Vì đâu Bình Dương thăng hạng vượt bậc, Đà Nẵng liên tiếp tụt dốc, Quảng Ninh, Đồng Tháp tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng PCI 2018?
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) vừa công bố bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tại Việt Nam năm 2018.
Bảng xếp hạng PCI 2018. Nguồn: Báo cáo điều tra PCI 2018 - VCCI.
Trong bảng xếp hạng PCI 2018, Quảng Ninh tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu với thang điểm 70,36 điểm trên thang điểm 100. Đà Nẵng tiếp tục tụt hạng từ vị trí quán quân trong 3 năm liên tục (2014 – 2015 – 2016) xuống vị trí thứ 2 năm 2017 và vị trí thứ 5 năm 2018, nhường các vị trí trong top 4 cho Đồng Tháp, Long An và Bến Tre.
Chính quyền Đà Nẵng giảm năng động khiến PCI tụt mạnh
Trong rổ 10 chỉ số thành phần của PCI, Đà Nẵng có tới 8 chỉ số giảm so với năm 2017 và 3 năm trước đó, chỉ có 2 chỉ số tăng đó là chỉ số tiếp cận đất đai và chỉ số chi phí không chính thức.
Bảng chỉ số PCI Đà Nẵng. Nguồn: Báo cáo điều tra PCI 2018 - VCCI.
Chỉ số tiếp cận đất đai tăng từ 7,11 điểm năm 2017 lên 7,23 điểm năm 2018; chỉ số chi phí không chính thức tăng từ 6,29 lên 6,54 điểm.
3 chỉ số có mức giảm điểm mạnh nhất của Đà Nẵng đó là Gia nhập thị trường, Tính năng động của chính quyền và Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Chỉ số Gia nhập thị trường có mức giảm từ 8,55 xuống còn 7,94 điểm; Tính năng động của chính quyền giảm từ 6,65 về 5,96 điểm và Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp giảm từ 6,93 về 6,30 điểm.
Riêng về chỉ số đào tạo lao động, năm 2018 chỉ số này đứng đầu cả nước với 7,92 điểm. Nhưng so với 2 năm 2016 (7,98 điểm) và 2017 (8,07 điểm) thì chỉ số này cũng đã giảm.
Báo cáo PCI 2018 cho thấy, trong năm vừa qua, Đà Nẵng được các doanh nghiệp đánh giá có cải thiện trong việc giảm chi phí không chính thức cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, đánh giá của doanh nghiệp về chất lượng giải quyết thủ tục hành chính tại thành phố này sụt giảm rõ rệt. Các doanh nghiệp cũng phản ánh về khoảng cách giữa chỉ đạo điều hành của chính quyền thành phố với các sở ngành, huyện thị có sự gia tăng.
Đồng Tháp có môi trường kinh doanh bình đẳng nhất, chính quyền thân thiện
Năm nay, đứng vào vị trí thứ 2 của Đà Nẵng năm trước đó là Đồng Tháp. Năm 2017 Đồng Tháp đứng vị trí thứ 3 với 68,78 điểm, năm nay tỉnh này tiếp tục phá vỡ kỷ lục của chính mình khi đạt 70,19 điểm và xác lập kỷ lục năm thứ 11 liên tiếp nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố đứng đầu PCI cả nước.
Các chỉ số tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động của chính quyền tỉnh, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự tại Đồng Tháp năm 2018 đều tăng so với năm 2017.
Bảng chỉ số PCI Đồng Tháp. Nguồn: Báo cáo điều tra PCI 2018 - VCCI.
Báo cáo PCI 2018 cho biết, thành công này của Đồng Tháp đến từ sự vận hành hiệu quả của bộ máy chính quyền địa phương vốn gặp nhiều khó khăn về vị trí địa lý và cơ sở hạ tầng. Đồng Tháp đang nỗ lực xây dựng thương hiệu địa phương theo ý tưởng giản dị, gần gũi của Bí thư Tỉnh uỷ Lê Minh Hoan: "Thương hiệu (Đồng Tháp) là cái hiệu để người ta thương, mỗi khi nhớ đến, nhắc đến, đều gợi cho mọi người nghĩ về những ấn tượng tốt đẹp".
Người đứng đầu hệ thống chính trị và chính quyền Đồng Tháp này coi nhiệm vụ cần thiết của chính quyền là tạo niềm tin vào tương lai cho khách hàng là người dân và doanh nghiệp bằng sự minh bạch, thân thiện, trung thực và sáng tạo trong cung cấp dịch vụ công. Dường như mục tiêu đó đã lan tỏa tới nhận thức và hành động của cán bộ các cấp chính quyền và được cộng đồng doanh nghiệp địa phương cảm nhận rõ.
Năm 2018, có tới 92% doanh nghiệp tham gia Điều tra PCI tại Đồng Tháp đánh giá cán bộ có thái độ thân thiện trong quá trình giải quyết công việc, 90% nhận thấy cán bộ nhà nước giải quyết công việc hiệu quả - hai chỉ tiêu này của Đồng Tháp cao nhất cả nước. Có lẽ cũng vì vậy, mà các doanh nghiệp dân doanh Đồng Tháp cho biết đang được hoạt động trong môi trường kinh doanh bình đẳng nhất so với các tỉnh, thành phố khác, đo lường bởi chỉ số thành phần Cạnh tranh bình đẳng trong PCI 2018.
Bình Dương thăng hạng vượt bậc
Tuy không nằm trong top 5 mà chỉ đứng ở vị trí thứ 6 nhưng Bình Dương được xem là một trong những tỉnh có mức thăng hạng vượt bậc trong bảng xếp hạng PCI năm nay.
