Vì sao các quỹ ngoại vẫn lạc quan về triển vọng chứng khoán Việt Nam?
Thị trường chứng khoán vẫn đang trong trạng thái giằng co; dòng tiền yếu khiến mọi giao dịch trở nên mờ nhạt.
So với hồi đầu năm, VN-Index đã giảm gần 37%, thị giá nhiều cổ phiếu "lao dốc" tới 70-80% từ mức đỉnh.
Hiệu suất hoạt động của các quỹ đầu tư ngoại theo đó cũng ghi nhận "hụt hơi" ở thị trường Việt Nam, thậm chí có trường hợp hiệu suất thấp hơn cả chỉ số tham chiếu.
Dù tâm lý thị trường vẫn chưa thoát khỏi trạng thái tiêu cực, thế nhưng nhiều quỹ ngoại vẫn có cái nhìn lạc quan về triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam.
Bất ngờ với sự sụt giảm mạnh
Ông Petri Deryng - nhà sáng lập kiêm quản lý quỹ đầu tư PYN Elite Fund (Hà Lan) - vừa có những "trải lòng" về câu chuyện đầu tư của quỹ này tại thị trường Việt Nam trong năm nay, khi hiệu suất đầu tư của PYN Elite Fund là âm hơn 36% trong 10 tháng năm 2022.
Theo ông Petri Deryng, bản thân ông và các cộng sự đã trải qua một năm bất ngờ và rất đặc biệt ở Việt Nam, khi thị trường chứng khoán của quốc gia được cho là phát triển nhanh nhất, cạnh tranh nhất và ít mắc nợ nhất châu Á đã phải đối mặt với sự điều chỉnh mạnh.
Dù tăng trưởng lợi nhuận mạnh, thế nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm mạnh tới 40%, cao hơn nhiều so với các thị trường khác trong khu vực.
Một trong những lý do khiến thị trường chứng khoán Việt Nam giảm sâu là những sai phạm trên thị trường chứng khoán như việc thao túng giá cổ phiếu, phát hành trái phiếu doanh nghiệp bị cơ quan quản lý "phanh phui."
Điều này tác động đến tâm lý của nhà đầu tư, vốn trước đó đã bị ảnh hưởng bởi những bất ổn toàn cầu.
Vị chuyên gia này cho rằng việc siết chặt kỷ cương thị trường là đúng, nhưng không may điều này đã ảnh hưởng đến tâm lý thị trường.
Thanh khoản thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị "đóng băng," nhiều cổ phiếu đối diện tình trạng forcesell (bán giải chấp), vì được sử dụng làm tài sản đảm bảo cho trái phiếu.
Những bất ổn trên thị trường tài chính cũng đẩy một số doanh nghiệp phải quy đổi đồng nội tệ sang USD, dẫn tới việc tiền VND mất giá nhanh hơn.
"Các nhà chức trách Việt Nam nhận thức rõ về những tác động trái chiều và đã bắt đầu có các hành động nhằm khôi phục niềm tin vào thị trường tài chính. Do đó, nhà đầu tư có thể hy vọng về những điều tốt đẹp hơn; đồng thời có thêm lý do chính đáng để tin rằng VN-Index sẽ tăng cao hơn trong một năm tới," ông Petri Deryng nhận định.
Đại diện PYN Elite Fund cũng lưu ý rằng, các cơ quan chức năng Việt Nam đã rất nhất quán trong vài thập kỷ điều chỉnh các chính sách quan trọng theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp và không làm ảnh hưởng đến các lĩnh vực kinh doanh rộng lớn khác. Đây vốn là nền tảng của sự tăng trưởng lành mạnh ở Việt Nam trong thời gian qua.
Ở góc độ phân tích, ông Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital cho rằng, chỉ số VN-Index giảm mạnh trong thời gian qua, chủ yếu do sự biến động mạnh của 2 nhóm cổ phiếu chính là bất động sản và ngân hàng, vốn chiếm đến 55% vốn hóa trên sàn HOSE.
Những lo ngại về khả năng tái cấp vốn hơn 5 tỷ USD khi đáo hạn vào năm 2023 của các công ty bất động sản đã làm cho chỉ số VN-Index giảm nhiều hơn đáng kể so với mức bình quân của thị trường chứng khoán trong khu vực.
"Thị trường chứng khoán Việt Nam đang quá tiêu cực về tác động của việc thắt chặt tín dụng cho các công ty bất động sản gần đây đối với phần còn lại của nền kinh tế. Trong khi, lĩnh vực bất động sản đóng góp chưa đến 10% GDP của Việt Nam, trái ngược với mức gần 30% ở Trung Quốc. Chúng tôi kỳ vọng Chính phủ sẽ có biện pháp để giảm bớt các vấn đề về thanh khoản đang làm cổ phiếu Việt Nam giảm mạnh trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán - thời điểm mà cả hoạt động kinh tế và nhu cầu thanh khoản tại Việt Nam đều tăng cao," ông Michael Kokalari đánh giá.
