VDSC: Quá trình thoái vốn Nhà nước tại VietinBank khó có thể hoàn thành trước 2020
Khoản 'lãi khủng' IFC thu được sau hơn 7 năm đầu tư vào VietinBank | |
Khó có 'phép màu' cho Vietcombank, VietinBank và BIDV |
Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Ảnh: VietinBank). |
"Quá trình thoái vốn nhà nước xuống 51% không thể đạt được trước năm 2020"
Theo quyết định 986 ngày 8/8 về việc phê duyệt chiến lược phát triển của ngành Ngân hàng Việt Nam đã đề cập đến kế hoạch thoái vốn tại các ngân hàng thương mại Nhà nước xuống còn 51%, trong đó có Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank - Mã: CTG).
Theo đánh giá của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), quá trình này sẽ không thể đạt được đến năm 2020 hoặc muộn hơn, điều này sẽ mang lại hi vọng mới cho khả năng tăng vốn của VietinBank.
Tỷ lệ CAR của VietinBank hiện đang tiệm cận mức tối thiểu theo yêu cầu của Thông Tư 36 và dưới chuẩn Basel II. Đều này khiến nhu cầu tăng vốn cấp 1 của ngân hàng này đang ở mức khá cao. Việc tăng quỹ dự phòng chung sẽ phần nào bổ sung vốn tự có, nhưng như vậy vẫn chưa đủ.
Do đó, việc tăng vốn điều lệ vẫn là yêu cầu cấp thiết. Tuy vậy, biện pháp này không dễ thực hiện đối với trường hợp của VietinBank bởi sở hữu nhà nước đã ở mức tối thiểu 65% và Chính phủ đã quyết định không dùng Ngân sách Nhà nước để đầu tư vào các ngân hàng thương mại.
Mới đây, một nguồn tin quốc tế cho biết cổ đông lớn IFC của VietinBank đang tìm cách thoái vốn tại ngân hàng này. Số cổ phiếu CTG mà tổ chức này sở hữu thông qua IFC và Quỹ Đầu tư cấp vốn IFC - IFC Capitalization (Equity) Fund, L.P là gần 299 triệu cổ phiếu, tương đương 8,02% vốn cổ phần ngân hàng.
Áp lực từ chi phí dự phòng do nợ nhóm 3 và nhóm 5 tăng cao
Theo phân tích VDSC, chi phí dự phòng cao là một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận VietinBank trong nửa đầu năm.
Nợ nhóm 3 đã tăng mạnh 59% so với cuối năm trước và có nguy cơ cao loại nợ này bị đẩy xuống nhóm 4 và nhóm 5 trong tương lai gần. VDSC cho rằng chi phí dự phòng sẽ tiếp tục tạo áp lực không nhỏ lên kết quả lợi nhuận của ngân hàng, ít nhất là trong vòng 5 tới 6 quý tiếp theo.
Trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ nợ xấu VietinBank dừng ở mức 1,3% tăng 25% so với cùng kỳ và phần lớn đến từ việc tăng của những khoản nợ nhóm 3 và nhóm 5. Đáng chú ý mặc dù ngân hàng đã mua lại toàn bộ trái phiếu đặc biệt VAMC trong quý I/2018 (khoảng 500 tỷ đồng) nhưng vẫn trích lập dự phòng khoảng 4.400 tỷ đồng cho các khoản nợ xấu trong bảng cân đối kế toán.
Nhờ vậy, tỷ lệ dự phòng trên nợ xấu đã cải thiện tăng từ 92% cuối năm 2017 lên 111% cuối quý II/2018.
Cùng với đó, cho vay và huy động khách hàng tăng lần lượt 9,7% và 13,2% so với cuối năm trước. Xu hướng này trái ngược với năm ngoái (khi huy động khách hàng tăng chậm hơn so với cho vay). VietinBank cũng đã giảm tỷ trọng các khoản vay của doanh nghiệp nước ngoài và dành hạn mức tín dụng cho nhóm khách hàng SME và bán lẻ.
Trong nửa đầu năm 2018, dư nợ cho vay khách hàng SME và cá nhân của ngân hàng tăng lần lượt là 11% và 13,5% so với cuối năm 2017. Ngân hàng đặt mục tiêu hai nhóm này sẽ chiếm 30% và 25% tổng dư nợ vào năm 2020.
Trong kỳ, VietinBank đã phát hành khoảng 8.600 tỷ đồng trái phiếu dài hạn khiến cho chi phí vốn tăng nhanh hơn lợi suất tài sản sinh lãi. Do đó, tỷ lệ NIM của ngân hàng giảm xuống còn 2,7%.
VDSC cho rằng thu nhập dịch vụ sẽ tăng trưởng 20 - 25%/năm trong hai đến ba năm tới nhờ đóng góp cao hơn từ thu phí dịch vụ, thẻ ngân hàng, bảo hiểm, giao dịch và chứng khoán,... Trong nửa đầu năm 2018, thu nhập dịch vụ thuần của VietinBank tăng 32 % so với cùng kỳ và chiếm khoảng 7% tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng.