VASEP khuyến cáo DN siết chặt quản lý chất lượng cá tra xuất khẩu sang Trung Quốc
Trung Quốc giảm thuế nhập hàng thủy sản từ Việt Nam | |
Giá cá tra bất ngờ giảm | |
Xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc đang 'rộng cửa' |
Một lần nữa, VASEP khuyến cáo các DN hội viên chủ động tuân thủ chặt chẽ việc truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm (ATTP) và sử dụng Chứng thư Thủy sản xuất khẩu theo quy định. Đồng thời, DN cần kiểm soát tốt nhất chất lượng thủy sản XK nói chung cũng như sang thị trường Trung Quốc nói riêng, trong đó bao gồm sản phẩm cá tra, basa.
Trong thời gian tới, VASEP cam kết cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan để phát hiện, xử lý những trường hợp gian lận thương mại, góp phần giữ vững uy tín hình ảnh cá tra, basa Việt Nam, phát triển XK bền vững sang thị trường lớn Trung Quốc và các thị trường XK khác.
Theo thông tin của Bộ Công Thương, hiện nay, theo đề nghị của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, Bộ NN&PTNT đang dự thảo Công hàm gửi Tổng cục Hải quan Trung Quốc, theo đó cung cấp thông tin chi tiết về hoạt động kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản XK nói chung và cá tra nói riêng sang thị trường Trung Quốc từ khâu nuôi trồng, kiểm soát chất lượng nước nuôi, giám sát dư lượng hóa chất kháng sinh trong sản phẩm nuôi, quản lý hoạt động thu gom, sơ chế, chế biến, XK.
Đồng thời, Bộ NN&PTNT cũng đề nghị phía Trung Quốc tăng cường phối hợp, kiểm tra các lô hàng thủy sản của Việt Nam NK vào Trung Quốc và chỉ cho phép NK các lô hàng thủy sản được sản xuất bởi các cơ sở Việt Nam có tên trong danh sách được phép XK sang thị trường này kèm theo Chưng thư do Cơ quan thẩm quyền Việt Nam cấp.
Theo Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD), từ năm 2014, Bộ NN&PTNT và Tổng cục Giám sát Chất lượng, Thanh tra và Kiểm dịch Trung Quốc (AQSIQ) đã ký thỏa thuận về việc kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản XNK giữa hai nước. Theo đó, Cơ quan thẩm quyền nước XK sẽ kiểm tra, tổng hợp các DN đủ điều kiện ATTP gửi Cơ quan thẩm quyền nước NK để cho vào danh sách được phép XK thủy sản. Các lô hàng của các DN trong danh sách XK sang nước đối tác phải được Cơ quan thẩm quyền nước XK kiểm tra và cấp Giấy chứng thư theo mẫu đã được thống nhất.
Với sức tiêu thụ mạnh mẽ từ thị trường láng giềng đông dân cư, trong 3 năm trở lại đây XK cá tra sang thị trường này liên tục tăng trưởng mạnh. Số lượng DN tham gia XK sang thị trường này cũng gia tăng. Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển đột biến trong thời gian ngắn cũng ẩn chứa nhiều rủi ro. VASEP nhận định rằng, đây là một thị trường rộng lớn và nhiều tiềm năng nhưng các DN cũng cần tuân thủ chặt chẽ kiểm soát chất lượng hàng XK nhằm giảm thiểu tác động bất lợi đến hoạt động XK cá tra sang thị trường này trong thời gian tới.
Theo VASEP, tính đến hết tháng 5, tổng giá trị XK cá tra sang thị trường Trung Quốc đạt 203 triệu USD, chiếm 25,5% tổng XK cá tra và tăng 48,6% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, Trung Quốc vẫn tiếp tục là thị trường XK lớn nhất của các DN XK cá tra Việt Nam.
Ba năm trở lại đây, hoạt động XK cá tra sang thị trường Trung Quốc thực sự “nóng” và đi kèm với nó là mối quan ngại về chất lượng hàng xuất khẩu theo đường tiểu ngạch.
Tại Hội nghị giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu năm 2018 hồi tháng 4, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định xuất khẩu cá tra theo tiểu ngạch sang Trung Quốc đang làm giảm uy tín về chất lượng hàng hóa của Việt Nam.
Theo ông Hòe, lượng cá tra xuất khẩu theo đường chính ngạch đạt 52% trong khi tiểu ngạch chiếm 44%. Chênh lệch giá giữa hai loại xuất khẩu là khoảng 1 USD/kg.
Việc không quản lý chặt chẽ chất lượng cá tra xuất khẩu đi Trung Quốc đang được gia công chế biến sẽ gây tổn hại đến uy tín chất lượng cá tra Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu khác, khi Việt Nam đang nỗ lực xây dựng lại hình ảnh và chất lượng cá tra.
Quan trọng hơn, Trung Quốc không còn là thị trường hàng chất lượng thấp mà đã chú trọng tới vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), vì vậy xuất khẩu cá tra tiểu ngạch chắc chắn sẽ làm tổn hại tới hình ảnh về sản phẩm Việt Nam trong mắt người tiêu dùng nội địa Trung Quốc.
Xem thêm |