|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Vì sao Hạ viện Anh tiếp tục bác bỏ thỏa thuận Brexit?

06:53 | 05/04/2019
Chia sẻ
Các nghị sĩ bỏ phiếu lần ba chống lại thỏa thuận Brexit của Thủ tướng Theresa May với 344 phiếu chống và 286 phiếu thuận.
Vì sao Hạ viện Anh tiếp tục bác bỏ thỏa thuận Brexit? - Ảnh 1.

Thủ tướng Anh Theresa May. Ảnh: EPA/TTXVN

Sự chênh lệch giữa số phiếu thuận và số phiếu chống với thỏa thuận Brexit của Thủ tướng Anh Theresa May trong lần bỏ phiếu thứ ba vào ngày 29/3 đã được thu hẹp. Tuy nhiên, tờ The Guardian nhận định, thỏa thuận này đã thất bại và cần một cách tiếp cận mới đối với vấn đề Brexit.

* "Quá tam ba bận"

Thủ tướng May cần thỏa thuận được thông qua để hạn chót Brexit sẽ được dời từ ngày 12/4 sang 22/5. Về lý thuyết, điều này có thể cho phép Quốc hội thông qua dự luật rút lui để Anh không liên quan tới cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) sắp tới.

Tuy nhiên, sau thất bại lần ba, điều này dường như sẽ không xảy ra. Thực tế cho thấy Anh hiện đối mặt với phương án Brexit không thỏa thuận trong vòng hai tuần hoặc trì hoãn Brexit lâu hơn, trong khoảng thời gian đó Anh có thể sẽ tham gia cuộc bầu cử EU. Do phương án đầu tiên rõ ràng mang lại nhiều rủi ro, lựa chọn gần như chắc chắn là trì hoãn Brexit lâu hơn.

Thất bại của Thủ tướng May đòi hỏi một cách tiếp cận khác đối với vấn đề Brexit. Các phương án tiếp theo sẽ được đưa ra cho các nghị sĩ vào ngày 1/4. Có 2 đề xuất có thể sẽ được đưa ra, ủng hộ một liên minh thuế quan và một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về thỏa thuận cuối cùng.

Nếu Hạ viện Anh có thể thống nhất điều này, Hội nghị thượng đỉnh EU vào ngày 10/4 tới có thể sẽ đề xuất gia hạn Điều 50 cho Anh để củng cố một thỏa thuận khác, sau đó đưa ra cho công chúng bỏ phiếu cuối cùng. Thất bại lần thứ ba của bà May cuối cùng đã mở ra hướng đi cho một cách tiếp cận hoàn toàn khác với cái mà bà theo đuổi trong 3 năm qua.

Đáp lại kết quả biểu quyết lần ba của Hạ viện Anh, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã nhắn trên Twitter:"Vì Hạ viện Anh không thông qua Thỏa thuận Rút khỏi EU, tôi quyết định triệu tập Hội đồng châu Âu họp vào ngày 10/4".

Đây là thỏa thuận chính phủ Anh và EU đã đồng ý với nhau vào tháng 11/2018. Ủy ban châu Âu cho biết, hiện giờ, một Brexit không thỏa thuận là viễn cảnh rất có khả năng xảy ra.

Lãnh đạo khối nghị sĩ Đảng Quốc gia Scotland (SNP) ở Quốc hội Anh, ông Ian Blackford nay nói rằng "ba lần thỏa thuận của thủ tướng bị đánh bại" và bà May "cần tôn trọng sự thực đó. Nay chúng ta cần xem xét nghiêm túc khả năng hủy Brexit và cần hãm phanh quá trình này lại".

Cuộc bỏ phiếu lần ba tại Hạ viện Anh có một điểm khác biệt chính: các nghị sĩ chỉ biểu quyết về thỏa thuận rời EU, chứ không bỏ phiếu đối với phần tuyên bố chính trị. Trước đó, cả hai nội dung này đều được đưa ra Hạ viện và đều bị bác bỏ.

Vậy các nội dung trong thỏa thuận Brexit gồm những gì? Đây là thỏa thuận mà Chính phủ Anh đã đàm phán với EU hơn 18 tháng qua, trong đó có các điều khoản về việc Anh rời khỏi EU. Lần đầu tiên được công bố vào tháng 11, thỏa thuận dài gần 600 trang và gồm một số lĩnh vực chính như sau:

* Thỏa thuận rời EU

Quá trình chuyển tiếp: Theo thỏa thuận ra khỏi EU, Vương quốc Anh sẽ bước vào giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 21 tháng với EU sau Brexit.

