|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vì sao Khahomex bỏ HOSE xuống UPCoM?

12:08 | 27/07/2017
Chia sẻ
Việc Khahomex hủy niêm yết tự nguyện trên sàn HoSE không đơn thuần chỉ xuất phát từ vấn đề thanh khoản yếu kém.

Không ít doanh nghiệp chọn con đường niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán danh giá, thậm chí là các sàn ngoại để nâng tầm giá trị công ty và huy động vốn dễ dàng hơn. Tuy vậy, cũng có những doanh nghiệp có sở thích “trái ngược”, khi mới đây, đơn vị sở hữu nhiều quỹ đất lớn ở quận 4 (TP.HCM) là Công ty Đầu tư và Dịch vụ Khánh Hội (Khahomex) lại quyết định hủy niêm yết trên sàn HoSE để chuyển xuống sân thi đấu thấp hơn: UPCoM. Trong khi đó, Khahomex được xem là một trong những doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, cổ tức bằng tiền hằng năm khá ổn định và đã niêm yết trên thị trường từ rất lâu (năm 2002).

Trên thực tế, trước Khahomex, đã từng có một số doanh nghiệp chủ động chuyển sàn giao dịch từ HoSE, HNX xuống UPCoM như Công ty Chế biến và Xuất nhập khẩu Thủy sản Cadovimex, hay Công ty Viglacera Bá Hiến vào năm 2013. Nhưng điểm đáng buồn của hai doanh nghiệp này là thanh khoản không những không cải thiện mà ngày càng teo tóp. Vì thế Khahomex cũng thận trọng với kế hoạch chuyển sàn lần này của mình.

Tất nhiên, lãnh đạo Khahomex cũng có lý do để tự tin, bởi thời gian gần đây UPCoM đã chứng kiến những bước tiến vượt bậc nhờ sự tham gia của khá nhiều doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa. Đến cuối năm 2016, giá trị vốn hóa của UPCoM lên tới hơn 303.000 tỉ đồng, gấp đôi so với quy mô của sàn HNX và chỉ kém HoSE. Có thể kể đến một số cái tên nổi bật đang tham gia trên sân chơi UPCoM như May Việt Tiến, Tổng Công ty Thép Việt Nam, hay hãng xăng dầu PVOil, Masan Resources... Sắp tới đây, nhiều khả năng UPCoM sẽ chính thức được cho phép giao dịch ký quỹ (margin), khiến dòng tiền đổ bộ vào sân chơi này có cơ hội gia tăng thêm.

vi sao khahomex bo hose xuong upcom

Đánh giá trường hợp của Khahomex, ông Bạch An Viễn, Trưởng phòng Phân tích của Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, cho rằng việc niêm yết hay chuyển sàn niêm yết thông thường sẽ tùy thuộc vào mục tiêu của ban lãnh đạo công ty như tăng cường tính đại chúng của cổ phiếu thông qua thu hút thêm nhà đầu tư mới, huy động vốn cho mục tiêu mở rộng kinh doanh, nâng cao tính minh bạch và năng lực quản trị.

Mặc dù cho rằng việc chuyển sàn niêm yết từ HoSE xuống UPCoM được xem là một bước lùi về mặt hình ảnh nhưng ở trường hợp của Khahomex có thể hiểu được bởi một số lý do quan trọng. Đó là cổ phiếu KHA của Khahomex gần như mất thanh khoản trong một thời gian dài với khối lượng giao dịch bình quân 3 tháng chỉ đạt 2.900 cổ phiếu/ngày, trong đó nhiều phiên không ghi nhận bất cứ giao dịch nào do mức độ sở hữu tập trung cao ở các cổ đông lớn.

Khahomex trong suốt thời gian dài cũng không tăng vốn và doanh nghiệp này cũng chưa có kế hoạch tăng vốn trong tương lai. “Do đó, việc duy trì niêm yết trên HoSE sẽ tốn chi phí lớn hơn, đi kèm các quy định công bố thông tin khắt khe với các chuẩn mực cao hơn so với việc niêm yết trên UPCoM”, ông Viễn trả lời với NCĐT.

