|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Vẫn chưa chọn được tư vấn nước ngoài làm quy hoạch ngành thép

16:55 | 19/01/2017
Chia sẻ
Vụ Công nghiệp Nặng, Bộ Công Thương cho biết tính đến ngày 15/1 – thời hạn chót nhận hồ sơ mới có một đơn vị tư vấn nước ngoài gửi thư bày tỏ sự quan tâm đến Dự thảo Quy hoạch ngành thép.
van chua chon duoc tu van nuoc ngoai lam quy hoach nganh thep

Bộ Công Thương cần hoàn thiện dự thảo Quy hoạch ngành thép để trình Thủ tướng xem xét vào quý IV/2017.

Do vậy, Vụ Công Nghiệp nặng quyết định kéo dài thời gian nhận hồ sơ đến hết tháng 1/2017. Việc kéo dài thời gian nhằm giúp các đơn vị tư vấn nước ngoài khác có thêm thời gian nghiên cứu, đánh giá tính khả thi, phương án và chuẩn bị hồ sơ đăng ký tham gia.

Trên cơ sở danh sách các đơn vị đăng ký và gửi hồ sơ, Bộ Công Thương sẽ tiến hành thành lập Tổ tư vấn lựa chọn nhà thầu, đồng thời hướng dẫn các đơn vị chuẩn bị hồ sơ theo yêu cầu. Đơn vị tư vấn nước ngoài được lựa chọn sẽ có trách nhiệm làm rõ xu hướng phát triển ngành thép thế giới và khu vực; đồng thời đánh giá khả năng cạnh tranh của ngành thép Việt Nam so với khu vực và trên thế giới cũng như việc lựa chọn nhà thầu, công nghệ và những đánh giá tác động về môi trường.

Lựa chọn nhà thầu dự kiến hoàn tất trong tháng 2/2017.

Trước đó, ngày 28/12/2016, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh ký phê duyệt nhiệm vụ và đề cương đánh giá Dự thảo Quy hoạch Hệ thống Sản xuất thép đến năm 2025, định hướng đến năm 2035, căn cứ trên kiến nghị của Vụ Công Nghiệp nặng. Trong đó, Bộ trưởng giao cho Vụ Công nghiệp Nặng là đơn vị chủ trì. Đơn vị thực hiện là Công ty tư vấn nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.

Trước khi lựa chọn tư vấn nước ngoài thực hiện dự thảo quy hoạch ngành thép, bản thân Bộ Công Thương đã công bố 2 bản Dự thảo quy hoạch ngành Thép đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 nhằm lấy ý kiến và hoàn thiện. So với dự thảo lần 1, dự thảo lần 2 có sự thay đổi đáng kể. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến đóng góp, Bộ Công Thương dự kiến loại bỏ 12 dự án có quy mô nhỏ, hoạt động kém hiệu quả, chưa triển khai hoặc do địa phương đề xuất.

Theo yêu cầu của Thủ tướng tại công văn số 2822 ngày 7/12/2016, Bộ Công Thương cần hoàn thiện dự thảo Quy hoạch ngành thép để trình Thủ tướng xem xét vào quý IV/2017.

Đối với quy hoạch ngành thép, Bộ Công Thương từng nhiều lần phát đi thông điệp cho biết, người đứng đầu ngành Công Thương – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định luôn nhất quán: “Không đánh đổi môi trường lấy dự án. Quy chế giám sát tới đây sẽ rất chặt chẽ. Không chỉ cơ quan quản lý Nhà nước, mà các tổ chức xã hội, truyền thông, dư luận, người dân cũng sẽ cùng tham gia giám sát các dự án này”.

Tại văn bản số 283 ngày 7/9/2016 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá, Việt Nam hiện là nước tiêu thụ nhiều thép nhất trong các nước Đông Nam Á. Hệ thống sản xuất và phân phối cơ bản đáp ứng được nhu cầu thép xây dựng cả nước (khoảng 6 triệu tấn thép xây dựng trong tổng cầu khoảng 20 triệu tấn thép). Một số doanh nghiệp trong nước đã vươn lên trong việc áp dụng công nghệ hiện đại, đầu tư có chiều sâu cơ sở sản xuất phôi thép… tạo ra cơ sở quan trọng để ngành thép Việt Nam phát triển.

Tuy nhiên, việc phát triển ngành thép hiện nay còn nhiều hạn chế cần tập trung giải quyết như: Chất lượng quy hoạch chưa cao, các dự án còn manh mún, chưa có tính hệ thống, chưa gắn liền với nhu cầu đa dạng của nền kinh tế. Bên cạnh đó, công tác xây dựng kế hoạch và giám sát thực hiện quy hoạch chưa được triển khai quyết liệt, chưa cân đối được các nguồn lực, dẫn đến việc thực hiện quy hoạch không hiệu quả, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của nền kinh tế.

Hiện ngành thép Việt Nam mới chỉ sản xuất được phôi thép xây dựng với công suất 6 triệu tấn là nguyên liệu đầu vào cho ngành cán thép xây dựng. Trong khi, năm 2015, cả nước thiếu hụt tới 15 triệu tấn thép thô. Chính vì thế, nhập siêu thép của Việt Nam đã lên tới 6-7 tỷ USD, ảnh hưởng đến cán cân thương mại và sự ổn định của kinh tế vĩ mô.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao cho Bộ Công Thương khẩn trương rà soát Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2025 để điều chỉnh phù hợp nhu cầu thực tế để báo cáo Thủ tướng.

"Quy hoạch cần tính đến các yếu tố ổn định và bền vững, giảm dần sự mất cân đối giữa thép dài và thép dẹt, giữa sản xuất và lưu thông phân phối. Bên cạnh đó cần sử dụng công nghệ tiên tiến, tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, năng lượng của đất nước, bảo vệ môi trường sinh thái, tiến tới từng bước loại bỏ các cơ sở sản xuất nhỏ, công nghệ lạc hậu, tiêu hao năng lượng và ô nhiễm môi trường", Phó Thủ tướng yêu cầu.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc khuyến khích các thành phần kinh tế, doanh nghệp trong nước đầu tư sản xuất gang, phôi phép, thép thành phẩm, sản xuất thiết bị luyện cán thép đạt tiêu chuẩn quốc tế. Hạn chế tối đa việc sản xuất các sản phẩm trong nước đã đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Phương Dung