Vàng tăng nóng có gây ảnh hưởng đến tỷ giá, lạm phát nửa cuối năm?
Tác động gián tiếp tới tỷ giá
Mặc dù không trực tiếp tác động đến lạm phát, song việc giá vàng trong nước tăng nóng và chênh lệch cao với thị trường thế giới được cho là sẽ tác động gián tiếp đến tỷ giá thông qua hoạt động mua ngoại tệ trên thị trường chợ đen để nhập lậu vàng.
Theo các chuyên gia, giá vàng tăng cao có thể phát sinh hoạt động nhập khẩu vàng nhẫn qua kênh không chính thống khiến tỷ giá căng thẳng cục bộ. Dẫn số liệu từ Hội đồng vàng thế giới (WGC), TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng mỗi năm các doanh nghiệp Việt nhập lậu vàng khoảng 50 tấn, tương đương 3 tỷ USD. Đây là điều không thể chấp nhận được.
"Lâu nay dù không cho phép nhập khẩu vàng thì vẫn xảy ra hiện tượng nhập lậu, chênh lệch giá vàng cao khuyến khích nhập lậu vàng khiến nhu cầu USD tại thị trường chợ đen tăng cao gây ảnh hưởng đến tỷ giá", chuyên gia nói.
Các chuyên gia phân tích từ Maybank (MBKE) cũng chỉ ra chênh lệch giữa giá vàng toàn cầu và trong nước ngày càng gia tăng là yếu tố giải thích cho áp lực lên tỷ giá USD/VND trên thị trường chợ đen. Chênh lệch giá vàng ngày càng gia tăng khuyến khích các doanh nghiệp nhập khẩu vàng, thậm chí thông qua việc buôn lậu kiếm lợi nhuận chênh lệch ngắn hạn, làm tăng nhu cầu USD và do đó đẩy giá USD lên cao.
Chỉ trong tuần vừa qua, giá vàng trong nước đã tăng tới 8% trong khi giá vàng thế giới chỉ tăng khoảng 3%. Như vậy, chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và thế giới đã bị nới rộng ra gần 20 triệu đồng/lượng.
Trong điều kiện nguồn cung bị hạn chế (Nghị định 24 chưa được sửa đổi và việc tăng nhập khẩu vàng cũng sẽ ảnh hưởng lớn tới tỷ giá), việc xử lý yếu tố đầu cơ cần phải được thực hiện mạnh mẽ, trong đó cần đưa ra một mức mục tiêu cụ thể đối với mức độ chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới.
Các chuyên gia từ Công ty Chứng khoán SSI đánh giá áp lực với tỷ giá đã hạ nhiệt hơn sau những tín hiệu từ Fed đưa ra hay các số liệu về nguồn cung ngoại tệ tích cực.
Trong đó, FDI 4 tháng giải ngân đạt 6,3 tỷ USD và trong 4 tháng đầu năm Việt Nam đã xuất siêu 9 tỷ USD. Tuy nhiên, yếu tố mùa vụ khi doanh nghiệp FDI thường có xu hướng chuyển lợi nhuận về nước trong Quý II và quý III sẽ gây tác động tiêu cực tới tỷ giá. Vì vậy, SSI Research dự báo tỷ giá USDVND vẫn sẽ có biến động mạnh trong thời gian tới, trước khi hạ nhiệt về cuối năm.
Với yếu tố lạm phát, các chuyên gia dự báo lạm phát nửa cuối năm sẽ chịu áp lực từ việc tăng giá điện, tỷ giá và cả diễn biến giá dầu. Báo cáo từ Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) chỉ ra rằng trong 3 tháng trở lại đây, lạm phát tính theo năm đều tăng từ 4,0% đến 4,4%. Trong đó, mức tăng cao nhất được ghi nhận vào tháng 4/2024 và gần tiệm cận mục tiêu của Chính phủ.
Dù vậy, VDSC cũng kỳ vọng việc tiền đồng mất giá khoảng 5,0% từ đầu năm đến nay sẽ không tác động quá lớn đến diễn biến lạm phát nửa sau năm 2024. Các chuyên gia phân tích từ công ty chứng khoán này điều chỉnh nhẹ mức dự báo lạm phát năm 2024 từ mức 3,5% lên 3,8% sau khi cân nhắc ảnh hưởng của giá dầu và tỷ giá. Mức tăng giá chung kỳ vọng vẫn thấp hơn mục tiêu kiểm soát lạm phát 4,5% của Chính phủ.
Sử dụng công cụ lãi suất để hạ giá vàng
Để giảm bớt một phần áp lực cho VND, Ngân hàng Nhà nước đang tìm kiếm các giải pháp nhằm thu hẹp khoảng cách giá vàng hiện tại bằng cách cải thiện nguồn cung trong nước thông qua các kênh chính thức. Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế tài chính Nguyễn Đức Hùng Linh việc tăng nguồn cung vàng chưa chắc đã xử lý được vấn đề do giá vàng tăng chủ yếu do tâm lý đám đông.
Trong tình hình này, các biện pháp hành chính trở nên đặc biệt quan trọng để đảm bảo sự minh bạch và ngăn chặn thao túng giá. Thanh tra thị trường vàng, yêu cầu sử dụng hóa đơn, điều tra hành vi thao túng... sẽ không tốn dự trữ ngoại hối mà lại có thể mang tới hiệu quả cao tức thì.
Bên cạnh đó, chuyên gia cũng khuyến nghị NHNN ngoài việc sử dụng các biện pháp hành chính, công cụ tiền tệ như lãi suất cũng đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn các loại bong bóng tài sản, bao gồm cả vàng.
Việc giảm sâu lãi suất tại Việt Nam đang không chỉ tạo ra áp lực lên tỷ giá mà còn tăng cao nguy cơ hình thành các bong bóng tài sản. Sức hấp dẫn của đồng VND đã giảm so với các kênh đầu tư/đầu cơ khác, bao gồm ngoại tệ và vàng. Đây là hai loại tài sản tiềm ẩn rủi ro cao đối với quản lý ngoại hối và ổn định vĩ mô.
Chuyên gia đề xuất việc tăng lãi suất sẽ là một mũi tên trúng nhiều đích, không chỉ giúp kiểm soát bong bóng tài sản mà còn hỗ trợ việc tăng trưởng kinh tế. Bởi chỉ khi có sự ổn định, tăng trưởng mới thực sự bền vững.
Các chuyên gia từ VDSC cũng cho rằng đà tăng của tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng đã dừng lại mặt bằng lãi suất trên thị trường mở nhích lên cùng với lãi suất huy động tăng trở lại.
Vì vậy, NHNN cần thận trọng trong điều hành chính sách tiền tệ nới lỏng bởi kịch bản kiểm soát đà mất giá tiền đồng ở mức 5% có thể giữ được trong ngắn hạn, tuy nhiên về lâu dài biến số về triển vọng lãi suất của Fed và khả năng đồng USD phục hồi vẫn đang khiến cho rủi ro mất giá tiền đồng vẫn hiện hữu.