Vĩ mô ổn định và lạm phát trong tầm kiểm soát, thị trường chứng khoán Việt có còn sức hút?
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn biến động từ cuối năm 2021 đến nay. Trên thế giới, các yếu tố bất lợi từ nền tảng kinh tế vĩ mô hay những xung đột địa chính trị cũng ảnh hưởng lớn tới thị trường.
Trong quý I và quý II, thị trường chứng khoán Việt Nam giao dịch khá trầm lắng, tuy nhiên Việt Nam đang là điểm sáng về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đặc biệt sức khoẻ của doanh nghiệp cũng đang hồi phục khá tích cực hậu COVID-19. Chính phủ cũng có nhiều nỗ lực trong kiểm soát lạm phát, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Những yếu tố trên liệu có giúp thị trường lấy lại sự sôi động và hấp dẫn trong giai đoạn từ nay đến cuối năm?
Việt Nam là điểm sáng trong ổn định kinh tế vĩ mô
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc CTCK Kiến Thiết, cho rằng Việt Nam thành công hơn nhiều quốc gia trên thế giới rất nhiều trong kiểm soát lạm phát.
Với điều kiện tình hình lạm phát thế giới phức tạp, có những nước lên tới 40-50%, các nền kinh tế lớn thế giới như Mỹ, châu Âu lạm phát cũng ở mức cao thì việc Việt Nam kiểm soát được lạm phát như mục tiêu là dưới 4% cho thấy sự nỗ lực rất lớn từ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Ông Ngọc chỉ ra rằng, tại thời điểm này, Việt Nam chưa một lần nào tăng lãi suất nhưng đã chủ động sử dụng các biện pháp cung tiền như: Kiểm soát cung tiền thông qua room tín dụng hay việc bán ngoại tệ để bình ổn tỷ giá và hút nội tệ khỏi hệ thống ngân hàng; phát hành tín phiếu để hút bớt tiền khỏi lưu thông.
Những biện pháp này khá là mạnh tay và đã giúp Việt Nam thành công trong việc kiểm soát lạm phát. Với kết quả này chắc chắn rằng, Việt Nam sẽ không phải tăng lãi suất bất cứ lần nào trong năm nay. Rõ ràng việc duy trì mặt bằng lãi suất thấp là điều kiện để hỗ trợ các doanh nghiệp và hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau COVID-19.
Đó là lý do vì sao tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia tăng trưởng cao nhất và đến quý III được dự báo là tăng trưởng 2 con số. Việc tăng trưởng GDP cao trong quý III còn có yếu tố kỹ thuật là nền thấp khi quý III/2021 Việt Nam tăng trưởng âm.
"Với hai yếu tố vừa là hồi phục thực và vừa là kỹ thuật, tăng trưởng GDP quý III trên 10% là rất khả quan", ông Ngọc nhìn nhận.
Giai đoạn điều chỉnh là cần thiết và hợp lý
Mặc dù nền tảng kinh tế vĩ mô đang rất tốt song theo Chuyên gia tài chính TS Đinh Thế Hiển thị trường chứng khoán đang điều chỉnh sau giai đoạn tăng bất hợp lý năm 2021.
"Trong quý I, quý II vừa qua, chúng ta thấy thị trường đang lình xình, nhiều người đang mong chờ thị trường đi lên trong khi những yếu tố vĩ mô đang hỗ trợ rất tốt. Tuy nhiên, nếu gắn với năm 2021 khi mà thị trường tăng vọt dù nền kinh tế thực không hề khả quan", TS. Hiển nói.
Nhiều người dường như quên đi câu chuyện “tăng không hợp lý” ở năm 2021 mà lại cho rằng chứng khoán 2022 “không chịu tăng”. Trên thực tế, thị trường chứng khoán 2022 có những yếu tố để tăng trưởng nhưng một tài sản đầu tư thì phải gắn với giá.
Về nguyên tắc, khi giá tăng nhiều thì phải có sự điều chỉnh và đủ tích luỹ thì mới tăng tiếp. Như vậy, thị trường đang điều chỉnh để phù hợp với nền kinh tế thực hơn, những gì không hợp lý ở năm 2021 sẽ bị trả về. Về tổng thể, yếu tố vĩ mô đang thúc đẩy thị trường chứng khoán nhưng với câu chuyện từ trước, thị trường chưa thể tăng là có lý do của nó.
