|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Vì sao doanh nghiệp vẫn nhập khẩu thịt lợn khi trong nước dư thừa?

07:56 | 30/04/2017
Chia sẻ
Nguồn cung lợn trong nước dư thừa khiến giá rớt thê thảm đã đặt ra thách thức lớn cho ngành chăn nuôi. Giải pháp trước mắt được các bộ ngành đưa ra là kêu gọi doanh nghiệp, người dân trong nước thu mua. Tuy nhiên, với doanh nghiệp xuất khẩu thịt lợn thì đây được xem là bài toán vô cùng khó khăn khi lợn trong nước không đáp ứng tiêu chuẩn.
vi sao doanh nghiep van nhap khau thit lon khi trong nuoc du thua
Nguồn cung dư thừa khiến lợn rớt giá mạnh thời gian gần đây

Khâu trung gian "đội" giá thành cao ngất ngưởng

Từ đầu năm đến nay, người nuôi lợn ở các tỉnh phía Bắc "khóc ròng" vì giá lợn hơi xuống thấp kỷ lục, chỉ còn trên dưới 20.000 đồng/kg. Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT), với mức giá này, lợn hơi Việt Nam đang có giá thấp nhất thế giới.

Tuy nhiên, tại các chợ và siêu thị trên địa bàn Hà Nội, thịt lợn mông, vai, ba chỉ, chân giò vẫn ở mức 70.000 - 90.000 đồng/kg, thịt thăn giá dao động từ 90.000 - 95.000 đồng/kg, sườn 80.000 - 100.000 đồng/kg, móng giò 70.000 - 75.000 đồng/kg...

Giải đáp nghịch lý này tại tọa đàm "Giải cứu ngành chăn nuôi lợn" ngày 28.4, ông Tống Xuân Chinh - Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết vấn đề đặt ra ở Việt Nam hiện nay là phân chia lợi nhuận trong ngành thịt lợn chưa công bằng, chưa kiểm soát được.

Mặc dù bà con nông dân bán lợn rất rẻ, có thể xuống đến 15.000 đồng/kg nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua thịt với giá không giảm nhiều sau khi đã thành phẩm. Giá thành rơi vào các khâu trung gian rất lớn mà không đi trực tiếp vào người sản xuất ra sản phẩm ấy.

Ông Chinh cho rằng Việt Nam nên học tập mô hình Thái Lan để bình đẳng hơn chuỗi giá trị, phải đưa ra tỉ lệ lợi nhuận cho chuỗi sản xuất thịt lợn như người sản xuất được hưởng không quá 70% giá trị gia tăng của sản phẩm, khâu trung gian được hưởng không quá 30%.

Trong khi đó, ông Phan Minh Báu - Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai cũng tiết lộ lợi nhuận chủ yếu đang tập trung ở khâu trung gian, bình quân 44.000 - 64.000 đồng/kg.

Trong nước "thừa" thịt lợn, DN vẫn phải nhập từ nước ngoài

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, ông Ngô Thành - Tổng giám đốc Công ty ABC Global chia sẻ: Giá thành trung gian về xuất lợn ở Việt Nam đội lên quá nhiều. Ví dụ, vận tải có thể đội lên 3.000 - 5.000 đồng/kg, thêm giá qua biên cũng bị đội lên. Trong khi đó, lợn Việt Nam hiện không phải là lựa chọn số 1 ở một số nước thuế suất nhập khẩu bằng 0. Hiện giờ, giá lợn Thái Lan, Hà Lan tại Trung Quốc vẫn ổn định, còn giá lợn Việt Nam đội lên quá cao vì khâu dịch vụ.

"Đối với doanh nghiệp, tại sao chúng tôi phải sang nước ngoài mua hàng? Nguyên do là vì không kiếm được một nhà máy có thể cấp đông đủ số lượng lợn mà chúng tôi cần. Thịt lợn cấp đông phải đảm bảo -18 độ C và phải được cắm điện 6-8 tiếng/ngày. Hệ thống kho bãi, hệ thống cấp đông, hệ thống nhà máy của mình là những hạn chế cần xem xét. Chúng tôi sẵn sàng bao tiêu 100 container trong 1 tháng, nhưng phải tìm được hệ thống kho bãi, hệ thống cấp đông, hệ thống nhà máy", ông Thành nói.