Dòng tiền vẫn luôn ngóng chờ cơ hội
Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư vào tuần trước, các nhà phân tích chiến lược của quỹ Dragon Capital chỉ ra một số lý do chính khiến chứng khoán Việt Nam suy giảm mạnh trong thời gian qua như lãi suất, tỷ giá, thanh khoản... nhiều khả năng đã phản ánh vào thị trường.
Theo ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Hoạch định chiến lược đầu tư của Dragon Capital Việt Nam, yếu tố thanh khoản khiến thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều biến động mạnh trong thời gian qua.
Ở thời điểm hiện tại, chứng khoán là kênh duy nhất có thanh khoản, trong khi các kênh tài sản và huy động vốn như bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp... gần như bị "đóng băng."
Việc thanh khoản giảm đột ngột đã khiến cho nền kinh tế có cú sốc và thị trường có nhiều yếu tố khó đoán hơn.
Tuy nhiên, đây cũng chỉ là vấn đề mang tính chính sách, chỉ cần có sự thay đổi chính sách nhất định thì vấn đề này sẽ được giải quyết.
Mặt khác, dù giá trị giao dịch hiện thấp hơn nhiều so với mức đỉnh, song đã cao gấp 3 lần so với giai đoạn 2018-2019 khi chỉ số VN-Index cũng ở mức 900-1.000 điểm.
Đại diện Dragon Capital cũng cho rằng, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2023 có thể khiêm tốn hơn so với năm nay, tuy nhiên thị trường chứng khoán khả năng đã phản ánh trước kỳ vọng lợi nhuận từ 4-6 tháng.
"Trong giai đoạn này có năm điều kiện cần theo dõi, đó là lãi suất, tỷ giá, thanh khoản, phá sản và kỳ vọng lợi nhuận. Chúng ta ở giai đoạn cuối của chu kỳ tăng lãi suất, tỷ giá cũng đã dần ổn định và thắt chặt có những tín hiệu hạ nhiệt và kỳ vọng lợi nhuận yếu đi. Khi thị trường có đủ các tiêu chí xác định ở vùng đáy, Dragon Capital sẽ giải ngân quyết liệt," ông Lê Anh Tuấn cho biết.
Định giá thị trường chứng khoán Việt Nam đi vào vùng thấp lịch sử, thậm chí thấp hơn đáy COVID-19, tương đương với thời kỳ khủng hoảng, dù nền tảng vĩ mô ở thời điểm hiện tại có nhiều sức mạnh khác biệt hơn. Đây có lẽ là yếu tố quan trọng khiến khối ngoại quay lại mua ròng mạnh mẽ kể từ đầu tháng 11 đến nay, với giá trị mua ròng lên đến trên 6.900 tỷ đồng, theo thống kê của Dragon Capial.
VESAF - một trong những quỹ mở của VinaCapital có hiệu suất hoạt động tốt nhất trên thị trường mới đây - cũng cho biết những đợt bán tháo vừa qua đã mở ra cơ hội tích lũy những cổ phiếu có thể mang lại mức lợi nhuận hấp dẫn.
Bởi giá cổ phiếu đã về vùng rất thấp so với giá trị thực, ngay cả sau khi đã phản ánh những rủi ro liên quan đến tỷ giá, lãi suất và kinh doanh trong môi trường hiện tại.
"Cổ phiếu nhóm ngành tiêu dùng đang tiệm cận mức định giá P/E dưới 10 lần, một mức hấp dẫn dựa trên sự ổn định kinh doanh, dòng tiền và ít bị ảnh hưởng hơn các ngành khác. Nhiều cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ tốt cũng đang có mức định giá thấp hơn rất nhiều so với những thời điểm trước đây, thậm chí nhiều cổ phiếu có P/B nhỏ hơn 1 lần. Điều này cho thấy giá cổ phiếu đã phản ánh khá nhiều những rủi ro hiện hữu. Vì vậy, chúng tôi đã và đang tiếp tục mua vào những cổ phiếu hấp dẫn này sau khi đã xem xét kỹ những yếu tố rủi ro cũng như triển vọng trong thời gian tới," đại diện VESAF cho biết.
Theo ông Petri Deryng, thị trường chứng khoán Việt Nam có triển vọng tăng trưởng lợi nhuận cao nhất trong khu vực, nhưng định giá lại đang rơi xuống mức thấp chưa từng có.
Về nội tại, các công ty niêm yết của Việt Nam vẫn rất vững chắc và tỷ lệ ròng của nợ trên vốn chủ sở hữu đạt 19,4%, ở mức rất vừa phải.
Xuất khẩu của Việt Nam cũng tăng trưởng mạnh trong đầu năm 2022, tăng 14% nhưng khả năng cao đà tăng trưởng sẽ dần yếu đi trong 6 tháng tới.
PYN Elite Fund dự phóng triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của các công ty niêm yết Việt Nam trong năm nay có thể đạt mức từ 20-25% và năm 2023 là 18%.
Do nhu cầu của EU và Hoa Kỳ có khả năng suy yếu trong ngắn hạn sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của châu Á sang các thị trường này, vì vậy PYN Elite Fund ước tính về tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2023 là 5,5%.