Vì sao hai dự án cao tốc vừa chuyển đổi đầu tư giảm gần 1.600 tỷ đồng?
Đại diện Ban Quản lý dự án 2 và Ban Quản lý dự án 6 thuộc Bộ Giao thông Vận tải vừa cho biết hai dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam vừa được Quốc hội chuyển hình thức đầu tư từ đầu tư PPP (hợp tác công tư) sang đầu tư công đã thực hiện giảm trừ tổng mức đầu từ gần 1.600 tỷ đồng.
Cụ thể, ông Lê Thắng, Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 cho hay dự án cao tốc Bắc Nam đoạn Quốc lộ 45-Nghi Sơn do đơn vị quản lý giảm hơn 500 tỷ đồng từ 6.333 tỷ đồng xuống còn hơn 5.800 tỷ đồng sau khi được Bộ Giao thông Vận tải điều chỉnh đầu tư từ hình thức PPP sang đầu tư công.
Trong khi đó, đại diện Ban Quản lý dự án 6 cho hay dự án cao tốc Bắc Nam đoạn Nghi Sơn-Diễn Châu giảm hơn 1.087 tỷ đồng từ 8.384 tỷ đồng xuống còn 7.296 tỷ đồng sau khi được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt điều chỉnh đầu tư từ hình thức PPP sang đầu tư công.
Lý giải về nguyên nhân giảm tổng mức đầu tư của dự án, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết sau khi hai dự án trên được Quốc hội chuyển sang hình thức đầu tư công, vì không phải chịu lãi suất vay theo tính toán cho nhà đầu tư nếu đầu tư theo PPP nên tổng mức đầu tư đã giảm.
Cùng với đó, khi dự án được chuyển sang đầu tư công, việc cơ quan quản lý nhà nước cập nhật lại tổng khối lượng theo thiết kế kỹ thuật đã được duyệt cũng giúp giảm mức đầu tư của dự án.
Một nguyên nhân quan trọng khác giúp giảm tổng mức đầu tư của dự án là các cơ quan quản lý nhà nước đã cập nhật lại định mức đơn giá, hệ số trượt giá... theo quy định của pháp luật hiện hành (Nghị định 68/2019/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng được Chính phủ định mức, đơn giá cho một số công trình xây dựng chuyên ngành).
Đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết để đẩy nhanh việc thực hiện dự án, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản chỉ đạo Ban Quản lý dự án 2 và Ban Quản lý dự án 6 xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện công việc của dự án, quản lý chặt chẽ các chi phí đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, các ban quản lý phối hợp với hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng tại địa phương để sớm bàn giao mặt bằng thi công cho đơn vị thi công đúng tiến độ dự kiến; triển khai hoàn thiện các thủ tục để khởi công dự án, đồng thời chịu trách nhiệm quản lý tiến độ thực hiện đáp ứng kế hoạch hoàn thành dự án theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ…
Trước đó, ngày 4/2/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 1213/UBTVQH13 về việc chuyển đổi hình thức đầu tư đối với hai dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam đoạn Quốc lộ 45-Nghi Sơn và Nghi Sơn-Diễn Châu từ hình thức PPP sang đầu tư công sau khi không chọn được nhà đầu tư.
Đến ngày 1/3/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 26/NQ-CP triển khai Nghị quyết 1213/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải thực hiện thẩm quyền của người quyết định đầu tư quyết định phê duyệt điều chỉnh 2 dự án thành phần theo quy định; rà soát, xác định và chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp lý của tổng mức đầu tư điều chỉnh của 2 dự án thành phần chuyển đổi.
Bộ Giao thông Vận tải thực hiện thẩm quyền, trách nhiệm của người quyết định đầu tư tổ chức thực hiện các dự án thành phần theo quy định...
Dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam đoạn Nghi Sơn-Diễn Châu dài 50km, đi qua địa phận hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An. Trong giai đoạn hoàn chỉnh, dự án được đầu tư quy mô 6 làn xe (nền đường rộng 32,25m), tốc độ thiết kế 100-120km/h. Trước mắt, dự án được phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe (nền đường rộng 17m), tốc độ thiết kế 80km/h. Tiến độ dự án sẽ hoàn thành trong năm 2023.
Tính đến nay, trong 11 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đã có 8 dự án thành phần thực hiện theo hình thức đầu tư công; trong đó 6 dự án (Cao Bồ-Mai Sơn, Mai Sơn-Quốc lộ 45, Cam Lộ-La Sơn, Vĩnh Hảo-Phan Thiết, Phan Thiết-Dầu Giây và cầu Mỹ Thuận đã triển khai thi công toàn bộ các gói thầu xây lắp.
Còn lại, 3 dự án đầu tư theo hình thức PPP, gồm: Diễn Châu-Bãi Vọt, Nha Trang-Cam Lâm, Cam Lâm-Vĩnh Hảo) đã lựa chọn được nhà đầu tư, đang trong quá trình đàm phán hợp đồng để chuẩn bị khởi công xây dựng./.