|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Vận hạn của thị trường tài sản kỹ thuật số: Sau tiền ảo đến lượt NFT, rót vốn vào giống như chơi xổ số, rất khó để thắng

10:37 | 25/05/2022
Chia sẻ
Giống như thị trường tiền số, thị trường NFT đang trải qua quãng thời gian đầu năm 2022 tương đối ảm đạm dù đã chứng kiến sự bùng nổ trong năm 2021.

Thời gian gần đây, các nhà đầu tư tiền số đã trải qua khoảng thời gian bị coi là “đen tối” khi thị trường tiền điện tử đã biến động mạnh sau sự sụp đổ của hai đồng Terra (Luna) và TerraUSD (UST). Giá trị vốn hóa của thị trường tiền điện tử cũng bốc hơi hàng chục tỷ USD chỉ trong vài ngày.

Tuy nhiên, tiền số có thể chỉ là điểm khởi đầu cho chuỗi ngày đen tối khác đối với thế giới tài sản kỹ thuật số. Theo France24, loại tài sản kỹ thuật số tiếp theo có thể đối mặt với rủi ro chính là NFT (Non-Fungible Token).

Khoảng thời gian khó khăn với các tài sản kỹ thuật số

Các chuyên gia cho rằng việc hàng loạt người nổi tiếng trên toàn cầu đua nhau quảng cáo, xác thực các tài sản kỹ thuật số đã giúp thổi phồng bong bóng giá trị của các loại token trong năm qua. Tuy nhiên, bong bóng này đang có dấu hiệu vỡ, với bằng chứng rõ ràng nhất là sự sụp đổ của hai đồng Luna và UST trong thời gian gần đây.

Chính vì điều này, các chuyên gia lo ngại NFT sẽ trở thành tài sản kỹ thuật số tiếp theo sụp đổ. NFT là mã thông báo thường được liên kết với hình ảnh kỹ thuật số, vật phẩm "có thể thu thập", hình đại diện trong trò chơi hoặc tài sản và đồ vật trong thế giới ảo đang phát triển của metaverse.

Những người nổi tiếng như Paris Hilton, Gwyneth Paltrow và Serena Williams đã không ngại “khoe khoang” về việc sở hữu NFT. Điều này khiến nhiều người trẻ, đặc biệt là những người dưới 30 tuổi, nhanh chóng bị thu hút bởi các loại tài sản này.

Tuy nhiên, toàn bộ lĩnh vực này đang bị ảnh hưởng bởi tất cả các loại tiền điện tử chính đều giảm giá trị, báo hiệu những rủi ro có thể xuất hiện trong thời gian tới.

Theo công ty phân tích Non-Fungible, số lượng NFT được giao dịch trong quý đầu tiên của năm nay đã giảm gần 50% so với quý IV/2021. Họ cho rằng thị trường vẫn “đang tiêu hóa” lượng lớn NFT được tạo ra vào năm ngoái.

Tháng 5, công ty giám sát CryptoSlam đã công bố một báo cáo liên quan đến các tài sản NFT. Đáng chú ý, tính đến giữa tháng 5, chỉ có khoảng 31 triệu USD được chi ra để sở hữu các bộ sưu tập NFT. Đây là con số thấp nhất tính theo tháng trong một năm tài chính.

Một ví dụ cụ thể cho việc xuống dốc của các tài sản NFT chính là những nỗ lực bán lại NFT về dòng tweet đầu tiên của người sáng lập mạng xã hội Twitter Jack Dorsey. Năm ngoái, Dorsey đã bán được NFT này với giá gần 3 triệu USD, nhưng chủ sở hữu mới vẫn chưa thể bán lại NFT này dù mức giá người này đăng bán hiện chỉ hơn 20.000 USD.

Dòng tweet đầu tiên của Jack Dorsey được rao bán nhưng chưa ai mua. (Ảnh: NoteBook Check).