Cụ thể, Bình Dương đã vượt từ vị trí thứ 14 năm 2017 về vị trí thứ 6 với 66,09 điểm.
Bảng kết quả 10 chỉ số thành phần PCI 2018 cho thấy Bình Dương có tới 7 chỉ số tăng so với năm trước, trong đó tăng mạnh nhất là chỉ số Tính năng động của chính quyền tỉnh, từ 6,04 điểm năm 2017 lên 6,85 điểm năm nay. Chỉ số tiếp cận đất đai cũng tăng ấn tượng, từ 6,83 điểm lên 7,12 điểm.
Bảng chỉ số PCI Bình Dương. Nguồn: Báo cáo điều tra PCI 2018 - VCCI.
Trong năm qua, Bình Dương có được những kết quả đánh giá tích cực của doanh nghiệp về sự linh hoạt, sáng tạo của chính quyền tỉnh và tính công khai, minh bạch của môi trường kinh doanh. Cụ thể, 87% doanh nghiệp tham gia điều tra đồng ý với nhận định "UBND tỉnh vận dụng pháp luật linh hoạt nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho kinh tế tư nhân". Con số 87% doanh nghiệp này tăng so với con số 80% năm 2017.
Đồng thời, 76% doanh nghiệp cho biết "UBND tỉnh năng động, sáng tạo trong việc giải quyết vấn đề mới phát sinh", tăng so với 70% năm 2017. Bên cạnh đó, tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng quy trình mua sắm đấu thầu tại tỉnh minh bạch chiếm 59% (năm 2017 là 47%) và 81% doanh nghiệp cho biết nhận được thông tin sau yêu cầu các cơ quan của tỉnh cung cấp (năm 2017 là 62%).
Quảng Ninh đứng đầu cả nước về giải quyết thủ tục hành chính đất đai
Quảng Ninh tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng với 70,36 điểm, đây là năm thứ 2 liên tiếp tỉnh này có được vị trí quán quân trên bảng xếp hạng PCI. Trong năm vừa qua, sức nóng cải cách môi trường kinh doanh tiếp tục được Quảng Ninh duy trì qua nhiều nỗ lực, chẳng hạn như thực hiện phương thức "4 tại chỗ" (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, trả kết quả) khi giải quyết TTHC tại Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh và cấp huyện, thành phố đồng thời kết hợp với việc thực hiện đánh giá năng lực cạnh tranh của các sở ngành, huyện thị và triển khai đối thoại doanh nghiệp thường xuyên qua mô hình Café Doanh nhân nhằm giải quyết kịp thời vướng mắc khó khăn cho doanh nghiệp.
Kết quả đạt được từ những nỗ lực này rất đáng được ghi nhận. Năm vừa qua, có tới 80% doanh nghiệp trả lời điều tra PCI tại Quảng Ninh cho biết thời gian thực hiện thủ tục hành chính được rút ngắn hơn so với quy định và 74% doanh nghiệp đánh giá thủ tục giấy tờ đơn giản (cao nhất cả nước). Một lĩnh vực thường khiến nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư khó hài lòng như thủ tục hành chính đất đai, thì có 65% doanh nghiệp của Quảng Ninh từng thực hiện thủ tục này trong vòng 2 năm qua tại đây không gặp khó khăn. Quảng Ninh cũng đứng đầu cả nước về chỉ tiêu này.
Môi trường kinh doanh của Quảng Ninh đang thay đổi theo hướng minh bạch hơn, chỉ 53% doanh nghiệp cho biết cần có 'mối quan hệ' để có được các tài liệu của tỉnh, là con số thấp nhất so với các tỉnh, thành phố còn lại trên cả nước.
Chính quyền năng động và Tiếp cận đất đai tốt giúp năng lực cạnh tranh của tỉnh thăng hạng
Bản điều tra PCI 2018 cũng cho thấy Cần Thơ sau khi nỗ lực lọt được vào top 10 năm 2017 thì năm nay đã bị loại ra khỏi top 10, nằm ở vị trí số 11 với 64,98 điểm. Điểm chỉ số thành phần PCI của Cần Thơ cho thấy 2 chỉ số có mức điểm giảm mạnh nhất đó là chỉ số Gia nhập thị trường và Tính năng động của chính quyền.
Hà Nội xếp thứ 9, đạt 65,40 điểm, tăng 4 bậc so với vị trí thứ 13 của năm 2017. Đây là thứ hạng cao nhất Hà Nội đạt được từ trước đến nay. Năm nay Hà Nội có chỉ số Tính năng động của chính quyền tăng mạnh từ 4,10 lên 5,13 điểm; chỉ số Tiếp cận đất đai cũng tăng đáng kể từ 5,32 lên 5,87 điểm.
Bảng chỉ số PCI Hà Nội. Nguồn: Báo cáo điều tra PCI 2018 - VCCI.
Như vậy, nhìn từ bảng chỉ số thành phần PCI của các tỉnh thành nêu trên và nhiều tỉnh thành khác có thể thấy, hai trong những yếu tố quan trọng để các địa phương có được chỉ số năng lực cạnh tranh cao đó là cải thiện Tính năng động của chính quyền và việc Tiếp cận đất đai. Ngoài ra, các chỉ số như chi phí không chính thức (đặc biệt là tham nhũng vặt...); cạnh tranh bình đẳng; tính minh bạch... cũng là những yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh của các tỉnh thành.