|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

VCCI Cần Thơ: Mục tiêu ngành gạo cứ để thị trường điều chỉnh

16:36 | 17/07/2017
Chia sẻ
Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030 đặt mục tiêu cho từng khu vực thị trường cũng như chủng loại gạo xuất khẩu ở từng giai đoạn. Thế nhưng, theo ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, cứ để thị trường điều chỉnh những mục tiêu này.
vcci can tho muc tieu nganh gao cu de thi truong dieu chinh
Nông dân Đồng bằng sông Cửu Long đang thu hoạch lúa. Ảnh: Trung Chánh

Hôm 3-7-2017, Chính phủ ban hành quyết định số 942/QĐ-TTg về “Phê duyệt chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030”.

Theo đó, quyết định này đề ra mục tiêu giai đoạn 2017-2020, lượng gạo xuất khẩu hàng năm đạt khoảng 4,5-5 triệu tấn, trị giá bình quân 2,2-2,3 tỉ đô la Mỹ; giai 2021-2030, lượng gạo xuất khẩu hàng năm đạt khoảng 4 triệu tấn, trị giá 2,3-2,5 tỉ đô la Mỹ.

Quyết định này cũng đề cập việc chuyển dịch cơ cấu mặt hàng xuất khẩu gạo theo hướng đến năm 2020, tỷ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình không vượt quá 20% tổng lượng gạo xuất khẩu; gạo trắng phẩm cấp cao chiếm khoảng 25%; gạo thơm, đặc sản, japonica chiếm khoảng 30%; gạo nếp chiếm khoảng 20% và các sản phẩm có giá trị gia tăng cao như gạo dinh dưỡng, gạo đồ, gạo hữu cơ, bột gạo, sản phẩm chế biến từ gạo, cám gạo cũng như một số phụ phẩm khác chiếm 5% tổng lượng gạo xuất khẩu.

Đến năm 2030, tỷ trọng gạo trắng thường chiếm khoảng 25%, trong đó, gạo phẩm cấp thấp và trung bình chiếm không quá 10% tổng lượng gạo xuất khẩu; gạo thơm, đặc sản, japonica chiếm khoảng 40%; gạo nếp chiếm 25% và các sản phẩm gạo có giá trị gia tăng cao như gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng, gạo đồ, hữu cơ, bột gạo, sản phẩm chế biến từ gạo…, chiếm khoảng 10% tổng lượng gạo xuất khẩu.

Còn về cơ cấu thị trường, quyết định nêu trên đặt mục tiêu đến năm 2020, thị trường châu Á chiếm tỷ trọng khoảng 60% tổng kim ngạch xuất khẩu, châu Phi 22%, Trung Đông khoảng 2%, châu Âu khoảng 5%, châu Mỹ 8%, châu Úc khoảng 3%; đến năm 2030, châu Á chiếm khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu, châu Phi 25%, Trung Đông khoảng 5%, châu Âu khoảng 6%, châu Mỹ 10%, châu Úc khoảng 4% tổng giá trị xuất khẩu.

Trao đổi với TBKTSG Online liên quan vấn đề nêu trên, ông Dũng cho biết, việc Chính phủ đặt mục tiêu xuất khẩu 4-5 triệu tấn là bước đi mạnh mẽ, không gây sức ép cho sản xuất. “Nhưng, Chính phủ đặc mục tiêu thị trường này, thị trường kia thật ra là không cần thiết”, ông nói và nhấn mạnh: “Chính thị trường sẽ quyết định”.

Mục tiêu xuất khẩu bao nhiêu gạo cấp thấp, trung bình, gạo thơm hay đặc sản..., dĩ nhiên sẽ có các động đến định hướng điều chỉnh sản xuất. Thế nhưng, theo ông Dũng, hiệu quả phải được tính tổng hợp trên một diện tích đất sản xuất trong năm. “Tôi từng nói nhiều về việc cần đánh giá năng suất trên một diện tích, thu hoạch trên một diện tích để so sánh, chứ không thể so sánh trên một tấn gạo. Một tấn gạo có thể cho giá trị cao và thấp giữa hai loại khác nhau, nhưng lợi nhuận trên cùng một diện tích trong một năm là bao nhiêu phần trăm, đó mới là điều quan trọng”, ông Dũng nhấn mạnh.

Theo ông Dũng, nếu nhu cầu của thị trường vẫn cần loại gạo phẩm cấp thấp, trung bình, kể cả nhu cầu cho làm bún, bánh và nhiều loại thực phẩm khác, thì vẫn phải tôn trọng phân khúc sản xuất đó.

Mặt khác, theo ông Dũng, có những thị trường cần gạo thơm, nhưng cũng có thị trường cần loại gạo trung bình. Như vậy, rõ ràng phải căn cứ thị trường đang "ăn" mặt hàng gạo nào và trên cơ sở đó sản xuất để cung cấp theo nhu cầu, chứ không thể đề ra mục tiêu bao nhiều phần trăm gạo cấp thấp, bao nhiêu phần trăm gạo thơm… một cách chủ quan được.

Ông Dũng đặt vấn đề tại sao Việt Nam lại so sánh gạo trong nước với gạo Campuchia, trong khi hai vùng thổ nhưỡng rất khác biệt, hai chính sách cũng rất khác nhau. “Ở Campuchia liệu có làm được như Việt Nam hay không? Tại sao lại đi thay thế lợi thế so sánh của mình với lợi thế so sánh của họ?”, ông Dũng nêu câu hỏi.

Theo ông Dũng, vấn đề phải xuất phát từ thực tế của Việt Nam, phải dựa trên năng suất của một héc ta/năm, thu hoạch và lợi nhuận. “Mang lại lợi nhuận bao nhiêu cho đời sống của người nông dân, cái đó mới quan trọng”, ông Dũng một lần nữa nhấn mạnh.

Tóm lại, theo ông Dũng, xuất khẩu phải căn cứ vào những loại gạo nào có thể bán được, có hiệu quả cao và câu chuyện đó cứ để thị trường điều chỉnh; để cho thương nhân và nông dân làm, chứ không nên can dự bằng những mục tiêu mang tính áp đặt.

Trung Chánh