|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

VCCI: Không nên áp dụng hạn mức ví điện tử 20 triệu đồng/ngày

20:35 | 04/06/2019
Chia sẻ
Nhiều loại hàng hoá, dịch vụ như đồ điện tử gia dụng, điện thoại di động, laptop, vé máy bay, đặt phòng khách sạn, tour du lịch… có mức chi trả vượt quá hạn mức 20 triệu đồng.

Việc đặt ra hạn mức giao dịch của ví điện tử đối với khách hàng cá nhân không quá 20 triệu đồng/ngày (không quá 100 triệu đồng/tháng), doanh nghiệp tối đa 100 triệu đồng/ngày sẽ khiến khách hàng buộc phải duy trì 2 hay nhiều tài khoản thanh toán cùng một lúc. Điều này gây tốn kém chi phí xã hội rất lớn và không phù hợp với xu hướng phát triển của kinh tế số.

Đây là một trong những góp ý của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong văn bản gửi Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39 hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán.

VCCI: Không nên áp dụng hạn mức ví điện tử 20 triệu đồng/ngày - Ảnh 1.

Nhiều sản phẩm, dịch vụ như laptop, điện thoại di động... có mức chi trả hơn 20 triệu đồng. Ảnh: NLĐ

Theo đó, quy định về hạn mức giao dịch ví điện tử sẽ hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp và không phù hợp với nhu cầu sử dụng ví điện tử của khách hàng, đặc biệt là hạn mức theo ngày. VCCI đề xuất việc xác định hạn mức thanh toán nên để khách hàng tự lựa chọn phù hợp với nhu cầu của mỗi cá nhân, tổ chức. Khi khách hàng đăng ký dịch vụ đơn vị cung cấp ví sẽ mặc định hạn mức chi trả tương ứng với quy định của dự thảo và cho phép khách hàng được điều chỉnh theo nhu cầu.

Về dự thảo của NHNN quy định mỗi khách hàng chỉ được mở 1 ví điện tử tại một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. VCCI cho rằng các doanh nghiệp và khách hàng sẽ tự đánh giá được sự lãng phí hay cần thiết của việc mở thêm ví mới. Đối với hoạt động thanh toán qua NH, hiện không có quy định nào hạn chế số tài khoản thanh toán một khách hàng được mở tại một NH.

"Việc mở nhiều ví hoặc nhiều tài khoản thanh toán phù hợp với nhu cầu của một số khách hàng như cá nhân kinh doanh có một ví dành cho chi tiêu cá nhân và một ví dành cho hoạt động kinh doanh; hoặc một số doanh nghiệp cần tách bạch chi phí cho nhân viên, chi phí hoặc doanh thu cho đại lý bán lẻ, hoặc chi phí cho từng chương trình khuyến mãi… Do đó, đề nghị bỏ quy định về hạn chế số lượng ví điện tử" - đại diện VCCI góp ý.

Chiều 4-6, trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN, cho biết đang xem xét bỏ quy định hạn mức giao dịch ví điện tử của cá nhân tối đa 20 triệu đồng/ngày sau khi ghi nhận ý kiến góp ý nhằm tạo thuận lợi cho người dùng. Riêng hạn mức giao dịch tối đa 100 triệu đồng/tháng của cá nhân là cần thiết. Thực tế hiện giao dịch bình quân ví điện tử chỉ khoảng 1,7 triệu đồng/tháng, do đó, quy định của NHNN nhắm đến các hoạt động bất thường chứ không phải mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt.

Định danh người dùng ví là bắt buộc

Theo ông Phạm Tiến Dũng, định danh khách hàng là yêu cầu bắt buộc tại dự thảo thông tư mới bởi vì ví điện tử có sử dụng sim rác. Nếu không định danh, khi phát sinh sự cố không biết là ai. Sự vô danh là nguy hiểm nhất trong thương mại, thanh toán điện tử. Các cơ quan chức năng đã cảnh báo việc này. Do đó, công ty hoạt động dịch vụ ví điện tử phải có thông tin định danh khách hàng, điều này rất quan trọng để tránh các hoạt động bất hợp pháp như chuyển tiền trái phép vào ví không định danh. Để tạo thuận lợi, NHNN cho phép các đơn vị trung gian thanh toán có ví được thu thập thông tin người dùng qua nhiều kênh khác nhau như bằng giấy, điện tử…

Thái Phương