|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

UBCKNN kiến nghị Bộ Tài chính tháo gỡ nút thắt chính cho nâng hạng, dự thảo công bố vào đầu tháng 3

14:38 | 01/03/2024
Chia sẻ
Tại diễn đàn “Vì một mùa đại hội cổ đông đổi mới và hiệu quả”, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng, Vụ Phát triển thị trường thuộc UBCKNN, cho biết đã kiến nghị lên Bộ Tài chính các nội dung liên quan tháo gỡ vấn đề ký quỹ trước giao dịch, tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài, công bố thông tin. Các dự thảo cụ thể sẽ công khai ra thị trường ngay tuần đầu tháng 3.

Năm 2024 là năm đầu tiên để thực hiện Chiến lược Phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, trong đó nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) là chủ trương đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Chỉ đạo và bộ Tài chính cùng các bộ có liên quan đang tập trung triển khai.

Với nỗ lực chung của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cùng các bộ, ngành có liên quan, Việt Nam đã có nhiều cải thiện và đạt được nhiều tiêu chí quan trọng theo đánh giá của các tổ chức xếp hạng quốc tế và định chế tài chính quốc tế lớn. Tuy nhiên, để nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, trước mắt sẽ cần tập trung cải thiện hai nhóm vấn đề trọng yếu là yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (pre-funding) và giới hạn sở hữu nước ngoài.

  Diễn đàn “Vì một mùa đại hội cổ đông đổi mới và hiệu quả” ngày 1/3 (đầu cầu TP HCM). Ảnh: X.N.

Theo chia sẻ của bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch UBCKNN, bên cạnh hai yếu tố kỹ thuật trên, việc nâng hạng thị trường từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi còn phụ thuộc vào trải nghiệm thực tế của nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia vào TTCK.

Nói cách khác, mục tiêu này chỉ có thể thực hiện được khi nhận được sự chung sức của các đơn vị tư vấn và cộng đồng doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam. Bản thân các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán cần có cam kết và kế hoạch hành động để nâng cao công tác quản trị công ty gắn với ESG phù hợp với thông lệ quốc tế và xu hướng trong khu vực, cũng như công bố thông tin minh bạch, chất lượng, và có báo cáo bằng tiềng Anh.

Liên quan đến nâng cao chất lượng thông tin công bố, năm 2024 còn là năm Bộ Tài chính có kế hoạch sửa đổi Nghị định số 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết về thi hành một số điều của luật chứng khoán và các thông tư liên quan.

Bên cạnh đó, việc từng doanh nghiệp tự nâng cao năng lực quản trị công ty, định hướng rõ chiến lược ESG không chỉ giúp tăng niềm tin của doanh nghiệp trong mắt nhà đầu tư, mà còn góp phần trợ giúp nâng hạng thị trường từ thị trường cận biên lên thị trường mới nỗi một cách đồng bộ. Điều này cũng đồng thời góp phần nâng cao điểm số/xếp hạng của Việt Nam trong chương trình đánh giá về quản trị công ty trong khu vực ASEAN (gọi tắt là ACGS).

Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng, Vụ Phát triển thị trường thuộc UBCKNN, cho biết UBCKNN đã kiến nghị lên Bộ Tài chính vấn đề về công bố thông tin bằng tiếng Anh. Sơ lược lộ trình trong đó, các doanh nghiệp lớn phải công bố thông tin song ngữ Việt - Anh từ 1/1/2025, các doanh nghiệp quy mô vừa từ 1/1/2026 và đến 1/1/2028 là toàn bộ doanh nghiệp đại chúng còn lại. Những mốc thời gian này phù hợp với lộ trình nâng hạng lên thị trường mới nổi.

Cùng với đó, về vấn đề pre-funding, bà Bình cho biết UBCKNN cũng đã kiến nghị Bộ Tài chính gỡ bỏ rào cản này. Tuy nhiên, điều này sẽ có rủi ro, đòi hỏi UBCKNN phải rà soát kỹ lưỡng. Dự kiến sẽ phải sửa đổi cả 2 văn bản Nghị định 155 và Thông tư 120 về giao dịch chứng khoán.

Cũng theo bà Bình, một vấn đề khác mà nhà đầu tư nước ngoài quan tâm là khả năng mua được nhiều cổ phiếu hay không, khi hiện họ vẫn đang bị hạn chế tỷ lệ sở hữu. Thực tế, Việt Nam không phải là thị trường duy nhất giới hạn sở hữu nhà đầu tư nước ngoài ở một số lĩnh vực có tính đặc thù liên quan đến quốc phòng hay phát triển kinh tế.

Một vấn đề hiện hữu là doanh nghiệp thường đăng ký rất nhiều ngành nghề kinh doanh, song nhiều trong đó không hề triển khai hoặc triển khai không đáng kể. Vô hình trung, nếu một ngành nghề trong đó nằm trong số bị hạn chế sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định cũng làm ảnh hưởng khả năng mua của nhóm nhà đầu tư này.

Vì vậy, theo bà Bình, doanh nghiệp cần rà soát, điều chỉnh, bỏ bớt các ngành nghề kinh doanh không triển khai, từ đó tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Khi nào doanh nghiệp có nhu cầu triển khai ngành nghề đó thì đăng ký lại sau, điều này không có gì phức tạp.

Thứ hai, nhiều trường hợp hội đồng quản trị doanh nghiệp tự đưa tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài xuống mức thấp nhất. Điều này ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông cũng như nhà đầu tư. Vấn đề này cũng cần doanh nghiệp rà soát, điều chỉnh lại.

Bà Bình cho biết, các kiến nghị nói trên UBCKNN đã trình lên Bộ Tài chính. Các văn bản dự thảo sẽ sớm công khai ra thị trường ngay trong tuần đầu tháng 3.

Xuân Nghĩa