Vì sao 7-Eleven phải ngậm ngùi rút khỏi Indonesia dù khách hàng yêu thích?

Một cửa hàng 7-Eleven ở Jakarta. (Ảnh: K. Y. Cheng).
Thành công ban đầu
Trái ngược với hồi kết buồn, 7-Eleven thực chất có khởi đầu khá thuận lợi khi đặt chân vào Indonesia thông qua nhà vận hành địa phương PT Modern Internasional vào năm 2009.
Tại Mỹ, chiến lược của 7-Eleven là tập trung vào các mặt hàng mang đi và đồ ăn vặt về đêm. Còn ở Indonesia, 7-Eleven đặt mục tiêu trở thành điểm đến ưa thích của người tiêu dùng trẻ tuổi thành thị. Ngoài các sản phẩm truyền thống như slurpee và đồ ăn vặt, 7-Eleven còn bán rượu và đồ ăn được chế biến nóng.
Về điểm này, 7-Eleven đã thành công và nhận được sự yêu mến của người tiêu dùng, đặc biệt là nhóm tuổi từ 18 đến 25.
Tại xứ sở vạn đảo, khách hàng có thể đến cửa hàng của 7-Eleven vào bất cứ thời điểm nào không kể ngày đêm, tụ tập ăn uống với bạn bè sau giờ học và giờ làm trong không gian có điều hòa, đồng thời còn được sử dụng wifi miễn phí.
Trung bình mỗi cửa hàng 7-Eleven dành riêng nột nửa không gian để phục vụ đồ ăn và thức uống cho khách, tờ Nikkei Asia cho biết.
Chớp lấy thời cơ, Modern nhanh chóng mở rộng trong phạm vi thủ đô Jakarta. Tới năm 2010, công ty mở cửa hàng thứ 21 ở thành phố này. Chỉ hai năm sau đó, Modern đã vận hành 100 cửa hàng ở Indonesia. Tới năm 2014, doanh thu của Modern đạt đỉnh 971,77 tỷ rupiah và nâng tổng số cửa hàng lên 190.

Điểm yếu chí mạng
Sau 5 năm hoạt động tại Indonesia, tương lai của 7-Eleven có vẻ rất xán lạn. Các cửa hàng tiện lợi của công ty hầu như lúc nào cũng đông khách. Nhưng hình ảnh đó thực chất lại che giấu một rắc rối lớn. Khách hàng của họ tiêu rất ít tiền.
Ông Arifin, người từng làm nhân viên trông xe cho một cửa hàng 7-Eleven ở ngoại ô Jarkata, chỉ ra: “Cửa hàng lúc nào cũng đông nhưng khách không mua gì mấy. Họ chỉ đến ngồi chơi và dùng wifi miễn phí. Có những người mang theo laptop và ngồi hàng giờ đồng hồ dù chỉ mua một cốc nước”. Tình trạng này diễn ra ở đa số những cửa hàng khác của 7-Eleven.
Ngoài thói quen chi tiêu của khách hàng, 7-Eleven cho biết nguyên nhân khác dẫn đến doanh thu thấp là sự cạnh tranh khốc liệt từ doanh nghiệp nội địa.
Một mặt, 7-Eleven phải chống đỡ với những chuỗi cửa hàng tiện lợi lâu đời như Alfamart và Indomaret. Mặt khác, công ty ngoại này còn phải đấu tranh với các quầy đồ ăn đường phố với tốc độ phục vụ khách hàng nhanh hơn đáng kể.
Tờ CNBC cho biết vào năm 2017, Alfamart và Indomaret lần lượt có 10.000 và 15.000 cửa hàng ở Indonesia, tương ứng thị phần 38% và 47%. Còn 7-Eleven chỉ chiếm thị phần nhỏ 0,7% trong năm 2016.
Các quy định quản lý cũng gây rắc rối lớn cho 7-Eleven. Vào năm 2015, chính phủ Indonesia cấm bán rượu ở các cửa hàng tiện lợi và siêu thị nhỏ. Trong khi đó, rượu lại chiếm một phần không nhỏ trong doanh thu của 7-Eleven.
Hệ lụy từ lệnh cấm khiến doanh thu năm 2015 của 7-Eleven giảm 8,8% xuống 886,84 tỷ rupiah. Bản thân Modern ghi nhận lỗ ròng 54,76 tỷ rupiah.
Trái lại, Alfamart và Indomaret báo cáo doanh thu tăng trưởng so với năm trước đó, nhờ cung cấp nhiều loại sản phẩm và dịch vụ hơn 7-Eleven. Và nhờ là doanh nghiệp nội địa, Alfamart và Indomaret có thể mở rộng tương đối dễ dàng. Còn doanh nghiệp ngoại như 7-Eleven gặp nhiều rào cản pháp lý khi xin cấp phép mở cửa hàng ở những vùng khác ngoài Jakarta.
Tới năm 2016, Modern đóng cửa 25 cửa hàng yếu kém để giảm bớt lỗ từ chi phí hoạt động. Đến năm tiếp theo, hơn 150 cửa hàng 7-Eleven còn lại cũng bị đóng cửa.
Khi đó, phát ngôn viên của 7-Eleven khẳng định công ty vẫn coi Indonesia là thị trường quan trọng và hy vọng trong tương lai sẽ tìm được đối tác mới để quay trở lại. Nhưng đến năm 2025, dự định này dường như đã rơi vào quên lãng.