Vì sao Cần Thơ đề xuất lấy ngân sách bù lỗ đường bay mới?
Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, vừa ký tờ trình gửi HĐND cùng cấp về việc thông qua Quy định chính sách hỗ trợ các hãng hàng không mở các đường bay mới đi và đến Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ. Dự kiến, tờ trình này sẽ được HĐND TP Cần Thơ thông qua tại kỳ họp vào tháng 12 tới.
Tờ trình của UBND TP Cần Thơ. Ảnh: CÔNG TUẤN |
Theo tờ trình, Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ được Chính phủ đầu tư đồng bộ, hiện đại và khánh thành cả 2 giai đoạn vào ngày 1-1-2011. Năng lực phục vụ theo thiết kế từ 3-5 triệu lượt hành khách/năm, lượng hàng hóa thông qua cảng khoảng 5.000 tấn và có đường cất hạ cánh dài 3.000 m, rộng 45 m bảo đảm tiếp nhận các loại máy bay vận tải lớn thân rộng như B777-300ER, B747400 và tương đương. Trong năm 2016, lượng hàng khách là 550.090 người; hàng hóa - bưu kiện là 3.420 tấn. Ước trong năm 2017, lượng hành khách là 612.512 khách; hàng hóa - bưu kiện là 3.749 tấn, chiếm khoảng 20% công suất thiết kế của Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ.
Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ. Ảnh: NGỌC TRINH |
Hiện nay, Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ có các đường bay trong nước: Cần Thơ - Hà Nội, Cần Thơ - Phú Quốc, Cần Thơ - Côn Đảo, Cần Thơ - Đà Nẵng. Riêng đường bay Cần Thơ - Đà Lạt (khai thác vào tháng 5-2015), Cần Thơ - Nha Trang (khai thác vào tháng 1-2016) đang tổ chức bay theo dạng Charter flight (thuê bao chuyến) do Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) khai thác chỉ phục vụ kinh doanh dịp hè (từ khoảng tháng 6 đến tháng 8). Các tuyến đường bay quốc tế: Cần Thơ - Đài Bắc chỉ bay trong dịp Tết Nguyên đán hàng năm. Riêng đường bay Cần Thơ - Bangkok (khai thác vào tháng 7-2015) đang tổ chức bay theo dạng Charter flight (thuê bao chuyến) do Vietravel khai thác chỉ phục vụ kinh doanh dịp hè.
TP Cần Thơ chỉ "bù lỗ" cho những đường bay mới mở bị lỗ. Ảnh: NGỌC TRINH |
Theo UBND TP Cần Thơ, thời gian vừa qua, mặc dù công tác xúc tiến mở các đường bay mới đến Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ được Bộ Giao thông vận tải và các địa phương quan tâm thực hiện từ năm 2013 nhưng đến nay các hãng hàng không như Việt Nam Airlines, VietJet, Jetstar Pacific,... chưa thể mở thêm các đường bay mới đến Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ do trong năm đầu khai thác, khả năng lỗ về tài chính là rất lớn do người dân TP Cần Thơ nói riêng và người dân vùng ĐBSCL nói chung chưa biết nhiều về đường bay mới, việc quảng bá cho đường bay mới phải có thời gian và phải thực hiện liên tục.
Từ nhu cầu và thực trạng nêu trên, việc mở các đường bay trực tiếp đi và đến từ Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ đến các tỉnh, thành phố trong và ngoài nước là rất cần thiết, đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân TP Cần Thơ nói riêng và người dân vùng ĐBSCL nói chung, góp phần giảm chi phí, thời gian và an toàn trong quá trình lưu thông.
Để giải quyết vấn đề bất cập này thì việc xây dựng chính sách nhằm khuyến khích các hãng hàng không mở các đường bay mới đi và đến Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ là cần thiết nhằm khuyến khích, hỗ trợ các hãng hàng không một phần kinh phí trong năm đầu tiên để mở đường bay mới và duy trì các đường bay được ổn định, lâu dài. Vì thế, UBND TP Cần Thơ sẽ thực hiện hỗ trợ một phần chi phí cho các hãng hàng không theo hình thức hỗ trợ một phần giá vé máy bay cho người sử dụng (mức hỗ trợ này tương đương mức hỗ trợ 30% giá vé máy bay trên mỗi chuyến bay xuất phát từ Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ).
Theo tờ trình, phạm vi điều chỉnh chỉ áp dụng đối với các đường bay mới đi và đến Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ (không áp dụng đối với các đường bay đã có: Cần Thơ - Hà Nội, Cần Thơ - Đà Nẵng, Cần Thơ - Phú Quốc, Cần Thơ - Côn Đảo). Đối tượng điều chỉnh là các hãng hàng không trong nước và quốc tế mở đường bay mới đi và đến Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ.
Về điều kiện hỗ trợ, TP Cần Thơ chỉ thực hiện hỗ trợ cho các hãng hàng không khi đường bay mở mới bị lỗ, các hãng hàng không được cấp phép hoạt động kinh doanh vận chuyển hàng không theo quy định. Mỗi đường bay mới đến Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ chỉ được hỗ trợ một lần và trong năm đầu tiên khai thác đường bay. Các hãng hàng không chỉ nhận được chính sách hỗ trợ theo quy mô, tần suất bay đã cam kết. Trường hợp các hãng hàng không không duy trì được quy mô, tần suất bay theo cam kết thì phải có trách nhiệm bồi hoàn lại khoản chi phí đã hỗ trợ.
Về mức hỗ trợ đối với đường bay nội địa: Trường hợp hạch toán đường bay mở mới bị lỗ dưới 5 tỉ đồng (sau khi được kiểm toán), TP Cần Thơ sẽ hỗ trợ theo mức lỗ được hạch toán của đường bay mới mở. Trường hợp hạch toán đường bay mở mới bị lỗ trên 5 tỉ đồng, TP Cần Thơ sẽ hỗ trợ cho các hãng hàng không với mức tối đa không vượt quá 5 tỉ đồng.
Đối với đường bay quốc tế, trường hợp hạch toán đường bay mở mới bị lỗ dưới 8 tỉ đồng thì sẽ hỗ trợ theo mức lỗ được hạch toán của đường bay mới mở. Trường hợp hạch toán đường bay mở mới bị lỗ trên 8 tỉ đồng thì sẽ hỗ trợ cho các hãng hàng không với mức tối đa không vượt quá 8 tỉ đồng.
Kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước.
Để 'vực dậy' sân bay Cần Thơ
Sau hơn sáu năm đưa vào vận hành (tháng 1-2011), Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ (sân bay Cần Thơ) chỉ có vỏn vẹn ... |