Vì sao Dragon Capital giữ tỷ trọng cổ phiếu cao dù thị trường giảm sâu?
Theo báo cáo được quỹ Vietnam Enterprise Invesments Limited (VEIL) vừa công bố, sau khi đưa tiền mặt về ngưỡng thấp kỷ lục, quỹ đầu tư do Dragon Capital quản lý đã bán ròng trở lại trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Cụ thể, tổ chức ngoại đã bán ròng cổ phiếu trong tuần từ 30/6 đến 7/7 sau khi giá trị tiền mặt của quỹ này xuống thấp đến mức kỷ lục. Giá trị bán ròng ước tính khoảng 12,3 triệu USD qua đó nâng mức tỷ trọng tiền mặt từ 0,53% cuối tháng 6 lên mức 1,18% vào ngày 7/7.
Ngoài ra, quỹ này cũng đã bán ròng khoảng 26 triệu USD cổ phiếu MWG của Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động và cũng đồng thời đẩy DGC của Công ty cổ phần Hoá chất Đức Giang) và GAS (Tổng công ty Khí Việt Nam) ra khỏi Top10 khoản đầu tư lớn nhất danh mục.
Tại chương trình "Khớp lệnh" của VTV Digital, ông Nguyễn Tuấn Anh, nhà sáng lập FinPeace, đây là một thông tin khá lạ vì trên thị trường thế giới, dòng tiền các quỹ lớn sẽ đồng pha với các khu vực đỉnh của thị trường chứng khoán. Tức là khi thị trường giao dịch ở mức cao thì tỷ lệ chứng khoán trên tổng danh mục các quỹ mới ở mức cao.
Nhưng thông tin này lại hơi khác pha, tức là thị trường đã giảm một thời gian khá dài nhưng đây lại là lúc mà Dragon Capital lại có tỷ trọng chứng khoán rất cao, dù quỹ này mới chuyển hướng bán ròng trong 2 tuần gần đây.
Nếu suy luận theo nghĩa tích cực thì nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam rất thông minh tức là họ không bị quá lạc quan trước thông tin giải ngân mua vào của các quỹ.
Nhìn theo góc cạnh khác, ở mức giá đã chiết khấu khá sâu so với đỉnh mà quỹ ngoại vẫn đang “cầm nhiều hàng”, chúng ta có thể nghĩ đến câu chuyện tổ chức này giải ngân với một cái định giá trong suy nghĩ của họ. Như vậy cho thấy nhóm nhà đầu tư nước ngoài định giá thị trường cao hơn so với cái giá mà các nhà đầu tư trong nước đánh giá.
“Bản thân tôi cho rằng về mặt định giá, khu vực này đang bắt đầu thấp hơn giá trị nhưng thị trường vẫn chưa đồng ý, giao dịch ở trên thị trường vẫn do cung cầu chi phối. Về mặt dài hạn chúng ta sẽ thấy cung cầu sẽ phải tuân theo quy luật giá trị”, chuyên gia cho biết.
Với riêng MWG, ông Nguyễn Tuấn Anh nhận định MWG đang ở vùng hỗ trợ, nếu giải ngân cho cổ phiếu này thì chỉ nên là mua “thăm dò”. Chỉ báo RSI đang chạm vào vùng oversold (quá bán), nếu mua ngay tại vùng này thì có thể gọi là đang bắt dao rơi.
Trong trường hợp thăm dò không thành công thì nhà đầu tư có thể thoát ra luôn khi T+3 hàng về tài khoản còn nếu thành công thì nhà đầu tư có thể giữ trong thời gian lâu dài chứ không nên vội vàng chốt lời.
Nói đến phân tích thị trường, nhà sáng lập FinPeace cho rằng đây là một phạm trù khá lớn, nhà đầu tư nên nhìn vào câu chuyện doanh nghiệp có khả năng sinh tiền trong dài hạn hay không. Ví dụ điển hình cho trường hợp này có thể kể đến như Vinamilk. Với bề dày kinh nghiệm trong thị trường cũng như việc tạo được vị thế vững chãi giúp xác suất sinh tiền đều của doanh nghiệp này là rất cao.
Ngay cả khi thị trường đối mặt với những thách thức như đại dịch COVID-19 hay khủng hoảng thì mọi người dân vẫn có nhu cầu về sản phẩm sữa của doanh nghiệp như bình thường, tất nhiên sẽ có biến động nhưng không nhiều.
Thêm vào đó, nhà đầu tư có thể xem xét đến các công ty biến động ngắn hạn, tức là họ đi buôn và thường đặt cược vào những khoản kinh doanh ngắn hạn. Hai thể loại công ty này đưa ra 2 lựa chọn về các tiêu chí, chỉ số khác nhau cho nhà đầu tư.