|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

VDSC: Không loại trừ khả năng xuất khẩu tăng trưởng âm năm 2023

10:44 | 18/01/2023
Chia sẻ
Triển vọng xuất khẩu của năm 2023 tương đối bi quan. Trong kịch bản cơ sở, VDSC dự báo xuất khẩu trong năm 2023 chỉ tăng dưới 5% và không loại trừ khả năng tăng trưởng âm.

Tăng trưởng xuất nhập khẩu năm 2022 thấp hơn nhiều so với 2021

Trong báo cáo vừa công bố, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng tháng 12/2022 khép lại bức tranh thương mại Việt Nam với những tín hiệu kém khả quan.  

Tính chung cả năm, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu đạt lần lượt 371,3 tỷ USD và 358,9 tỷ USD, tương ứng tăng 10,5% và 7,8% so với cùng kỳ.

Mức tăng trưởng này thấp hơn đáng kể so với năm 2021 nhưng vẫn cao hơn mức tăng trưởng thương mại giai đoạn 2019-2020.

Thặng dư thương mại cả năm 2022 đạt 11,6 tỷ USD, cao gấp ba lần mức thặng dư thương mại của năm 2021, trong đó thặng dư thương mại của khối FDI cao kỷ lục (39,7 tỷ USD) và thâm hụt thương mại của khối doanh nghiệp nội địa cũng cao kỷ lục (28,2 tỷ USD).

 

 

Tỷ trọng đóng góp của nhóm hàng điện tử đã giảm 

Theo VDSC, cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu chính yếu của Việt Nam không thay đổi nhiều trong năm 2022.

Tuy nhiên, xét ba năm gần nhất thì tỷ trọng đóng góp của nhóm hàng điện tử đã giảm, bù lại là sự gia tăng trong đóng góp của xuất khẩu máy móc thiết bị và các sản phẩm chế biến chế tạo khác.

Trong năm vừa qua, mặt hàng máy móc thiết bị ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất (19,4% so với cùng kỳ), tiếp đến là nhóm dệt may, giày dép, túi xách (18,5% so với cùng kỳ) và sản phẩm công nghiệp chế biến chế tạo khác (17,7% so với cùng kỳ).

 

Trong khi đó, mức tăng thấp nhất lại ghi nhận ở xuất khẩu nhóm hàng điện tử, chỉ tăng 5,6% so với cùng kỳ. Xét ở mức độ đóng góp, ngành dệt may, giày dép, túi xách được xem là trụ cột cho tăng trưởng xuất khẩu của năm 2022, chủ yếu nhờ sự phục hồi của doanh nghiệp trong lĩnh vực này sau COVID-19.

Tuy nhiên, thực tế là xuất khẩu của nhóm ngành này đã suy giảm trong tháng 11-12/2022, sự suy yếu trong hoạt động xuất khẩu hiện tại không loại trừ nhóm hàng nào, tuy nhiên, mức độ sụt giảm phân hoá, giảm mạnh nhất là nhóm hàng điện tử, sắt thép, giảm vừa có dệt may và máy móc thiết bị, mức suy giảm thấp nhất là nông lâm nghiệp thuỷ sản, gỗ và sản phẩm công nghiệp chế biến chế tạo khác.

Về thị trường, trong những năm gần đây, cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam mở rộng ở thị trường Mỹ và ASEAN, thu hẹp mạnh nhất ở thị trường Trung Quốc và các thị trường phát triển ở Đông Á như Hàn Quốc và Nhật Bản.

 

Hiện tại, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ chiếm 29,5% tổng kim ngạch xuất khẩu và thị trường Trung Quốc cao thứ hai ở mức 15,5%.

Xét ở khía cạnh tăng trưởng thì nhu cầu từ thị trường Nhật Bản cải thiện đáng kể nhất trong năm 2022 (20,4% so với cùng kỳ), tiếp đến là ASEAN (17,8%) và EU (16,5%). Ba thị trường đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng xuất khẩu của năm 2022 là Mỹ, EU và ASEAN.

Triển vọng xuất khẩu của năm 2023 tương đối bi quan 

VDSC cho rằng năm 2023 khởi đầu với nhiều dự cảm về một bức tranh ảm đạm trong tăng trưởng kinh tế thế giới, duy có điểm sáng là Trung Quốc mở cửa trở lại là điểm tựa của tăng trưởng kinh tế nói chung và tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam. Trong năm 2022, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc chỉ tăng 3,2%.

Với mức tăng trưởng dự báo thấp cho các thị trường xuất khẩu chính và sự phục hồi của Trung Quốc sau khi mở cửa còn nhiều bất định, triển vọng xuất khẩu của năm 2023 tương đối bi quan. Trong kịch bản cơ sở, VDSC dự báo xuất khẩu trong năm 2023 chỉ tăng dưới 5% và không loại trừ khả năng tăng trưởng âm.

Dù bức tranh chung không tích cực, khối phân tích cho rằng vẫn có một số điểm tựa để kỳ vọng sự xoay chiều trong dự báo.

Thứ nhất, vốn FDI giải ngân cho năm 2022 vẫn khá tốt, đạt 22,4 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ; FDI giải ngân đã phục hồi sau khi tăng trưởng âm trong giai đoạn COVID-19 và cũng cao hơn đáng kể so với tăng trưởng của giai đoạn 2016-2019.

Thứ hai, lạm phát toàn cầu đang có dấu hiệu hạ nhiệt nhanh hơn kỳ vọng, điều này có thể giúp nhu cầu từ bên ngoài có cơ hội phục hồi khi lạm phát giảm về mức thấp hơn năm 2022.

Yếu tố thứ ba, theo VDSC, Trung Quốc đang mở cửa nhanh hơn dự báo, khả năng nền kinh tế nước này có sự chuyển biến mạnh mẽ về tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 có lẽ không nằm trong dự liệu của nhiều nhà phân tích.    

Anh Đào