|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

UBTVQH: Sửa đổi Luật Đấu thầu theo hướng giảm bớt các trường hợp chỉ định thầu

12:29 | 05/04/2023
Chia sẻ
Thường trực Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội cho biết, dự thảo Luật Đấu thầu mới theo hướng giảm một số trường hợp chỉ định thầu, loại bỏ các trường hợp chỉ định thầu như đối với “gói thầu tái định cư”.

Sáng 5/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận một số nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Theo đó, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội sẽ có 7 dự án luật trình Quốc hội xem xét thông qua gồm:Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi), Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật Phòng thủ dân sự và dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Điều chỉnh hạn mức chỉ định thầu phải báo cáo UBTVQH

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn. (Ảnh: Quốc hội).

Báo cáo một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn cho biết, tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Ngay sau kỳ họp, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) đã phối hợp với Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổ chức Hội thảo khoa học, làm việc với các chuyên gia, nhà khoa học, một số cơ quan là đối tượng chịu sự điều chỉnh trực tiếp của dự thảo Luật để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 21 (tháng 3/2023).

Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn cho biết, liên quan đến nội dung đối tượng điều chỉnh đối với vốn tại nhà nước tại doanh nghiệp, Dự thảo luật Chính phủ trình Quốc hội bỏ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 1 của Luật Đấu thầu năm 2013, chỉ quy định điều chỉnh đối với dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, thu hẹp đối tượng điều chỉnh so với luật hiện hành đối với toàn bộ các dự án đầu tư có sử dụng vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án.

Về đấu thầu trước, Thường trực Ủy ban TCNS tiếp thu ý kiến UBTVQH và chỉnh lý theo hướng quy định đấu thầu trước chỉ áp dụng đối với dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi, đảm bảo quy định thống nhất với Luật 03/2022/QH15.

Về chỉ định thầu, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Thường trực Ủy ban TCNS phối hợp các cơ quan rà soát, chỉnh lý Điều 23 Dự thảo luật mới theo hướng giảm một số trường hợp chỉ định thầu, trong đó đã loại bỏ các trường hợp chỉ định thầu đối với: “gói thầu tái định cư” tại điểm g khoản 1; quy định rõ về “Gói thầu thuộc dự án quan trọng quốc gia được áp dụng hình thức chỉ định thầu theo Nghị quyết của Quốc hội khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án”.

Đồng thời, bổ sung luật hóa quy định đang được hướng dẫn tại Nghị định về hạn mức áp dụng chỉ định thầu tại điểm k khoản 1 của điều 23 của dự thảo Luật chỉnh lý và để bảo đảm tính linh hoạt, bổ sung tại điểm này quy định “Trường hợp cần điều chỉnh hạn mức để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và yêu cầu quản lý nhà nước, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định”.

Về lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, Thường trực Ủy ban TCNS đã phối hợp với cơ quan soạn thảo rà soát, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chỉnh lý quy định về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt (tại Điều 29) theo hướng: quy định rõ điều kiện áp dụng trường hợp đặc biệt đối với các gói thầu không thể thực hiện theo các hình thức thông thường khác và chỉ đối với các trường hợp cụ thể.

Các trường hợp này, gồm: Gói thầu mua sắm thông qua các tổ chức quốc tế; Gói thầu mua sắm vắc xin trong quá trình thử nghiệm, có yêu cầu của nhà sản xuất về điều kiện mua, thanh toán, bảo lãnh và luật hóa một số trường hợp thật sự cần thiết quy định tại Quyết định số 17/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng.

Về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất, Thường trực Ủy ban TCNS tiếp thu theo hướng: Luật Đấu thầu quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án trong trường hợp phải đấu thầu được quy định trong luật đất đai. Theo đó, giữ quy định tại điểm a khoản 3 Điều 2; đồng thời bỏ quy định về “Công bố dự án đầu tư có sử dụng đất”, lồng ghép nội dung giữa Điều 44 và 45 của dự thảo luật trình Quốc hội thành Điều 47 mới về “Công bố dự án đầu tư kinh doanh”.

Về mua thuốc, vật tư y tế, Thường trực Ủy ban TCNS đã tiếp thu, chỉnh lý tại nhiều điều, khoản để quy định để luật hóa, giải quyết các khó khăn, vướng mắc đang được dư luận quan tâm về vấn đề mua thuốc, trang thiết bị y tế. Những nội dung này được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến của ĐBQH, làm việc với một số bệnh viện lớn tại Hà Nội và đã được sự đồng thuận của Bộ Y tế, cơ quan soạn thảo.

