|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

VDSC điểm tên những ngân hàng có khả năng tăng trưởng mạnh nhất quý III

15:05 | 07/10/2024
Chia sẻ
Theo VDSC, VPBank, VietinBank và HDBank sẽ là ba ngân hàng có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao nhất trong quý III. Tính chung 10 doanh nghiệp trong danh sách theo dõi, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sẽ đạt 29%.

Trong báo cáo chiến lược tháng 10, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo tăng trưởng lợi nhuận quý III/2024 của các ngân hàng thuộc danh mục theo dõi đạt 29%so với cùng kỳ. Dự kiến, mức tăng trưởng lũy kế 9 tháng năm 2024 ở mức 18% và tăng trưởng lợi nhuận cả năm sẽ là 17%. 

Cụ thể, một số ngân hàng như VPBank, VietinBank, HDBank được kỳ vọng có khả năng tăng trưởng lợi nhuận cao nhất trong quý III, với tốc độ tăng trưởng lần lượt đạt 124%, 72% và 36%. Ngoài ra, nhóm ngân hàng có thể đạt tăng trưởng ở mức khá (từ 15 đến 25%) bao gồm BIDV, Techcombank, ACB và MB. Những ngân hàng như Vietcombank, VIB và OCB kỳ vọng sẽ có mức tăng trưởng dưới 10%.

 

Trong nhóm 10 ngân hàng thuộc danh sách theo dõi, VDSC khuyến nghị đầu tư ba cổ phiếu là VPBank, Techcombank và VietinBank.

Với VPBank, các chuyên viên phân tích đánh giá việc danh mục cho vay của FE Credit được tái cấu trúc sẽ giúp cải thiện chất lượng, giảm chi phí tín dụng và nâng cao tăng trưởng lợi nhuận trước thuế hợp nhất. Ngoài ra, nhu cầu tín dụng bán lẻ cũng dự kiến tăng dần từ nửa sau 2024. VDSC kỳ vọng lợi nhuận sau thuế của VPBank trong quý III ước đạt 4.338 tỷ đồng, tăng 80% so với cùng kỳ. 

Với VietinBank, VDSC dự kiến việc hoàn nhập dự phòng đối với các khoản nợ lớn trong quý III sẽ giúp chi phí tín dụng giảm mạnh, đưa tăng trưởng lợi nhuận cao đột biến trong ngắn hạn. 

Đồng thời, chi phí tín dụng được kỳ vọng giảm dần trong dài hạn khi VietinBank trong giai đoạn cuối cùng của chu kỳ làm sạch cân đối thông qua việc tăng trưởng trích lập khoản vay của nhiệm kỳ lãnh đạo trước. VDSC cho rằng lợi nhuận sau thuế của ngân hàng sẽ đạt 7.000 tỷ đồng, tăng 62%. 

Trong trường hợp của Techcombank, các chuyên viên phân tích dự kiến thị trường bất động sản ấm lên giúp hệ sinh thái khách hàng doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực này của ngân hàng giảm bớt rủi ro thanh khoản, đưa biên lãi thuần (NIM) phục hồi. Lợi nhuận sau thuế quý III ước đạt 4.433 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ. 

Vì sao lợi nhuận quý III vượt trội?

Theo VDSC, quý III/2023 là thời điểm NIM tạo đáy, tín dụng tăng chậm do cả cung lẫn cầu đều có nhiều yếu tố giới hạn, chi phí tín dụng tạo đỉnh. Sang đến quý III năm nay, VDSC dự báo tăng trưởng tín dụng các ngân hàng thuộc danh mục theo dõi ước đạt 10,5% so với đầu năm hay tăng 19,4% so với cùng kỳ và 2,3% so với quý liền trước. 

Tăng trưởng đạt mức cao trong bối cảnh nhu cầu tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng tiếp tục phục hồi. Ngoài ra, việc ngân hàng được cấp thêm hạn mức tín dụng (room tín dụng) nếu đạt 80% cũng là động lực giúp các ngân hàng đẩy nhanh cho vay. 

NIM quý III ước đạt 4,58%. (Ảnh: VDSC).

Ngoài ra, NIM quý III dự kiến tăng nhẹ so với quý trước khi chất lượng tài sản cải thiện trên cơ sở tái ghi nhận nguồn thu lãi đã thoái trước đó. VDSC nhận định rằng tác động từ diễn biến của lãi suất đầu vào và đầu ra ít có khả năng thay đổi đáng kể NIM trong quý này. Theo đó, NIM quý III của các ngân hàng trong danh sách theo dõi ước tính tăng 0,2 điểm % so với cùng kỳ, lên 4,58%.

Theo các chuyên viên phân tích, chi phí tín dụng sẽ không gây áp lực lớn lên lợi nhuận trong quý III năm nay khi chất lượng tài sản được cải thiện sau khi nợ nhóm 2, 3 và 4 đều bắt đầu đi xuống trong quý II vừa qua. 

Minh Quang

Thủ tướng yêu cầu tiết kiệm chi để đầu tư phát triển
Các bộ ngành, địa phương phải nâng kỷ cương ngân sách, triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên để dành nguồn cho đầu tư phát triển, an sinh, theo Thủ tướng.