Kết thúc năm 2016, Khahomex chỉ đạt 103 tỉ đồng tổng doanh thu, trong khi lợi nhuận ròng đạt 45 tỉ đồng, giảm gần một nửa so với năm trước đó. Lý do là năm qua, Công ty không có những thương vụ chuyển nhượng dự án giống như 2 năm trước đó để mang lại lợi nhuận đột biến. Sang năm 2017, lãnh đạo Khahomex cũng đặt mục tiêu khá khiêm tốn với doanh thu chỉ 93 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 32 tỉ đồng.

vi sao khahomex bo hose xuong upcom

Điểm đáng chú ý trong Đại hội cổ đông vừa qua là sự xuất hiện của một cổ đông lớn: Công ty Chứng khoán Bản Việt với tỉ lệ sở hữu 7%. Ông Đinh Quang Hoàn, Phó Tổng Giám đốc Bản Việt, được bầu vào Hội đồng Quản trị Công ty. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch Tập đoàn Bất động sản Capella Holdings, cũng được bầu làm Chủ tịch Khahomex với nhiệm kỳ 5 năm 2017-2022.

Xem ra việc Khahomex hủy niêm yết tự nguyện trên sàn HoSE không đơn thuần chỉ xuất phát từ vấn đề thanh khoản yếu kém. Liệu có một cuộc chơi thâu tóm mới từ nhà đầu tư lớn, trong đó việc chuyển sang sàn UPCoM sẽ ít gây chú ý hơn, giúp cho những người đi săn có thể thâu tóm cổ phiếu với giá rẻ hơn?

“Chưa có nhiều cơ sở cho nhận định này. Nhưng nhìn chung, việc thâu tóm vẫn phải dựa vào giá trị nội tại của doanh nghiệp và sự đồng thuận của cả bên mua lẫn bên bán. Hiện tại, các cổ đông tổ chức đang chiếm tỉ lệ sở hữu chi phối và có chăng cổ đông nhỏ lẻ sẽ là những người chịu thiệt thòi nhất”, ông Bạch An Viễn nhận định.

Về khía cạnh tài sản, Khahomex được xem là một trong những doanh nghiệp sở hữu nhiều quỹ đất có tiềm năng lớn. Đó là nguồn tài sản bất động sản từ các nhà xưởng, xí nghiệp trước đây, chủ yếu nằm tại quận 4. Công ty cũng sở hữu một số nhà xưởng, cửa hàng có khả năng chuyển đổi mục đích để phát triển các dự án kinh doanh dịch vụ bất động sản. Tổng số dự án đang khai thác và chuẩn bị đầu tư lên tới hơn 12 dự án, nổi bật với hệ thống chung cư Khánh Hội 1, 2, 3; Trung tâm Hội nghị tiệc cưới Riverside Palace, dự án tòa nhà văn phòng 66-74 Nguyễn Tất Thành, cao ốc văn phòng 360D Bến Vân Đồn… Đồng thời, theo bà Nguyễn Ngọc Hạnh, CEO Khahomex, trong thời gian tới, Công ty sẽ tìm mua hoặc liên doanh liên kết với các đối tác để mở rộng địa bàn hoạt động vượt qua khỏi ranh giới quận 4.

vi sao khahomex bo hose xuong upcom VHG bất ngờ xin hủy niêm yết HOSE, kế hoạch lỗ 200 tỷ đồng năm 2017

Năm 2017, VHG đặt kế hoạch lỗ 200 tỷ đồng, nguy cơ rơi vào tình trạng kiểm soát đặc biệt hoặc bị bị kiểm soát ...

vi sao khahomex bo hose xuong upcom Khoáng sản Bắc Giang (BGM) bị hủy niêm yết từ ngày 10/8

Lý do hủy niêm yết là BGM đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin, thuộc chứng khoán bị hủy niêm yết ...

vi sao khahomex bo hose xuong upcom Hủy niêm yết, KHA làm chuyện ngược đời

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 của Công ty cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Khánh Hội (KHA) đã chính thức ...

Nguyễn Sơn