|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

VCCI: Yêu cầu cao liệu có hạn chế đầu tư vào ngành ngân hàng?

12:00 | 30/07/2023
Chia sẻ
VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng giảm các điều kiện về vốn chủ sở hữu và tổng tài sản với doanh nghiệp nhận chuyển nhượng vốn góp tại ngân hàng liên doanh.

Ngân hàng HSBC Việt Nam. Ảnh: BNEWS

Phản hồi đề nghị của Cơ quan Thanh tra, Giám sát Ngân hàng về việc góp ý, hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về cấp giấy phép, tổ chức, hoạt động và hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận một số nội dung thay đổi của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; đồng thời, trên cơ sở tổng hợp ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng, còn nhiều điểm chưa hợp lý cần cơ quan soạn thảo bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn.

Cụ thể như liên quan tới nội dung, điều kiện của đối tác chuyển nhượng mới là doanh nghiệp phi ngân hàng, dự thảo quy định các điều kiện về vốn chủ sở hữu và tổng tài sản với đối tác chuyển nhượng mới là doanh nghiệp không phải ngân hàng cần phải có vốn chủ sở hữu tối thiểu 1.000 tỷ đồng, tổng tài sản tối thiểu  2.000 tỷ đồng với trường hợp nhận góp vốn từ 1% đến dưới 5%; vốn chủ tối thiểu 200 tỷ đồng, tổng tài sản tối thiểu 400 tỷ đồng với trường hợp nhận góp vốn từ 1% đến dưới 5%.

Quy định này là tương đối cao khi so sánh với các yêu cầu có tính chất tương đồng, điều kiện về năng lực kinh tế của cổ đông trong nước sáng lập ngân hàng thương mại cổ phần/ngân hàng liên doanh chỉ là có vốn chủ sở hữu 500 tỷ đồng và không yêu cầu về tổng tài sản.

Điều kiện về năng lực kinh tế của ngân hàng thương mại nhận chuyển nhượng vốn của ngân hàng thương mại cũng chỉ là vốn chủ sở hữu 500 tỷ đồng.

Nói cách khác, yêu cầu về vốn chủ sở hữu với doanh nghiệp nhận chuyển nhượng tại ngân hàng liên doanh cao gấp đôi so với yêu cầu với doanh nghiệp sáng lập ngân hàng thương mại. Ngoài ra, doanh nghiệp nhận chuyển nhượng còn phải đáp ứng yêu cầu về tổng tài sản.

Trong khi đó, về quyền sở hữu doanh nghiệp thì các doanh nghiệp này chỉ được mua tối đa dưới 5% vốn góp của ngân hàng liên doanh, đồng nghĩa với việc quyền sở hữu ngân hàng rất thấp. Cách thiết kế như vậy sẽ hạn chế rất nhiều nhà đầu tư tiềm năng có nhu cầu tham gia vào lĩnh vực này; cũng như hạn chế sự lựa chọn của thành viên góp vốn.

Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng giảm các điều kiện về vốn chủ sở hữu và tổng tài sản với doanh nghiệp nhận chuyển nhượng vốn góp tại ngân hàng liên doanh, cân nhắc mức tương tự như với chủ thể trong nước khác.

Đối với trường hợp doanh nghiệp phi ngân hàng tham gia thành lập ngân hàng liên doanh, dự thảo quy định điều kiện với thành viên sáng lập của ngân hàng liên doanh, nhưng chỉ có quy định với đối tượng là tổ chức tín dụng nước ngoài, ngân hàng thương mại Việt Nam mà không có quy định với thành lập/sáng lập là các doanh nghiệp không phải ngân hàng. Như vậy, có thể hiểu là các doanh nghiệp không phải ngân hàng chưa được tham gia thành lập hoặc là thành viên sáng lập của ngân hàng liên doanh. Quy định này là chưa hợp lý.

Theo VCCI, dự thảo đã quy định ngân hàng liên doanh được thành lập thông qua vốn góp của bên Việt Nam là doanh nghiệp Việt Nam, ngân hàng và bên nước ngoài là ngân hàng nước ngoài. Theo cách quy định như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam có thể là một bên tham gia sáng lập ngân hàng liên doanh. Việc không có quy định chi tiết về yêu cầu và điều kiện của doanh nghiệp phi ngân hàng sẽ tạo ra rào cản trong việc tham gia góp vốn của nhóm này.

Thêm nữa, dự thảo đã cho phép các doanh nghiệp không phải ngân hàng được nhận chuyển nhượng phần vốn góp để trở thành thành viên góp vốn của ngân hàng, với tỷ lệ nhận chuyển nhượng nhỏ. Việc này đồng nghĩa cho phép doanh nghiệp phi ngân hàng tham gia sở hữu một phần ngân hàng nhưng không đóng vai trò chi phối. Khi đó, nếu doanh nghiệp được tham gia thành lập ngay từ đầu cũng sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của ngân hàng liên doanh.

Xuất phát từ phân tích đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc sửa đổi quy định này theo hướng bổ sung điều kiện với các doanh nghiệp không phải ngân hàng.

Ngọc Quỳnh

Khối ngoại chưa dừng bán ròng tuần VN-Index hồi phục
Bất chấp xu hướng hồi phục của TTCK, NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng gần 5.200 tỷ đồng trên HOSE. Điểm sáng là trong phiên cuối tuần khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 31 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng đầu tiên sau 21 ngày bán ròng liên tiếp.