủ động bán trái phiếu của chương trình QE cho các nhà đầu tư.
Trong phiên đấu giá ngày 1/11, BoE đã bán lượng trái phiếu chính phủ trị giá 750 triệu bảng với các kỳ hạn còn lại từ ba đến bảy năm và nhận được sự hưởng ứng của nhà đầu tư.
Trước đó, BoE đã lên kế hoạch giảm lượng nắm giữ trái phiếu chính phủ theo chương trình QE. Hồi tháng 2, BoE cho biết ngân hàng này sẽ không mua trái phiếu mới để thay thế những trái phiếu đã đáo hạn. Tổng giá trị trái phiếu do BoE nắm giữ sau đó đã giảm xuống 838 tỷ bảng.
Tháng 8, BoE thông báo muốn giảm tổng số lượng nắm giữ trái phiếu 80 tỷ bảng trong 12 tháng bắt đầu từ cuối tháng 9. Để đạt được mục tiêu này, cứ ba tháng BoE sẽ cần bán khoảng 10 tỷ bảng trái phiếu và không tái đầu tư số tiền thu được từ trái phiếu đáo hạn.
Kế hoạch bán trái phiếu của BoE đã bị trì hoãn khi cuộc họp của Ủy ban Chính sách Tiền tệ BoE vào tháng 9 bị chậm lại sau sự ra đi của Nữ hoàng Elizabeth và sau đó thị trường chứng kiến một đợt bán tháo trái phiếu do kế hoạch cắt giảm thuế của cựu Thủ tướng Liz Truss.
Sự hỗn loạn của thị trường buộc BoE phải can thiệp và mua vào lượng trái phiếu dài hạn trị giá 19 tỷ bảng trong một chương trình khẩn cấp kéo dài đến ngày 14/10.
Theo kế hoạch, BoE sẽ tổ chức 8 cuộc đấu giá trái phiếu trong năm nay và thu về 6 tỷ bảng Anh từ bán trái phiếu, trong đó có những trái phiếu có thời gian đáo hạn lên tới 20 năm. Trước đó, ngân hàng này dự kiến bán lượng trái phiếu 8,7 tỷ bảng trong năm nay.
Tuy nhiên, BoE khẳng định vẫn muốn giảm tổng lượng nắm giữ trái phiếu 80 tỷ bảng Anh được công bố vào tháng 8. Do đó, các nhà hoạch định chính sách ngân hàng này sẽ cân nhắc tốc độ bán trái phiếu hàng năm.
Vì sao BoE bán trái phiếu?
Trái phiếu chính phủ Anh có thời gian đáo hạn trung bình dài hơn trái phiếu do các nước khác phát hành, do đó BoE phải chủ động bán trái phiếu để giảm bảng cân đối kế toán trong khi các ngân hàng trung ương khác có thể chỉ cần ngồi đợi trái phiếu đáo hạn.
Bán trái phiếu đồng nghĩa với hút tiền về, làm giảm cung tiền và giúp kiềm chế lạm phát.
Về tổng thể, QE là chương trình tạm thời và Thống đốc BoE Andrew Bailey đã muốn đảo ngược một số giao dịch mua trái phiếu, sau khi lượng nắm giữ trái phiếu của BoE tăng gấp đôi theo chương trình QE trong giai đoạn đại dịch COVID-19 bùng phát.
Vào giai đoạn đỉnh điểm hồi tháng 12/2021, BoE sở hữu gần một nửa tổng số trái phiếu chính phủ Anh phát hành.
BoE không có ý định đảo ngược hoàn toàn QE, do những thay đổi về quy định kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 khiến các ngân hàng phải nắm giữ nhiều tiền mặt hơn trước. Song, ngân hàng trung ương này cũng không đặt mục tiêu dài hạn cho việc nắm giữ trái phiếu.
Đảo ngược QE có thể giúp chống lại lạm phát, song BoE cho biết tăng lãi suất vẫn công cụ chính để kiểm soát giá cả khi ngân hàng này nắm rõ tác động của chính sách lãi suất hơn chính sách thắt chặt định lượng (QT).
Kế hoạch bán 6 tỷ bảng trái phiếu của BoE sẽ diễn ra cùng lúc với lượng phát hành 37 tỷ bảng trái phiếu của chính phủ.
Trước bối cảnh trên, các chiến lược gia trái phiếu đặt ra nghi vấn về nhu cầu đối với trái phiếu khi lợi suất đã giảm trong năm nay. Theo một số nhà đầu tư, BoE sẽ khôn ngoan hơn nếu hoãn chương trình bán trái phiếu cho đến năm 2023.
Các nhà chiến lược tại ngân hàng Citi lưu ý rằng giá lợi suất trái phiếu dài hạn đã phục hồi tốt hơn so với lợi suất trái phiếu ngắn hạn, sau khi BoE thông báo vào ngày 18/10 rằng ngân hàng này sẽ loại trái phiếu dài hạn ra khỏi chương trình thu mua trái phiếu trong năm nay.