Đặc biệt quan tâm đến đàm phán giá

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội. (Ảnh: VGP).

Phát biểu tại cuộc họp, đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho biết, tại khoản 1 quy định: đấu thầu tập trung được áp dụng khi hàng hóa, dịch vụ cần mua sắm với số lượng lớn. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị đấu thầu tập trung thực hiện đối với hàng hóa, thuốc men, vật tư với số lượng nhỏ, rất nhỏ, rất ít, rất hiếm.

Theo đại biểu, quy định như vậy mới đấu thầu được, mới có nhà cung cấp, phục vụ cho bệnh nhân ở tất cả các bệnh viện, qua đó giảm quá tải các bệnh viện, bởi các bệnh viện tuyến dưới có phác đồ điều trị nhưng vì không có thuốc nên phải lên tuyến trên điều trị; đồng thời hạn chế những tiêu cực trong mua sắm, bệnh nhân không phải mua thuốc trôi nổi trên thị trường. Bên cạnh đó, đấu thầu mua sắm thuốc hiếm nên được thực hiện ở một đơn vị thuộc cấp Bộ Y tế để cung cấp cho tất cả các bệnh viện trên cả nước.

Đại biểu cũng nhấn mạnh, mua sắm thuốc men, vật tư y tế là hoạt động khó, rất dễ dấn đến tiêu cực vì vậy đề nghị Quốc hội xem xét kỹ lưỡng trong Luật Đấu thầu (sửa đổi) để đảm bảo chặt chẽ, rõ và khả thi. Đại biểu đề xuất, quy trình mua sắm thuốc men, vật tư y tế theo hai đoạn: Thứ nhất, đơn vị mua sắm tập trung cấp bộ, cấp tỉnh, cấp quốc gia cần lựa chọn nhà thầu có chất lượng và có giá trần. Bước thứ hai, các cơ sở y tế có nhu cầu, căn cứ kết quả đấu thầu tập trung đã có để lựa chọn nhà thầu cung cấp phù hợp hoạt động của cơ sở mình và không cao hơn giá trần.

Đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông thì cho hay, về đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất, đại biểu tán thành hướng quy định như tại dự thảo Luật, những vướng mắc hiện nay trong việc xử lý, quản lý đất đai, cần sửa đổi trong Luật Đất đai (sửa đổi).

Về vấn đề đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, đại biểu cho rằng việc bổ sung các nội dung này là kịp thời, phù hợp với điều kiện thực tế. Đại biểu đồng tình với quy định theo hướng cho phép thực hiện hình thức đấu thầu này trong thời hạn 5 năm từ ngày Luật có hiệu lực thi hành để các cơ sở y tế có thời gian giải quyết các vấn đề, tồn tại hiện nay. Sau thời hạn này, các cơ sở y tế phải chuyển sang các hình thức đấu thầu khác theo quy định để đảm bảo tính minh bạch.

Tham gia ý kiến góp ý để hoàn thiện thêm dự thảo luật này, đại biểu Lê Văn Khảm, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương đề xuất Quốc hội đặc biệt quan tâm đến nội dung về đàm phán giá. Tại Điều 28 của dự thảo Luật đang quy định về đàm phán giá áp dụng đối với thuốc biệt dược hoặc thuốc chỉ có một hoặc hai nhà sản xuất. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu để bổ sung nội dung về đàm phán giá đối với cả thiết bị và vật tư y tế.

Bởi đại biểu Khảm cho rằng, thiết bị y tế thường là các máy móc có yêu cầu rất cao về kỹ thuật, chẳng hạn như trong lĩnh vực ung thư có máy xạ trị, máy nội soi can thiệp tim mạch dưới hướng dẫn của siêu âm và thường nó chỉ có một, hai hãng sản xuất bán tại Việt Nam.

Tương tự như vậy, máy xét nghiệm sinh hóa hay xét nghiệm miễn dịch, mỗi lĩnh vực cũng có số lượng máy móc  hạn chế... Bên cạnh đó, trong điều trị bệnh cũng có những sản phẩm độc quyền thường là sản phẩm có tính phát minh.

Đại biểu nhấn mạnh, cần phải có cơ chế để đàm phán giá để mua sắm được thiết bị, vật tư y tế với giá tốt nhất. Điều này sẽ có lợi cho cả bệnh nhân và cho quỹ bảo hiểm y tế. Bởi vì chi phí mua sắm thiết bị, vật tư y tế chính là yếu tố hình thành nên giá dịch vụ khám, chữa bệnh và chi phí khám, chữa bệnh.

Hạ An

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.