|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ứng xử thuế với những cái mới

21:41 | 07/10/2017
Chia sẻ
Cơ quan thuế thua kiện người dân vì truy thu thuế việc mua, bán tiền điện tử Bitcoin; Uber vẫn chưa chịu đóng thuế bị truy thu vì chưa thống nhất được cách hiểu, cách tính; Việt Nam có đến hàng ngàn cơ sở làm dịch vụ chia sẻ phòng - Airbnb - nhưng ngân sách không thu được bao nhiêu... Những câu chuyện trên cho thấy, cơ quan ban hành chính sách cần phải tìm ra cách thức quản lý với những yếu tố mới xuất hiện ngày càng nhiều, để cả người nộp thuế lẫn cơ quan thuế dễ ứng xử.
ung xu thue voi nhung cai moi
Ứng xử thuế với những cái mới. Ảnh: THÀNH HOA

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam, trong cuộc gặp gỡ mới đây tại TPHCM, kể rằng ngành ông vừa thua một vụ. Đó là vụ Chi cục Thuế thành phố Bến Tre thua kiện ông Nguyễn Việt Cường, người tham gia mua, bán đồng tiền điện tử Bitcoin và phải rút lại quyết định thu thuế hơn 2,6 tỉ đồng với cá nhân này (xem TBKTSG số 39 ra ngày 28-9-2017). Chính ông Nam thừa lệnh Bộ trưởng Bộ Tài chính ký các văn bản về việc thu thuế này. “Trước khi quyết định về số thuế phải thu trên, chúng tôi phải có công văn hỏi bảy bộ! Việc truy thu thuế cũng dựa trên bản chất thuế, có phát sinh thu nhập là nộp thuế”, ông Nam phân trần. Lãnh đạo Tổng cục Thuế chia sẻ, việc ngành thuế thua kiện cũng là tín hiệu tích cực vì sau vụ này, Nhà nước sẽ phải suy nghĩ nghiêm túc, kỹ lưỡng về chính sách quản lý. Mới nhất, hồi cuối tháng 8, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện quy định quản lý tiền ảo.

Ứng xử với tiền điện tử Bitcoin chỉ là một trong những vấn đề ngành thuế đang gặp phải. Mới đây, Cục Thuế TPHCM, sau đợt thanh tra Công ty Uber B.V Hà Lan trong giai đoạn từ khi bắt đầu hoạt động đến tháng 6-2017, đã ra quyết định truy thu công ty này hơn 66 tỉ đồng tiền thuế. Trong đó có gần 10,5 tỉ đồng là tiền thuế thu nhập doanh nghiệp đối với nhà thầu nước ngoài; hơn 26,3 tỉ đồng là tiền thuế giá trị gia tăng; 14,6 tỉ đồng tiền thuế thu nhập cá nhân nộp thay cho tài xế cùng nhiều tỉ đồng tiền phạt chậm nộp, kê khai sai dẫn đến nộp thiếu... Cơ quan thuế ra tối hậu thư sẽ cưỡng chế thi hành nếu sau 10 ngày, kể từ ngày có quyết định, Uber B.V Hà Lan không thực hiện. Tuy nhiên, phía Uber B.V Hà Lan đang khiếu nại với Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính về khoản thuế thu nhập doanh nghiệp với lập luận là Việt Nam và Hà Lan, nơi Uber B.V Hà Lan đặt pháp nhân, đã ký hiệp định tránh đánh thuế hai lần.

Cũng cần nhắc thêm rằng, Uber B.V Hà Lan có “lịch sử” phớt lờ việc đóng thuế. Trước thời điểm tháng 9-2016, Cục Thuế TPHCM nhiều lần gửi công văn cho công ty này yêu cầu làm việc nhưng không nhận được sự hợp tác. Bà Trần Thị Lệ Nga, khi còn là Phó cục trưởng Cục Thuế TPHCM (giờ đã nghỉ hưu), phát biểu với báo chí rằng đủ căn cứ thu thuế và sẽ kiên quyết thu. Sau đó, Cục Thuế TPHCM và Tổng cục Thuế có nhiều cuộc làm việc với Uber B.V Hà Lan để rồi cuối cùng, đến tháng 9-2016, Bộ Tài chính chính thức ban hành công văn hướng dẫn việc thu thuế công ty này với mức thuế 3% giá trị gia tăng trên doanh thu được hưởng và 2% thuế thu nhập doanh nghiệp. Các cá nhân kinh doanh vận tải có ký hợp đồng với Uber B.V Hà Lan sẽ nộp thuế giá trị gia tăng 3% trên phần doanh thu được hưởng và đóng thuế thu nhập cá nhân 1,5% (số thuế này sẽ do Uber nộp thay). Uber B.V Hà Lan lúc đó đã chấp nhận đóng thuế. Tuy nhiên, họ chỉ đóng từ thời điểm có công văn kể trên về sau. Còn giai đoạn trước đó, từ khi bắt đầu hoạt động thì không đóng với lý do không thể thu được tiền của tài xế, có người còn làm, có người đã nghỉ.

Về việc thu thuế công ty Uber B.V Hà Lan, trao đổi với TBKTSG, ông Nguyễn Nam Bình, Phó cục trưởng Cục Thuế TPHCM, cho rằng suy cho cùng, đây chỉ là một biểu hiện nhỏ của một câu chuyện lớn. Đó là việc ứng xử với những cái mới, những xu thế của tương lai ở tầm Chính phủ và liên Chính phủ. Ngày nay, nền kinh tế chia sẻ, ứng dụng công nghệ đang trở thành xu hướng trên toàn thế giới. Vì vậy, vấn đề đặt ra với các Chính phủ là phải tìm ra được giải pháp có tầm nhìn xa để thu được thuế. “Không có Uber này thì cũng sẽ có Uber khác. Vì đây là tương lai, là xu hướng tất yếu. Đó là chưa kể đến việc người dân hào hứng vì được lợi thực sự”, ông Bình nói. Không chỉ vậy, đó còn phải là mối liên kết liên chính phủ giữa các quốc gia để cùng đảm bảo nguồn thu, đảm bảo sự nghiêm minh của luật pháp.

Những mong muốn của các cơ quan thực thi như ngành thuế là hoàn toàn chính đáng. Tất nhiên, đây là mong muốn không dễ được đáp ứng bởi chính sách quản lý thường đi sau sự phát triển của công nghệ. Nhưng nhận thức đầy đủ về nó, thay đổi tư duy theo hướng chấp nhận vì đây là xu thế tất yếu của tương lai (thay vì không quản được thì cấm như lâu nay) và vận dụng tất cả những kiến thức, kinh nghiệm hay mối quan hệ quốc tế... sẽ là nền tảng vững chắc để có chính sách phù hợp, hài hòa.

ung xu thue voi nhung cai moi Chậm nộp gần 67 tỷ đồng thuế, Uber có thể bị cưỡng chế

Liên quan đến khoản truy thu thuế 66,68 tỷ đồng của Công ty TNHH Uber BV (Uber BV Hà Lan), Cục Thuế TP.HCM cho biết, ...

Minh Tâm