|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tỷ lệ thuốc giả, thuốc kém chất lượng giảm

21:15 | 26/12/2016
Chia sẻ
Quản lý giá thuốc cũng như chất lượng thuốc, bên cạnh đó là thu hồi, tiêu hủy, xử lý vi phạm về lĩnh vực này là những vấn đề “nóng” được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời báo chí chiều 26/12.

Xin Bộ trưởng cho biết về biến động giá thuốc năm 2016 và có gì khác so với những năm trước đây?

- Trong thời gian vừa qua, Bộ Y tế tập trung quản lý giá thuốc đối với các khu vực bệnh viện công lập với cơ chế đấu thầu cạnh tranh, công khai, minh bạch giúp tiết giảm chi phí tại cơ sở y tế và giá thuốc tại nhà thuốc bệnh viện được quản lý thông qua thặng số bán lẻ. Đối với giá thuốc lưu hành trên thị trường được giám sát chặt chẽ thông qua quy định về kê khai, kê khai lại và công bố công khai giá từ khâu đăng ký lưu hành, nhập khẩu và đấu thầu cung ứng thuốc cho các bệnh viện. Vì vậy, so với những năm trước, về cơ bản thị trường dược phẩm vẫn được duy trì bình ổn, đáp ứng đủ thuốc phục vụ công tác phòng và điều trị bệnh của Nhân dân.

Vì sao Bộ Y tế không thực hiện công bố giá CIF đối với thuốc nhập khẩu mà chỉ công bố giá kê khai? Bộ Y tế có đánh giá được chênh lệch trung bình giữa giá kê khai và giá CIF hay không?

-Theo quy định Luật Dược năm 2016, Bộ Y tế chỉ chịu trách nhiệm công bố trên trang thông tin điện tử của Bộ Y tế giá thuốc bán buôn, bán lẻ đã kê khai. Giá CIF chỉ là giá vốn của thuốc nhập khẩu, với cùng mặt hàng doanh nghiệp khác nhau mua thuốc có giá CIF khác nhau nhưng điều quan trọng giá bán buôn cở sở kê khai phù hợp mặt bằng giá bán buôn kê khai của các đơn vị khác theo tiêu chuẩn kỹ thuật. Trong quá trình rà soát giá kê khai, Tổ công tác liên ngành về giá thuốc của Bộ Y tế - Bộ Tài chính - Bộ Công Thương so sánh chênh lệch giá bán buôn kê khai/giá CIF phù hợp mặt bằng chênh lệch giá bán buôn kê khai/giá CIF của các mặt hàng tương tự.

ty le thuoc gia thuoc kem chat luong giam
Ảnh mang tính chất minh họa (Nguồn: Internet)

Xin Bộ trưởng cho biết hiệu quả của đấu thầu thuốc thực hiện theo Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BYT-BTC có tác động như thế nào đến giá thuốc cung ứng vào bệnh viện?

-Với việc phân chia nhóm thuốc thành các tiêu chí kỹ thuật, mỗi nhóm thuốc lựa chọn một thuốc trúng thầu đồng thời ban hành mẫu hồ sơ mời thầu với tiêu chí chấm thầu thống nhất tại Thông tư 01/2012/TTLT-BYT-BTC của Bộ Y tế, Bộ Tài chính về việc hướng dẫn đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế đã giúp cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo cạnh tranh công bằng, minh bạch trong công tác đấu thầu. Theo kết quả trúng thầu của 26 Sở Y tế, bệnh viện và viện có giường bệnh trực thuộc Bộ, trị giá tiền mua thuốc đã tiết giảm được 35,5% so với quy định cũ.

Xin Bộ trưởng cho biết kết quả giám sát chất lượng thuốc trong năm 2016. Kết quả này có gì khác so với các năm gần đây? Những nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng thuốc, việc thu hồi thuốc không đạt chất lượng được thực hiện như thế nào? Cơ quan nào giám sát thu hồi và tiêu hủy?

- Do triển khai tập trung các biện pháp giám sát, kiểm tra chất lượng thuốc, thời gian qua tỷ lệ thuốc giả, thuốc kém chất lượng đã giảm rõ rệt. Tỷ lệ thuốc giả từ 7% năm 1990 xuống còn dưới 0,1%; tỷ lệ thuốc kém chất lượng ở mức dưới 3%, trong đó, năm 2015 là 2,00%.

Hàng năm, hệ thống kiểm nghiệm đã lấy hơn 30.000 (năm 2015: 38.627) mẫu thuốc trên thị trường để kiểm tra chất lượng, việc lấy mẫu thực hiện theo kế hoạch, trọng tâm, trọng điểm để phát hiện các thuốc có nguy cơ không đạt chất lượng cao. Trên cơ sở kết quả lấy mẫu, giám sát chất lượng thuốc của hệ thống kiểm nghiệm, năm 2016 Cục Quản lý Dược đã có văn bản thu hồi 30 lô thuốc (thấp hơn so với 38 lô thuốc năm 2015). Tỷ lệ thuốc sản xuất trong nước kém chất lượng có xu hướng thấp hơn so với tỷ lệ thuốc nhập khẩu kém chất lượng. Tỷ lệ thuốc kém chất lượng được phát hiện năm 2016 tiếp tục có xu hướng giảm so với các năm trước.

Thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong hoạt động thu hồi thuốc đã được quy định đầy đủ, chi tiết trong các văn bản quy phạm về dược, theo đó, Cục Quản lý Dược ra thông báo đình chỉ lưu hành và thu hồi thuốc trong phạm vi toàn quốc. Thông báo được gửi đến Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Y tế các ngành và cơ sở sản xuất, nhập khẩu, ủy thác nhập khẩu.

Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ra thông báo đình chỉ lưu hành và thu hồi trong phạm vi quản lý đối với những thuốc do cơ quan kiểm tra chất lượng thuốc ở địa phương/ngành kiểm tra phát hiện thuốc vi phạm và ra thông báo đình chỉ lưu hành và thu hồi trên địa bàn để thực hiện thông báo thu hồi của Cục Quản lý Dược, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật và báo cáo về Cục Quản lý Dược.

Thực hiện việc giám sát cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện việc thu hồi thuốc; xử lý các trường hợp vi phạm về thu hồi thuốc theo quy định tại Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế. Các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, ủy thác nhập khẩu là đầu mối chịu trách nhiệm tổ chức thu hồi, xử lý thuốc thu hồi.

Các cơ sở kinh doanh, sử dụng không được tiếp tục phân phối sử dụng mà phải trả lại cơ sở sản xuất,nhập khẩu thuốc. Trường hợp trong quá trình lưu hành nếu phát hiện, nghi ngờ về chất lượng thuốc, cơ sở sản xuất, đăng ký, nhập khẩu/xuất khẩu tự nguyện thực hiện việc thu hồi, cơ sở phải tạm ngừng kinh doanh thuốc bị thu hồi và báo cáo Bộ Y tế trước khi tự thu hồi. Trách nhiệm giám sát của Sở Y tế, trách nhiệm thu hồi thuốc của cơ sở sản xuất kinh doanh cũng được nêu rõ trong từng văn bản của Cục Quản lý Dược thông báo đình chỉ lưu hành và thu hồi thuốc kém chất lượng.

Hải Lý Ghi

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.