|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ứng dụng công nghệ để phát triển khu công nghiệp thông minh tại TP HCM

16:12 | 06/11/2020
Chia sẻ
Áp lực cạnh tranh lớn từ các địa phương lân cận đặt ra yêu cầu đầu tư, phát triển các khu công nghiệp tại TP HCM bằng việc chuyển đổi số, ứng dụng vào thực tiễn những công nghệ thông minh.

Tại Việt Nam hiện có 326 khu công nghiệp - khu chế xuất (KCN-KCX) với tổng diện tích 95.000 ha. Trong đó có 251 khu hoạt động với hơn 66.000 ha, có tỉ lệ lấp đầy 73%, mang đến doanh thu bình quân 1 triệu USD/ha.

Hiện nay TP HCM có 17 KCN - KCX, khu công nghệ cao đang hoạt động với diện tich hơn 3.800 ha, tỉ lệ lấp đầy gần 73%. Tuy nhiên, hiệu quả đầu tư của các KCX/KCN ở TP HCM không cao và đang gặp phải cạnh tranh lớn từ các KCN ở các địa phương lân cận Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa Vũng Tàu. 

Do đó, việc chuyển đổi số, ứng dụng vào thực tiễn những công nghệ thông minh sẽ giúp cho các nhà máy tại các KCN/KCX nâng cao năng suất, tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường và an toàn trong lao động.

Đây là chia sẻ của ông Đào Xuân Đức, Phó trưởng ban, Ban quản lí các khu chế xuất và công nghiệp TP HCM (Hepza) tại Chuỗi Hội thảo Khu công nghiệp thông minh diễn ra trong Khu công nghiệp Vĩnh Lộc ngày 5/11.

kcn - Ảnh 1.

Chuỗi Hội thảo Khu công nghiệp thông minh diễn ra tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc ngày 5/11. (Ảnh: Như Huỳnh).

Các chuyên gia cho biết phần lớn các KCN/KCX hiện nay chỉ dừng lại ở việc đáp ứng cơ bản về hạ tầng giao thông, điện nước, xử lí chất thải...và chú trọng nhiều vào việc lấp đầy diện tích đất cho thuê hơn là đầu tư công nghệ để tăng tiện ích và năng lực sản xuất.

Công tác quản lí tại các KCN/KCX gặp nhiều khó khăn do chưa triển khai nhiều ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lí phát triển hạ tầng; thiếu các công cụ quản lí tập trung, hỗ trợ hệ thống an ninh; thiếu sự thu hút và dịch vụ chăm sóc khách hàng…

Theo đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tạo ra cuộc cải cách đáng kể về công nghệ sản xuất. Xu hướng tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong các công nghệ và quy trình sản xuất ngày càng được đẩy mạnh. Vì thế phát triển KCN thông minh sẽ trở thành sự lựa chọn tối ưu cho doanh nghiệp sản xuất, nhà đầu tư trong thời gian tới.

Đồng quan điểm, ông Phạm Hữu Thời, Giám đốc phát triển ERP, công ty Lạc Việt chia sẻ: "Vận hành bộ máy sản xuất - kinh doanh - tài chính - nhân lực trơn tru và hiệu quả nhờ sử dụng các phương tiện công nghệ thông tin và tri tuệ nhân tạo.

Đó chính là chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Chuyển đổi số giúp quản trị hiệu quả trên từng khẩu hoạt động, thúc đẩy tiến độ xử lí các công việc nhanh chóng, hợp lí. Phân tích dữ liệu giúp dễ dàng nắm bắt và đánh giá đúng tình hình đã và đang diễn ra, mọi lúc mọi nơi để xử lí kịp thời, lập kế hoạch và hướng phát triển phù hợp."

kcn - Ảnh 2.

Doanh nghiệp giới thiệu về các ứng dụng, giải pháp nhằm tối ưu quản trị và sản xuất. (Ảnh: Như Huỳnh).

Cụ thể hóa việc chuyển đổi số, ứng dụng vào thực tiễn, tại hội thảo các chuyên gia, diễn giả đã trình bày các giải pháp điều hành, tối ưu quảng trị, giải pháp ứng dụng các công nghệ nhằm cải tiến hoạt động quản lí, sản xuất kinh doanh, định hướng phát triển theo hình mẫu... cho các doanh nghiệp KCN, KCX TP HCM.

Ông Nguyễn Ngọc Văn Thành, Tổng Giám đốc công ty AES Việt Nam đã giới thiệu giải pháp Delmia Apriso, giải pháp quản lí vận hành sản xuất thông minh. 

"Delmia Apriso đảm nhiệm chức năng chuyển đổi số hoạt động sản xuất phức tạp trong môi trường sản xuất thông minh, bao gồm các hoạt động tổ chức sản xuất, quản lí chất lượng, hoạch định lưu kho, bảo dưỡng thiết bị, phân bổ nhân lực và thời gian…

Các dữ liệu được kiểm soát và đồng bộ hóa, giúp cho các cấp quản lí đưa ra những quyết định quan trọng và đúng lúc nhằm cải tiến chất lượng, giảm thiểu chi phí và nhanh chóng đưa ra sản phẩm mới theo xu hướng thị trường", ông Thành chia sẻ.

Từ thực tiễn ứng dụng giải pháp công nghệ cho hoạt động quản lí tại Khu Công viên phần mềm Quang Trung – mô hình đô thị xanh, thông minh đầu tiên của cả nước, QTSC giới thiệu các ứng dụng đang được triển khai thực tế ngay tại QTSC như hệ thống quản lí camera thông minh (VMS), hệ thống kiểm soát và theo dõi bảo vệ (Miguards), hệ thống giám sát điều hành QTSC IOC…

Theo đánh giá của các chuyên gia, trong công cuộc chuyển đổi số hiện nay, các giải pháp công nghệ đã và đang tạo ra những thay đổi mạnh mẽ trong nền công nghiệp sản xuất, khi mọi thứ đều tự động hóa, sẽ giúp các đơn vị quản lí, nhà đầu tư và doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động, dễ dàng kiểm soát toàn bộ hệ thống thông qua các thiết bị thông minh.

Mặc dù các đơn vị quản lí và nhà đầu tư phát triển hạ tầng KCN thông minh phải tốn một khoản chi phí ban đầu cho các giải pháp số hóa nhưng hiệu quả mang lại là rất lớn và sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí sau này.

Như Huỳnh