Ông Thành cho biết điều doanh nghiệp quan tâm không phải hàng này xuất xứ ở đâu, mà phải căn cứ vào yêu cầu của khách hàng, như 1 tháng thì phải ổn định được 1 container, vòng quay 3 tháng.

"Tôi đã trực tiếp sang Thái Lan làm việc với một số công ty trực thuộc Chính phủ, thời điểm khi hàng của tôi từ châu Âu chưa về, tôi phải vận chuyển thịt lợn từ Thái Lan đi Trung Quốc. Mấu chốt ở đây là sản phẩm của chúng ta không đáp ứng được tiêu chuẩn của họ. Người ta cần thịt đông lạnh chứ không cần con lợn hơi. Trong khi đó, tiêu chuẩn xuất lợn sống hà khắc hơn nhiều so với xuất đông lạnh. Công ty tôi hiện đang thiếu đầu vào, nhưng vấn đề bây giờ phải làm thế nào để có hệ thống đồng bộ tạo sản phẩm đạt tiêu chuẩn Trung Quốc", ông Thành chia sẻ thêm.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, đến nay Việt Nam vẫn chưa chuẩn bị phương án cho tình hình cấp bách này. Nếu mở rộng cơ sở vật chất, giết mổ cấp đông thì cần có thời gian, nhưng không phải là không có giải pháp khả thi.

"Sáng 28.4, chúng tôi có làm việc với Vissan và được biết công ty này có kế hoạch giết mổ 1.500 con lợn, hiện tại đã cấp đông 200 con và có kế hoạch tăng thêm 100 con/ngày. Con số này còn rất khiêm tốn so với số lượng lợn dư thừa hiện nay. Tuy nhiên, trên địa bàn không chỉ có kho của Vissan mà còn của nhiều doanh nghiệp khác ở các lĩnh vực thực phẩm, thủy sản. Do đó chúng ta cần sự liên kết của doanh nghiệp", Thứ trưởng Tám cho hay.

Giải pháp chủ chốt: Quy hoạch

Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi Tống Xuân Chinh cho rằng để góp phần ổn định ngành chăn nuôi, doanh nghiệp phải là đơn vị có vai trò quan trọng nhất vì doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế, có kiến thức thị trường, kiến thức đầu tư, họ là người giúp hệ thống quản lý nhà nước đưa chính sách đúng với tình hình thực tế, đưa chính sách về với nông dân.

Trong cơ chế thị trường, có những thời điểm chăn nuôi nông hộ phải co hẹp lại. Đối với điều kiện nước ta hiện nay, chăn nuôi nông hộ vẫn rất quan trọng, tạo sinh kế, thu nhập cho nông dân. Về chiến lược lâu dài, ngành chăn nuôi nước ta phải làm tốt quy hoạch, nhưng điểm yếu của chúng ta là không giám sát được quy hoạch, quy hoạch trên giấy là nhiều. Do đó, bây giờ phải rà soát lại quy hoạch, xác định được đâu là vùng trọng điểm chăn nuôi, ở đâu hạn chế, ở đâu cấm.

"Chúng ta cũng phải hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức chuỗi liên kết nông dân, giải quyết đầu vào - đầu ra cho nông dân. Phát triển tổ đội sản xuất và phải hoạt động dựa trên Luật Doanh nghiệp để tạo ra sân chơi bình đẳng, tạo động lực cao cho người sản xuất chăn nuôi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi. Khi chuỗi giá trị vận hành khép kín từ trang trại đến bàn ăn, tôi tin chúng ta sẽ đủ năng lực để cạnh tranh không chỉ trong nước mà còn có thể cạnh tranh ngoài nước", ông Chinh nói.

Tuyết Nhung