Rủi ro ngập tràn trên thị trường

Molly White, một nhà phê bình nổi tiếng về lĩnh vực tiền điện tử, nói với AFP rằng có nhiều lý do dẫn đến sự lao dốc của thị trường NFT.

“Đó có thể là sự sụt giảm chung về sự cường điệu hóa, có thể là nỗi sợ hãi về những trò gian lận sau khi có quá nhiều người nổi tiếng đứng ra xác thực các tài sản này, hoặc có thể là do mọi người bắt đầu “thắt lưng buộc bụng” sau hai năm chống chọi với dịch bệnh”, bà chia sẻ.

Tháng 1, sàn giao dịch NFT lớn nhất thế giới OpenSea đã thừa nhận hơn 80% sản phẩm NFT được tạo bằng công cụ miễn phí của nền tảng này là gian lận. Nhiều NFT trong số các sản phẩm được bày bán là bản sao của các NFT khác hoặc các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng được sao chép mà không được cho phép.

"OpenSea có mọi thứ. OpenSea là một nền tảng lớn và không được quản lý chặt chẽ, vì vậy bạn thực sự không biết mình đang mua gì”, Olivier Lerner, đồng tác giả của cuốn sách “NFT Mine d'Or” (Mỏ vàng NFT) cho biết.

LookRare, một sàn giao dịch NFT đã vượt qua OpenSea về số lượng bán ra trong năm nay, cũng gặp phải vấn đề tương tự. Theo CryptoSlam, có tới 95% giao dịch trên nền tảng của LookRare được phát hiện là giả mạo. Người dùng đang bán NFT cho chính họ bởi vì LookRare cung cấp mã thông báo cho mọi giao dịch - bất kể khách hàng đang mua gì.

Số tiền bị mất trong các vụ việc giả mạo cũng vượt quá tưởng tượng của nhiều người. Chủ sở hữu của Axie Infinity, một trò chơi được hàng triệu người chơi tại Philippines và các nơi khác, đồng thời là động lực chính của thị trường NFT, đã bị các đối tượng lừa đảo cuỗm mất hơn 500 triệu USD.

Axie Infinity, trò chơi của kỳ lân Việt Sky Mavis từng là nạn nhân của các vụ lừa đảo. (Ảnh: Cryptowisser).

Đầu tư NFT giống như chơi xổ số

"Bất kỳ công nghệ mới nào xuất hiện trên thế giới, cũng sẽ có những kẻ xấu vây quanh, lợi dụng sơ hở để chiếm đoạt tài sản của bạn", luật sư Eric Barbry nói với AFP.

Ông chỉ ra rằng thị trường NFT không có quy định chuyên biệt nên các cơ quan thực thi pháp luật phải tập hợp mọi thứ với nhau thông qua cách sử dụng các khuôn khổ hiện có.

Bà Molly White cho biết một quy định mạnh mẽ có thể giúp loại bỏ đầu cơ cực đoan, nhưng việc này có thể cướp đi sự hấp dẫn chính của NFT (mọi người đều tin rằng NFT có thể thu về lợi nhuận nhanh chóng).

"Tôi nghĩ rằng việc giảm sự cường điều hóa với NFT là điều tốt. Thời điểm hiện tại, giao dịch NFT đang rất rủi ro. Các nhà đầu tư nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi xuống tiền”, bà nhấn mạnh.

NFT thường được ví như thị trường nghệ thuật truyền thống vì chúng không có tiện ích vốn có và giá của chúng biến động mạnh tùy thuộc vào xu hướng và sự cường điệu.

 

Tuy nhiên, tác giả Olivier Lerner lại mở ra gợi ý về một cách so sánh khác. “NFT giống như xổ số vậy. Bạn chơi nhiều, nhưng sẽ hiếm khi thắng, hoặc có thể là không bao giờ”, ông nói về những người muốn kiếm lợi nhanh chóng từ NFT.