|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Vì sao khách đến Việt Nam chỉ một lần trong đời nhưng lại coi Bali như second home?

17:21 | 22/03/2023
Chia sẻ
Theo đại diện Đại sứ quán Indonesia, một trong những yếu tố thu hút khách quốc tế coi Bali như ngôi nhà thứ hai là chính sách tạo điều kiện cho du khách có thể xin visa thường trú, đến Bali và ở lại từ 5-10 năm nếu muốn.

Chia sẻ kinh nghiệm về phát triển du lịch tại Toạ đàm: "Hiến kế hút khách quốc tế" diễn ra ngày 22/3, bà Ance Maylany, Tham tán công sứ phụ trách kinh tế, Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam cho biết, Indonesia đứng ở vị trí thứ 32 trong ngành du lịch toàn cầu. Chúng tôi đã xây dựng công ty du lịch Bali từ những năm 1970.

Nhờ việc Chính phủ quan tâm, phát triển từ rất sớm, hiện ngành du lịch của Indonesia đang được hưởng lợi từ thương hiệu của Bali. 

"Từ năm 2015, chúng tôi cũng nhận thức được cần có thêm nhiều điểm như Bali vì vậy, Indonesia đã tập trung vào xây dựng chỉ 5 điểm đến hấp dẫn nhất, tập trung vào đó, xây dựng những cơ chế ưu đãi riêng", bà Ance Maylany cho hay.

Từ năm 2022, Indonesia tiếp tục đưa ra chính sách visa thường trú cho khách quốc tế. Theo chính sách này, khách du lịch có thể đến một số điểm du lịch Indonesia và ở lại từ 5-10 năm. Trong số 196 nước, chương trình này chỉ áp dụng cho 87 nước, tập trung vào các thị trường chi tiêu cao.

Bà Ance Maylany, Tham tán công sứ phụ trách kinh tế, Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam. (Ảnh chụp màn hình).

Bà Ance Maylany cho hay, chính sách này giúp Bali thực sự trở thành ngôi nhà thứ hai của nhiều du khách quốc tế. Trong đó nổi bật là khách từ Australia, Singapore.

"Du lịch bây giờ không chỉ là đến một lần trong đời mà phải làm sao để họ coi du lịch như ngôi nhà thứ hai. Chỉ có như vậy mới thu hút được khách chi tiêu nhiều tiền và phát triển kinh tế địa phương. 

Trong giai đoạn đại dịch, có rất nhiều khách quốc tế đến Bali và ở lại vừa tránh dịch, vừa làm việc từ xa.", bà Ance Maylany cho hay.

Theo bà Ance Maylany, Việt Nam đang đi đúng hướng để cải thiện ngành du lịch. Vịnh Hạ Long của Việt Nam giống như khu vực đảo rất nổi tiếng của Indonesia, nhưng để đến được đó tốn rất nhiều chi phí đi lại còn đến Hạ Long rất dễ dàng.

Vì vậy, đại điện Đại sứ quán Indonesia khuyến nghị Việt Nam nên tập trung vào một số điểm đến nổi bật, xây dựng cơ chế để khách quốc tế quay lại nhiều lần.

 Toạ đàm Hiến kế hút khách quốc tế diễn ra sáng 22/3. (Ảnh: Báo Đầu tư).

Vì sao Việt Nam là điểm đến chỉ một lần?

Nêu thực trạng về việc Việt Nam có nhiều điểm đến hấp dẫn nhưng hầu hết khách quốc tế chỉ đến một lần trong đời, Tiến sĩ Nuno F. Ribeiro, Phó chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam đánh giá, trong 10 điểm đến hàng đầu của thế giới, Việt Nam thường xuyên có 5-6 điểm, khách du lịch từ các thị trường khác rất ưa chuộng Việt Nam. 

Việt Nam cũng là một nước không phụ thuộc vào một thị trường du lịch nào, khách hoàn toàn có thể chỉ đến Việt Nam và không cần kết hợp đến các nước khác.

"Khách du lịch nước ngoài đang chi tiêu gấp 11 lần khách trong nước. Khách ở lại càng lâu chi tiêu càng nhiều. Khách du lịch ở Việt Nam một tuần thì tiêu gấp đôi những người lưu trú dưới 7 ngày nên kéo dài thời gian lưu trú đem lại hiệu quả cao, cải cách thủ tục hành chính, càng nhiều quốc gia được áp dụng visa điện tử càng tốt. Chúng ta muốn khách nước ngoài trở thành các đại sứ, truyền cảm hứng để du khách khác đến Việt Nam", Tiến sĩ Nuno F. Ribeiro nói.

Tuy nhiên, theo thống kê từ Tiến sĩ Nuno, tỷ lệ khách quốc tế quay trở lại Việt Nam chỉ 8-10%, một con số rất nhỏ so với tiềm năng du lịch của Việt Nam. Do đó, cần có giải pháp để thu hút họ quay trở lại, thay đổi ý nghĩ Việt Nam chỉ là điểm đến một lần trong đời. 

"Ngoài các chính sách về visa, cũng cần tới yếu tố truyền thông, đặc biệt cần truyền thông Việt Nam là điểm đến tươi đẹp, điểm đến có giá trị. Từng người Việt Nam, các youtuber, Tiktoker nên đóng góp vào vấn đề này, không nên truyền thông các điểm đến giá rẻ, giảm giá trị điểm đến", Tiến sĩ Nuno F. Ribeiro nêu đề xuất.

Ông Martin Koerner, Trưởng tiểu ban Du lịch, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cũng cho rằng, trải nghiệm xuất nhập cảnh ngay ở các sân bay Việt Nam cũng là một trong những lý do khiến khách du lịch nước ngoài từ chối quay lại.

Theo ông Martin, có rất nhiều phản hồi của khách du lịch không chỉ về các hãng lữ hành mà còn về các hàng không, thời gian chờ đợi ở sân bay quá lâu. Có những người bay từ châu Âu, từ Mỹ mất cả chục tiếng đồng hồ, họ mệt lắm rồi mà khi tới cảng hàng không, họ phải trải qua quá trình nhập cảnh kéo dài hai, ba tiếng đồng hồ.

Dĩ nhiên điều này sẽ ảnh hưởng tới tỷ lệ khách du lịch quay trở lại. Nếu khách du lịch tới Việt Nam một lần và ngay tại điểm nhập cảnh đã mất nhiều thời gian như vậy thì trải nghiệm của họ ngay ở đó đã không được vui, không được đón chào. Về sau, khi chọn điểm đến du lịch, họ sẽ chọn nơi khác, có thể là Bali, Thái Lan, Philippines nhưng sẽ không quay lại Việt Nam nữa.

 

Hạ An

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.