Giá chung cư Hà Nội có thể tiếp tục tăng 10-20%
Theo ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, nguồn cung bất động sản đã giảm đáng kể trong thời gian vừa qua. Cụ thể, nguồn cung căn hộ tại Hà Nội đã giảm 24% trong năm 2019.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, năm 2019 Hà Nội có 58 dự án bất động sản đủ điều kiện bán hàng. Trong khi đó năm 2018 có 69 dự án, năm 2017 có 115 dự án.
Sau thời gian dài giá bán căn hộ chung cư tại Hà Nội tương đối ổn định thì đến cuối năm 2019, sự khan hiếm nguồn cung mới trong thời gian dài đã đẩy giá bán căn hộ trung và cao cấp tăng 3-5%, có dự án tăng 10%.
Trong năm 2020 mức tăng này có thể ở mức 10-20%. Nếu tình trạng thiếu cung còn tiếp tục như hiện nay, thị trường Hà Nội sẽ đứng trước nguy cơ thiếu cung trầm trọng trong năm 2021, ông Đính nhận xét.
Còn ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, chuyên gia về thị trường bất động sản cho rằng việc "vỡ trận" của condotel (căn hộ nghỉ dưỡng) đã khiến nhiều nhà đầu tư e ngại khi đầu tư vào phân khúc này. Do đó trong tất cả các phân khúc bất động sản hiện nay, phân khúc nhà ở tại các đô thị lớn đang là lựa chọn hợp lý.
Nhưng trong bối cảnh thiếu cung chung cư, giá tăng mạnh thì năm 2020, giá phân khúc này có thể tăng lên đến 20% là điều có thể nếu tình trạng chênh lệch nguồn cung không được giải quyết”.
Trên thực tế, việc chấn chỉnh thị trường bất động sản thông qua việc siết chặt thủ tục hành chính và kiểm soát chặt chẽ quy trình cấp giấy phép dự án mới cũng tác động đến nguồn cung dự án căn hộ.
Việc các cơ quan chức năng chậm phê duyệt cấp phép xây dựng dự án hay tạm dừng dự án đang triển khai để rà soát, kiểm tra… cũng góp phần làm giảm nguồn cung.
Nhu cầu triển khai dự án của các nhà đầu tư khá cao nhưng công tác quy hoạch, đền bù giải tỏa mặt bằng dự án lại không thể triển khai nhanh cũng làm quá trình triển khai dự án bị kéo dài.
Ông Nguyễn Văn Đính cho rằng, bên cạnh việc kiểm tra, rà soát các dự án các cơ quan quản lý chuyên ngành cần có giải pháp đẩy nhanh quy trình thủ tục hành chính để từ đó giải quyết tình trạng cầu nhiều cung ít trên thị trường, vốn là một trong những nguyên nhân làm thị trường mất ổn định.
Sở Xây dựng Hà Nội vừa công bố danh sách 16 dự án nhà ở thương mại bảo đảm về an ninh, quốc phòng cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu trên địa bàn TP. Hà Nội. Các dự án này nằm chủ yếu tại các quận: Hà Đông, Long Biên, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Gia Lâm, Nam Từ Liêm...
Tại quận Hà Đông có 4 dự án đủ điều kiện, cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu, bao gồm: Khu nhà ở Ngân Hà Vạn Phúc (TSQ Galaxy 1); Khu nhà ở Him Lam Vạn Phúc; Khu chung cư quốc tế Hoàng Thành City; Nhà ở chung cư để bán cho cán bộ chiến sĩ công an TP. Hà Nội.
Tiếp đó là quận Long Biên với 3 dự án, gồm: Khu NƠXH tại ô đất B8.NXH; Dự án CT15 Việt Hưng, Khu đô thị mới Việt Hưng; Dự án Mipec Riverside.
Tại quận Cầu Giấy có 2 dự án: Dự án Dreamland Plaza; Dự án đầu tư công trình hỗn hợp nhà ở, văn phòng và trung tâm thương mại tại 265 Cầu Giấy, cả 2 dự án này điều thuộc địa phường Dịch Vọng Hậu.
Tại quận Thanh Xuân có 2 dự án, gồm: Dự án Khu nhà ở thấp tầng để bán tại số 2A, ngõ 85 Hạ Đình; Dự án PCC1 Thanh Xuân tại số 44 Triều Khúc.
Các dự án khác nằm tại các quận còn lại, bao gồm: Dự án Tổ hợp văn phòng, căn hộ và biệt thự tại 16 Láng Hạ (quận Ba Đình); Dự án xây dựng lại khu tập thể 30A Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm); Dự án đầu tư xây dựng công trình theo quy hoạch tại xã Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm); Dự án Goldmark City (quận Bắc Từ Liêm) và Nhà ở cao tầng kết hợp hành chính đơn vị ở tại ô đất NO-CT2 thuộc dự án Hải Đăng City (quận Nam Từ Liêm).