Tỷ lệ lấp đầy của 295 KCN đã đi vào hoạt động đạt khoảng 73%
Tại Diễn đàn "Khu công nghiệp Việt Nam 2023" do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức sáng 16/11, bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết tính đến hết tháng 10/2023, cả nước đã có 413 khu công nghiệp (KCN) đã thành lập (bao gồm 369 KCN nằm ngoài các KKT, 37 KCN nằm trong các KKT ven biển, 7 KCN nằm trong các KKT cửa khẩu) với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng gần 120.000 ha. Tổng diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 87.700 ha.
Trong số các KCN đã được thành lập, có 295 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng hơn 92.000 ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 63.000 ha và 119 KCN đang trong quá trình xây dựng với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 37.500 ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 24.700 ha.
Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê của các KCN cả nước đạt khoảng 51.800 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy khoảng 57,8%. Nếu tính riêng các KCN đã đi vào hoạt động có tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 72,9%.
Tính đến cuối tháng 10/2023, có khoảng 64.400 ha đất khu chức năng, đất nông lâm ngư nghiệp, đất hạ tầng kỹ thuật đã được xây dựng kết cấu hạ tầng. Trong đó, tổng diện tích đất đã cho thuê để thực hiện các dự án đầu tư sản xuất đạt khoảng 21.500 ha.
Cũng tại Diễn đàn, TS. Nguyễn Công Ái, Phó Tổng giám đốc KPMG cho biết vốn FDI vào Việt Nam 9 tháng đầu năm ghi nhận tăng 7,7%. Đây là con số đáng khích lệ do nền kinh tế Vệt Nam khi đang phải trải qua giai đoạn khó khăn nhất từ trước đến nay. Dự kiến 3 tháng cuối năm, dòng vốn FDI sẽ tiếp tục tăng.
Về ngành nghề, ông Ái cho rằng vốn FDI sẽ tập trung mạnh ở ngành công nghiệp chế biến chế tạo, tài chính ngân hàng, bán buôn, bán lẻ, kinh doanh bất động sản. KPMG đánh giá sẽ có sự dịch chuyển dòng vốn FDI giữa các tỉnh thành phía Bắc.
"Bắc Ninh được biết đến thuộc các tỉnh phát triển công nghiệp thuộc nhóm số 1, nhưng giờ dòng vốn FDI đang có xu hướng đổi sang Bắc Giang. Mặt khác, còn có sự đổi ngôi giữa các địa phương khi TP HCM vẫn đóng góp vai trò quan trọng, nhưng giảm dần. Trong khi đó, Long An, Bà Rịa Vũng Tàu có vai trò lớn hơn vì diện tích đất công nghiệp cho thuê ở Đồng Nai và Bình Dương không còn nhiều nữa. Chúng tôi nhìn nhận trong xu hướng 10 năm, FDI vẫn tập trung nhất ở phía Bắc, còn phía Nam sẽ tập trung ở các ngành nghề công nghệ cao, chế biến, chế tạo…", vị này cho hay.