VDSC: Tỉ lệ an toàn vốn của hệ thống ngân hàng Việt Nam thấp nhất ASEAN
Hệ số an toàn vốn đã chạm ngưỡng thiếu an toàn |
Ảnh minh họa |
Trong báo cáo chiến lược mới đây, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định gia tăng nguồn vốn chủ, giảm tỉ lệ nợ xấu, tăng cường kiểm soát và quản lí rủi ro là những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của thị trường tài chính Việt Nam trong giai đoạn 2019 - 2020.
Theo VDSC, hiện tỉ lệ đòn bẩy trên thị trường tài chính Việt Nam khá cao và nguồn vốn chủ mỏng. Cụ thể, tỉ lệ an toàn vốn (CAR) đang là điểm nghẽn đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam, chỉ đạt 12% tính đến tới cuối năm 2017. Đây là mức thấp nhất trong khu vực ASEAN và chỉ cao hơn Bangladesh.
Tỉ lệ an toàn vốn cấp 1 cũng không khá hơn. Hiện tại, tỉ lệ an toàn vốn của Việt Nam đang được tính theo tiêu chuẩn Basel I trong khi phần lớn các quốc gia trong khu vực đang thực hiện Basel II. Nếu tính lại theo tiêu chuẩn cao hơn này, hệ số CAR của Việt Nam có thể thấp hơn.
Thời điểm áp dụng Basel II (phương pháp tiêu chuẩn) cho các ngân hàng Việt Nam đã chính thức được xác định từ năm 2020 và 10 ngân hàng thí điểm (Vietcombank, BIDV, VietinBank, Techcombank, ACB, VPBank, MB, MaritimeBank, Sacombank và VIB) có thể sẽ hoàn tất sớm hơn.
Hiện tại, đã có 3 ngân hàng đã được NHNN chấp thuận việc áp dụng từ năm 2019 là Vietcombank, VIB và OCB.
Bên cạnh đó, việc phát hành tăng vốn của Vietcombank và BIDV đang đi đến những bước cuối cùng và kỳ vọng sẽ hoàn tất trong năm 2019. Trong trường hợp thành công, vốn chủ sở hữu của cả hai ngân hàng sẽ ở quanh mức 1,7 tỉ USD.
VDSC đánh giá, trên phương diện vi mô, các thương vụ tăng vốn sẽ nâng cao khả năng chống chọi của từng ngân hàng, qua đó có thể giúp các ngân hàng tiệm cận sớm hơn với Basel II nâng cao.
Trên phương diện vĩ mô, độ ổn định tài chính cũng được gia tăng. Các thương vụ "tỉ đô" này sẽ hỗ trợ công cuộc quản lý và ổn định tỉ giá. Qua đó, công ty chứng khoán này nhận định tỉ giá sẽ dao động mạnh và mức độ mất giá trong trường hợp cơ bản ở mức 3% trong năm 2019.
Ngoài ra, vấn đề nợ xấu cũng cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Tỉ lệ nợ xấu của Việt Nam cao hơn tương đối so với các quốc gia trong khu vực. Tỉ lệ nợ xấu ở quanh mức 5,3% tổng dư nợ và tỉ lệ dự phòng rủi ro/nợ xấu đạt 47%. Trong khi đó, theo báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia thì tỉ lệ nợ xấu tính đến cuối năm 2017 vẫn là 9,5%, giảm từ 11,9% năm 2016.
“Tốc độ xử lý nợ xấu có thể sẽ chậm dần khi nền kinh tế đang trong giai đoạn cuối của chu kỳ tăng trưởng. Mặt khác, thị trường bất động sản chậm lại là điểm nhấn quan trọng khi hầu hết tài sản đảm bảo ở dạng bất động sản.” VDSC cho biết
Trong khi đó, nhiều ngân hàng thương mại, đặc biệt các ngân hàng tập trung vào lĩnh vực tài chính tiêu dùng đang ghi nhận sự trở lại của nợ xấu sau một giai đoạn bùng nổ trước đó khi tỉ lệ nợ xấu nhóm 5 tăng rất mạnh tại một số nhà băng lớn.