|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

VDSC: Tăng trưởng cung tiền năm 2022 chưa bằng một nửa tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2013-2021

07:31 | 01/12/2022
Chia sẻ
Tốc độ tăng cung tiền liên tục suy giảm, chỉ tăng 3,2% so với đầu năm và tăng 7,4% so với cùng kỳ, chưa bằng một nửa tốc độ tăng trưởng bình quân cung tiền của giai đoạn 2013-2021.

Tăng trưởng cung tiền năm 2022 chưa bằng một nửa tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2013-2021  

Báo cáo thị trường tiền tệ mới đây của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết tăng trưởng cung tiền năm 2022 chưa bằng một nửa so với tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2013-2021.

Cụ thể, tăng trưởng huy động tính đến cuối tháng 9/2022 ước đạt 8,3% so với cùng kỳ. Trong đó, huy động vốn từ các tổ chức kinh tế tăng trưởng 10%, so với mức bình quân 17,9% giai đoạn 2013-2021. Huy động vốn từ dân cư chỉ tăng 6,5% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng trung bình 13,3% trong giai đoạn 2013-21.

Xét về xu hướng, tăng trưởng huy động vốn từ doanh nghiệp liên tục suy giảm từ đầu năm đến nay, huy động vốn từ dân cư cải thiện trong nửa đầu năm nhưng không thay đổi nhiều trong quý III. Tốc độ tăng cung tiền liên tục suy giảm, chỉ tăng 3,2% so với đầu năm và tăng 7,4% so với cùng kỳ, chưa bằng một nửa tốc độ tăng trưởng bình quân cung tiền của giai đoạn 2013-2021.

Về tín dụng, VDSC cho biết với đợt cấp room tín dụng đầu tháng 9, quy mô tín dụng trong tháng 9 đã tăng 112.006 tỷ đồng so với tháng 8. So với đầu năm, tăng trưởng tín dụng cải thiện từ mức 10% vào cuối tháng 8 lên 11% vào cuối tháng 9.

Tính đến cuối tháng 9/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 16,9%, cao hơn mục tiêu 14% của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

 

Áp lực thanh khoản dịu bớt trong tháng 11/2022 

Từ đầu tháng 11 đến 25/11, NHNN đã bơm ròng qua thị trường mở khoảng 23.288 tỷ đồng, thấp hơn đáng kể lượng bơm ròng 50.381 tỷ đồng trong tháng 10/2022.

Lượng tiền bơm ròng bình quân mỗi phiên qua nghiệp vụ mua kỳ hạn đạt khoảng 5.654 tỷ đồng, thấp hơn mức bình quân khoảng 6.000 tỷ đồng/phiên trong tháng trước. Nghiệp vụ phát hành tín phiếu NHNN được sử dụng với tần suất nhiều hơn trong giai đoạn 15/11-18/11.

Theo VDSC, điểm khác biệt nhất trong điều hành trên thị trường mở của NHNN trong tháng vừa qua là kỳ hạn bơm/hút vốn kéo dài hơn, chủ yếu là kỳ hạn 14 ngày đối với nghiệp vụ mua kỳ hạn, và kỳ hạn lên đến 28 ngày đối với nghiệp vụ phát hành tín phiếu. Tính đến ngày 25/11, số dư nghiệp vụ mua kỳ hạn và tín phiếu lần lượt là 72.971 tỷ đồng và 40.000 tỷ đồng, thấp hơn 16% và 48% so với cuối tháng 10.

Ngoài ra, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng có nhịp giảm vào giữa tháng, cùng thời điểm NHNN phát hành tín phiếu trở lại để hút tiền, tuy nhiên đã tăng lại ngay sau đó.

Theo chuyên gia VDSC đánh giá, nhìn chung, nhu cầu thanh khoản của hệ thống vẫn ở mức cao nếu xét thêm số lượng thành viên tham gia các phiên đấu thầu ở kênh mua kỳ hạn. NHNN vẫn tiếp tục hỗ trợ thanh khoản nhưng với cường độ giảm bớt so với tháng trước, điều này cho thấy áp lực thanh khoản phần nào giảm bớt nhưng sẽ còn kéo dài.

 

Huy động vốn trong trong nền kinh tế vẫn tăng rất chậm 

VDSC cho biết huy động vốn trong trong nền kinh tế vẫn tăng rất chậm. Tính đến cuối tháng 10/2022, huy động vốn ước tăng 4,8% so với đầu năm, cao hơn mức tăng 4,3% cuối tháng 9/2022. Xét về số tuyệt đối, huy động vốn tháng 10 chỉ tăng thêm 50.383 tỷ đồng so với mức tăng 95.210 tỷ đồng của tháng trước.

VDSC nhận định một số nguyên nhân khiến huy động vốn tăng chậm gồm sức khoẻ doanh nghiệp suy giảm, sự chững lại của kênh bất động sản và tiết kiệm của người dân bị ảnh hưởng bởi giá cả tiêu dùng gia tăng.

Một số vấn đề khiến cho việc cho vay có thể không được như kỳ vọng, gồm chủ trương hạn chế cho vay lĩnh vực rủi ro như bất động sản hay đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp đến hạn, rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu khiến doanh nghiệp hạn chế đầu tư mà tập trung vào phòng thủ; và nguồn vốn huy động đang bị xói mòn bởi tăng trưởng kinh tế giảm sút.

 

Ngoài ra, cuộc đua tăng lãi suất huy động trở nên nóng hơn trong tháng qua. Điều này được kích hoạt bởi việc đổ vỡ niềm tin khiến nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp rút tiền hàng loạt.

Theo đó, các ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) tư nhân, đặc biệt là những ngân hàng có tham gia nhiều vào việc bảo lãnh phát hành trái phiếu đã điều chỉnh tăng lãi suất rất mạnh trong tháng qua. Mức lãi suất huy động trên 10%/năm đã xuất hiện ở một số ngân hàng top dưới như NCB và SaigonBank.

Trong khi đó, VDSC cho biết các NHTMCP nhà nước ít chịu áp lực huy động hơn và chỉ ghi nhận một lần tăng lãi suất trong tháng 10 sau quyết định nâng lãi suất điều hành của NHNN.

Nhu cầu vốn đáp ứng hoạt động kinh doanh và thanh toán thời điểm cuối năm kết hợp với áp lực từ việc rút vốn khỏi kênh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp sẽ khiến cho vòng xoáy tăng lãi suất huy động tiếp diễn, kéo theo lãi suất cho vay tăng vượt qua mức trước đại dịch dù nền kinh tế chỉ mới vừa phục hồi sau COVID-19.

 

Huyen Vi