Vì sao Hà Nội vẫn chưa thể 'triệt' được những ngôi nhà mỏng như bức tường?
Ngôi nhà tiền tỷ có diện tích chưa đầy... 2 m2
Trong 10 năm vừa qua, cơ sở hạ tầng, đô thị tại Hà Nội ngày càng mở rộng và hoàn thiện. Hàng loạt tuyến đường mới, hiện đại đi vào hoạt động, đã giúp giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông trong đô thị.
Tuy nhiên, ở những nơi có đường mới mở thường xuất hiện những ngôi nhà "siêu nhỏ, siêu méo”.
Đơn cử, trên đường Xã Đàn (quận Đống Đa, Hà Nội) xuất hiện một “ngôi nhà” có tổng diện tích chưa tới 2 m2, và có chiều dài khoảng 1 m. Điều đáng ngạc nhiên là công trình này được chủ nhà “hét giá”… tiền tỷ mới chấp nhận sang nhượng.
Thậm chí, dọc tuyến đường Xã Đàn - Ô Chợ Dừa, đường Nam Đồng - Trung Phụng, cũng không thiếu những ngôi nhà có hình thù kỳ dị, nhiều ngôi nhà có diện tích dưới 10 m2.
Hầu hết các công trình đều được xây dựng theo dạng hình nấm, cụ thể, tầng 1 thì nhỏ, tầng 2 được xây dựng lồi ra với mục đích tăng thêm diện tích sinh hoạt.
Thực tế, dù không gian sống quá bất tiện, song chủ nhân nhiều “ngôi nhà” kỳ dị này vẫn quyết tâm trụ, nhất quyết không đập bỏ là do chúng vẫn đem lại nhiều lợi ích.
Ví dụ, “ngôi nhà” 2 m2 tiền tỷ trên đường Xã Đàn, đã có thời gian được tận dụng, lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh, buôn bán. Hoặc, sau khi giải phóng mặt bằng, chủ nhà kiên quyết giữ đất để ép nhà bên trong mua giá trên trời.
Các chuyên gia đánh giá, những ngôi nhà "siêu nhỏ, siêu méo" đã khiến cảnh quan đô thị bị méo mó và tiềm ẩn nguy cơ hình thành các khu ổ chuột.
30 năm vẫn chưa giải quyết dứt điểm
Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam, thực tế tại Hà Nội, những ngôi nhà "siêu mỏng, siêu méo" không phải là mới mà đã tồn tại từ 25 - 30 năm trước.
“Các giải pháp không đem lại hiệu quả chính là do Hà Nội thiếu kiên quyết xử lý nhà "dưới chuẩn". Ngoài ra, một số nơi còn có tình trạng buông lỏng quảng lý, bỏ mặc giám sát, để chủ nhà tự ý xây dựng nhà có hình thù kỳ dị”, ông Nghiêm nói.
Theo ông Nghiêm, để giải quyết "nhà siêu mỏng, siêu méo" không khó mà quan trọng là sự nỗ lực, quyết tâm từ các cấp chính quyền.
"Ví dụ tại các đoạn đường sau khi giải phóng mặt bằng, hình thành nên các ngôi nhà mỏng, méo thì chính quyền phải vận động những chủ sở hữu này chuyển nhượng cho người dân sống phía trong theo giá thỏa thuận.
Đơn giản nhất, là những ngôi nhà có diện tích đất dưới chuẩn liền kề nhau có thể gộp lại, xây dựng thành công trình mới rồi đấu giá công khai và chia đều cho các bên", ông Nghiêm nói.
Chuyên gia này cũng cho rằng, nhà nước cũng có thể đóng vai trò là "nhà đầu tư" khi đứng ra mua lại những mảnh đất, nhà ở có diện tích nhỏ theo giá thị trường, rồi gộp thửa, xây dựng lại và bán cho người dân.
"Có làm kiên quyết, mạnh mẽ và đảm bảo quyền lợi cho người dân thì mới dẹp được vấn nạn nhà mỏng méo, làm xấu bộ mặt đô thị Hà Nội", ông Nghiêm thẳng thắn.
Về lâu dài theo ông Nghiêm, Hà Nội cần "rút kinh nghiệm" bài học nhãn tiền "nhà siêu mỏng, siêu méo" ở những con đường nghìn tỷ vừa mới xây dựng.
"Cần phải có một cái nhìn tổng thể về quy hoạch khi làm đường và xây dựng đô thị. Ở những đô thị, huyện lỵ trong quy hoạch sắp tới, chúng ta cần làm hạ tầng trước rồi mới đưa dân vào ở. Phát triển đô thị là một việc liên ngành, chứ không thể thực hiện theo kiểu mạnh ai nấy làm, tách bạch như hiện nay”, ông Nghiêm nói.