|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Vì sao buýt điện TP.HCM ngày càng ế khách?

15:22 | 16/12/2018
Chia sẻ
Hoạt động từ tháng 1/2017 đến nay, xe buýt điện ở TP HCM đang ngày càng ế khách, hoạt động phải bù lỗ...
vi sao buyt dien tphcm ngay cang e khach
Bến xe buýt điện tại Công viên 23 tháng 9 không có khách, trên xe chỉ có tài xế chạy xe không - Ảnh: Minh Châu

Xe buýt điện ế khách

Ngày 9/12, theo ghi nhận của PV Báo Giao thông tại Công viên 23 tháng 9, tuyến xe buýt điện D1 chạy khu vực trung tâm quận 1 (lộ trình từ Công viên 23 tháng 9 đến Thảo Cầm Viên), bến xe không có khách. Tại điểm này có 5 chiếc xe điện hoạt động, nhiều chuyến tài xế chỉ chạy rỗng, chở xe không đi rồi lại chạy xe không về bến. Dọc lộ trình đi qua các trạm, tài xế liên tục “đá” xi-nhan chào mời khách nhưng đều nhận được cái xua tay.

Chia sẻ về tình hình xe buýt điện hoạt động hiện nay, đại diện của Công ty CP Tập đoàn Mai Linh, chủ đầu tư xe buýt điện tuyến D1 cho biết, hoạt động của xe điện ở trung tâm thành phố có tính chất phục vụ cộng đồng nên công ty không tính toán nhiều đến doanh thu. Mặt khác, phía công ty đang trong quá trình hợp nhất và tái cấu trúc, nên chưa đánh giá hoạt động của xe điện.

Trao đổi với PV, một nam tài xế tại bến Công viên 23 tháng 9 cho biết: “Quy định của xe buýt điện là cứ 30 phút có một chuyến, đến giờ mà không có khách, tài xế vẫn chạy bình thường. Công ty trả lương cố định hàng tháng cho tài xế, dù xe không có khách, tài xế vẫn được hưởng lương bình thường, trung bình khoảng 9 triệu đồng/tháng”.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Châu, tài xế nữ cho hay: “Vào những tháng hè còn có các gia đình cho con đi chơi bằng xe điện, ngày bình thường thì ế khách, lâu lâu mới có đoàn du lịch đi. Những ngày này, công ty phải bù lỗ để trả cho nhân viên và chi phí sửa xe. Người dân ở thành phố cũng muốn đi xe buýt điện, nhưng nhiều người không biết bắt xe buýt điện ở đâu, nên chăng cần tuyên truyền để người dân biết nhiều hơn nữa”, chị Châu nói.

Bà Nguyễn Thị Lan, hành khách đi xe điện từ Thảo Cầm Viên về bến cho rằng, thời gian giãn cách giữa các chuyến xe buýt điện tới 30 phút một chuyến là quá lâu. Không chờ được thì dân phải bắt xe buýt thông thường hoặc phương tiện khác. “Hiện nay, xe điện chỉ đi qua các điểm du lịch chứ không đi qua các trụ sở hành chính và các trụ sở các công ty nên người dân sẽ không lựa chọn xe buýt điện”.

Thay đổi lộ trình, giảm thời gian chờ để hút khách

Liên quan đến tình hình xe buýt điện hiện nay, ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP HCM cho biết, đối với tuyến D1 (chạy khu vực trung tâm quận 1) chủ yếu phục vụ khách du lịch vào những ngày cuối tuần, nghỉ lễ. Do vậy, ngày thường tuyến xe điện này rất vắng khách. Để thu hút khách, giải pháp sắp tới chủ đầu tư đề xuất là điều chỉnh lại biểu đồ chạy xe để phù hợp với thực tế nhu cầu đi lại của hành khách.

Cũng theo ông Trung, tới đây cũng cần xem xét lại lộ trình hoạt động sao cho linh hoạt hơn, chẳng hạn kết hợp giữa xe buýt và du lịch. Đồng thời, chủ đầu tư cần tăng cường số lượng xe điện, giảm thời gian giãn chuyến từ 30 phút xuống 15 - 20 phút. Bên cạnh đó, chú trọng công tác tuyên truyền, đặc biệt chú ý đến khách du lịch và thay đổi giá vé phù hợp như có thể bán vé tháng, dùng thẻ và ngày thường bán rẻ hơn ngày lễ.

Tìm hiểu của PV, các tuyến D2 và D3 hoạt động ở Khu đô thị Phú Mỹ Hưng khách đi lại khá hơn tuyến D1 ở Công viên 23 tháng 9. Mặc dù hoạt động kinh doanh chưa như mong đợi nhưng chủ đầu tư xe buýt điện vẫn dự tính đề xuất Sở GTVT tăng cường thêm xe điện để phục vụ khách du lịch tại Phú Mỹ Hưng.

Trước đó, UBND TP HCM đồng ý đề án thí điểm 3 năm cho 3 tuyến xe buýt điện không trợ giá chở khách trên địa bàn thành phố. Đơn vị đầu tư do Công ty CP Tập đoàn Mai Linh, Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh bất động sản Phố Cảnh và Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn thực hiện. Đây là xe buýt điện loại 12 chỗ, hoạt động từ 5 - 22h, giá vé toàn tuyến là 12 nghìn đồng/vé. Ngoài ra, hành khách cũng có thể mua vé theo giờ, hoặc có thể thuê theo giờ khoảng 100 nghìn đồng/xe/giờ.

Đỗ Loan