Bên cạnh đó, trong quý II/2022, Bộ Tài chính đã rất quyết liệt xử lý các vụ việc nổi cộm của thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), đặc biệt là việc mạnh dạn xử lý các lãnh đạo của Uỷ ban Chứng khoán trong vấn đề điều hành, quản lý kém và thậm chí là có sai phạm.
Những động thái như vậy cho thấy các cơ quan quản lý không đặt nặng chuyện tăng trưởng mà quan trọng hơn hết là mục tiêu làm lành mạnh, minh bạch thị trường để hướng tới câu chuyện tăng trưởng bền vững, lâu dài.
TS. Hiển cho rằng, hướng đi này của Bộ Tài chính rất đúng đắn, phù hợp. Để thị trường chứng khoán Việt Nam tiến xa hơn cần củng cố bộ máy của cơ quan quản lý, lành mạnh hoá thị trường bằng xử lý các doanh nghiệp, cá nhân có sai phạm không để ảnh hưởng tới các cổ phiếu tốt, doanh nghiệp tốt.
Vì vậy, chúng ta không đòi hỏi sự tăng trưởng của thị trường trong giai đoạn này mà đòi hỏi một thị trường trong sạch, minh bạch, các doanh nghiệp từ nay về sau phải tập trung phát triển công ty, đảm bảo lợi ích cổ đông chứ không phải đẩy giá ảo để trục lợi.
Chuyên gia nhìn nhận, thị trường chứng khoán từ nay đến cuối năm có thể tăng trưởng không nhiều nhưng cần thiết và hợp lý.
Điều cần thiết nhất bây giờ là thị trường cần một giai đoạn để định hình lại giá trị cổ phiếu, lọc những cổ phiếu tăng ảo và những doanh nghiệp xấu, kém minh bạch để chuẩn bị cho sự bứt phá ở thời gian tới, vị chuyên gia này cho hay.
Những tín hiệu tích cực từ sự nỗ lực của cơ quan quản lý
Ngoài yếu tố kinh tế vĩ mô khả quan, theo ông Đỗ Bảo Ngọc, thị trường chứng khoán còn có nhiều tín hiệu tích cực từ những nỗ lực của các cơ quan quản lý.
Trong khi chờ đợi hệ thống mới, việc đưa vào vận hành thêm những tiến bộ mới của hệ thống như việc rút ngắn chu kỳ thanh toán cũng rất tốt, làm tăng thanh khoản cho thị trường cũng như làm giảm rủi ro với nhà đầu tư. Còn với việc giao dịch lô lẻ được ấn định thực hiện từ 12/9, về cơ bản đây không phải là những giao dịch lớn nhưng cũng sẽ giải quyết nhu cầu thanh khoản của các nhà đầu tư trên thị trường.
Cả hai sản phẩm mới là giao dịch T+2 và lô lẻ đều giúp giải quyết vấn đề thanh khoản cho thị trường, giảm bớt rủi ro cho nhà đầu tư và đứng trên lợi ích của nhà đầu tư để làm. Vì vậy, nó đã tạo ra phản ứng tích cực đối với thị trường trong tháng 8. Ngay từ thời điểm cuối tháng 7, đầu tháng 8 khi mà những thông tin này râm ran ran thì thị trường đã cải thiện thanh khoản và đi lên từ đó cho đến nay.
Đặc biệt, trong khoảng 1 tháng gần đây, thị trường đi lên khá tốt và thanh khoản cải thiện dần. Trong ngày 29/8, ngày đầu tiên áp dụng chu kỳ thanh toán T+2, thị trường đã giảm rất mạnh trong phiên sáng do thông tin tăng lãi suất của Fed nhưng hồi phục ngay trong phiên chiều và đạt thanh khoản tới hơn 20.000 tỷ đồng.
Rõ ràng, thị trường đã đón nhận những chuyển biến này một cách khá là tích cực. Do đó, ông Ngọc dự báo trong ngắn hạn, thị trường sau khi điều chỉnh giảm và lấy lại cân bằng thì rất có thể sẽ trở lại xu hướng tăng.