Trong thời gian này, Vương quốc Anh sẽ tiếp tục tuân theo các quy tắc của EU và tiếp tục ở trong thị trường chung và liên minh thuế quan. Vương quốc Anh cũng sẽ mất tư cách thành viên trong các cơ quan điều hành, lãnh đạo EU. Thời gian chuyển tiếp có thể được gia hạn, nhưng chỉ trong 1-2 năm.

Tài chính: Được gọi là “hóa đơn ly hôn”, đây là số tiền mà Vương quốc Anh cần phải trả cho EU để giải quyết các nghĩa vụ của mình. Mặc dù không có số liệu nào được nêu trong thỏa thuận giữa EU và Anh, nhưng dự kiến Anh sẽ phải trả ít nhất 39 tỷ bảng trong vài năm.

“Chốt chặn” Ireland: Phần gây tranh cãi nhất của thỏa thuận là vấn đề “chốt chặn” với Ireland, tức là việc thông thương hay không giữa biên giới Bắc Ireland thuộc Anh và CH Ireland thuộc EU.

Đây là lý do chính khiến thỏa thuận không đạt được đa số ủng hộ tại Quốc hội. “Chốt chặn” được đưa ra nhằm bảo đảm ngăn chặn được việc phải có đường biên giới cứng với Ireland hậu Brexit.

Nó sẽ có hiệu lực khi kết thúc giai đoạn chuyển tiếp, nếu tới lúc đó EU và Anh không đạt được một thỏa thuận thương mại toàn diện, là thỏa thuận sẽ không làm phát sinh nhu cầu phải có hoạt động kiểm tra tại biên giới giữa Vương quốc Anh với Ireland.

Các điều khoản về “chốt chặn” về mặt hiệu lực pháp lý sẽ khiến nước Anh ở vị thế có liên minh thuế quan tạm thời với EU. Giới chỉ trích lo ngại rằng Anh có thể mắc kẹt giữa thỏa thuận này trong nhiều năm, khiến Anh không thể theo đuổi chính sách thương mại độc lập của riêng mình (chẳng hạn như ký thỏa thuận thương mại với các nước khác như Mỹ).

Quyền công dân: Trong giai đoạn chuyển tiếp, công dân Vương quốc Anh tại EU và công dân EU tại Anh sẽ tiếp tục được quyền cư trú và hưởng các chế độ phúc lợi sau Brexit. Thỏa thuận cũng cho phép các công dân cư trú tại một quốc gia EU khác trong thời kỳ chuyển tiếp (tất nhiên gồm cả nước Anh) được cho phép ở lại quốc gia đó sau khi thời kỳ chuyển tiếp kết thúc.

* Tuyên bố chính trị

Tuyên bố chính trị cũng được công bố vào tháng 11 - nói về mối quan hệ trong tương lai giữa Vương quốc Anh và EU sau Brexit. Tài liệu này ngắn hơn nhiều (chỉ gồm 26 trang) và, không như thỏa thuận ra khỏi EU, nó không ràng buộc về mặt pháp lý.

Một số lĩnh vực chính trong tài liệu này gồm: Thương mại: Tài liệu yêu cầu quan hệ thương mại phải “càng gần gũi càng tốt” và tuyên bố rằng sẽ có một mối quan hệ hợp tác kinh tế “đầy tham vọng trên diện rộng và cân bằng”. Tuy nhiên, nó không đưa ra kết quả cuối cùng là thương mại Anh-EU sẽ như thế nào.

Hải quan: Tuyên bố chính trị đề cập đến một “thỏa thuận hải quan đầy tham vọng”. Một số người quan ngại rằng điều này có thể biến thành một thỏa thuận vĩnh viễn mà có thể ngăn cản Vương quốc Anh theo đuổi chính sách thương mại độc lập của riêng mình.

Chính phủ bác bỏ quan ngại này, và lập luận rằng không có gì sai khi muốn thỏa thuận hải quan đầy tham vọng trong tương lai.

Biên giới với Ireland: Công nghệ và các thỏa thuận thay thế khác sẽ được xem xét để giữ cho biên giới Ireland mở ngỏ thay vì có các rào cản vật lý trên thực tế (ví dụ như việc đặt các chốt biên phòng).

Tuy nhiên, hiện tại thì không có đường biên giới nào EU có chung với một quốc gia ngoài EU là hoàn toàn mở. Liệu công nghệ có giúp xử lý được vấn đề đường biên giới với Ireland không?

Tự do đi lại: Vương quốc Anh, theo giấy tờ, sẽ lấy lại quyền kiểm soát biên giới, và quyền tự do đi lại của công dân EU sang Anh sẽ chấm dứt. Tài liệu nói rằng cả hai bên đều muốn duy trì du lịch miễn thị thực cho các chuyến thăm ngắn hạn, nhưng nó tỏ ý rằng việc cấp visa sẽ được áp dụng với các trường hợp muốn ở lưu trú dài ngày.