Tỷ lệ khách hàng mở tin nhắn lên tới 90% khi doanh nghiệp dùng chatbot
Trăn trở bài toán bán hàng 24/7
Hơn 6 năm kinh nghiệm làm kỹ sư và quản lý tại Tập đoàn Viettel, hơn 10 năm kinh nghiệm lĩnh vực phần mềm, đó là những con số nổi bật của Trương Công Hải, người từng giữ chức Giám đốc điều hành của 2 doanh nghiệp trong 5 năm. Anh đang vận hành Hana - ứng dụng chatbot bán hàng tại thị trường Việt Nam.
Anh Trương Công Hải, giám đốc điều hành công ty Cổ phần công nghệ MIDEAS. Ảnh: Huỳnh Như |
Theo anh Hải, phát triển chatbot là một trong những xu hướng khởi nghiệp bùng nổ ở Việt Nam và trên toàn cầu từ năm 2017, cùng với công nghệ chuỗi khối blockchain, trí tuệ nhân tạo AI, dữ liệu lớn Big Data...Nắm bắt xu hướng này, anh đã cùng team nghiên cứu và cho ra đời ứng dụng chatbot mang tên Hana.ai thuộc công ty Cổ phần công nghệ MIDEAS vào cuối năm 2017, với kỳ vọng sẽ mang đến cho các doanh nghiệp nhiều giá trị về tự động hóa trong bán hàng và marketing online.
“Lượng tương tác của các doanh nghiệp đang kinh doanh online ngày càng lớn. Do đó, các doanh nghiệp dễ bỏ sót các tương tác của khách hàng dẫn đến làm mất khách hàng. Thực tế ấy khiến tôi nghĩ rằng, thay vì phải có nhân viên tư vấn hỗ trợ, doanh nghiệp cần một “trợ lý” ảo thông minh, giúp họ tương tác với khách hàng tốt hơn, hiệu quả hơn”, anhTrương Công Hải chia sẻ lý do ra đời của “trợ lý” ảo Hana.
Tính năng đặc trưng của ứng dụng là trả lời tự động trên Messenger, Website, tối ưu hóa quản lý nội bộ và chuỗi cung ứng. Đặc biệt, chatbot còn có tính năng quản lý quan hệ khách hàng, tạo data khách hàng và tự động tiếp thị sản phẩm. Điều quan trọng là nó có thể làm việc 24/7, giúp doanh nghiệp không bỏ sót bất kỳ một khách hàng tiềm năng nào so với việc chăm sóc khách hàng thông thường của nhân viên theo giờ hành chính.
Ứng dụng Hana với tính năng bán hàng và chăm sóc khách hàng 24/7 |
Không chỉ bán hàng, ứng dụng này còn được lập trình và đào tạo để thu thập tư liệu người dùng, phân tích hành vi, sở thích mua sắm, những mối quan tâm của khách hàng cũng như có khả năng đưa ra các dự báo để marketing tự động cho sản phẩm.
Với các tính năng nổi bật của một nhân viên bán hàng, ứng dụng này được sử dụng phổ biến và đa dạng trong các lĩnh vực tư vấn, chăm sóc người dùng, marketing, quảng cáo,...ở tất cả các nhóm ngành, sản phẩm, dịch vụ như: ẩm thực và đồ uống, sản phẩm công nghệ, điện gia dụng, nông sản, sản phẩm chăm sóc sắc đẹp, thời trang,...
"Chúng tôi mong muốn tạo ra một giải pháp công nghệ, giúp doanh nghiệp mở rộng kinh doanh, tăng doanh thu, tăng tỉ lệ chuyển đổi đơn hàng", CEO Trương Công Hải nhấn mạnh.
Không ngừng cải tiến, làm mới sản phẩm
Nhận định xu hướng tương tác của khách hàng trong tương lai sẽ được quản lý hiệu quả hơn bằng trí tuệ nhân tạo, theo anh Hải, công cụ chatbot sẽ giúp doanh nghiệp phân loại khách hàng theo từng hành động để điều hướng, giúp doanh nghiệp có kế hoạch marketing, chăm sóc khách hàng tốt hơn. Đây cũng là lý do, ngày càng nhiều doanh nghiệp dù chỉ là hộ gia đình hoặc doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng sử dụng giải pháp công nghệ để quản lý hoạt động kinh doanh.
"Sau một năm hoạt đông, Hana đã có 7.000 doanh nghiệp và hơn 4 triệu người sử dụng chatbot. Xu hướng chatbot ngày càng rõ nét khi tỷ lệ mở chat lên tới 90%. Con số này cho thấy công cụ chatbot mang lại hiệu quả giao tiếp dịch vụ tốt hơn cho các doanh nghiệp", anh Hải nhấn mạnh.
Đầu năm 2019, Hana đã mang đến cho chatbot một tính năng mới hấp dẫn hơn. Đó là tính năng viral bot, một hình thức mini game chia sẻ để thu hút hàng nghìn khách hàng với chi phí 0 đồng, giúp doanh nghiệp tiếp cận nhiều khách hàng hơn mà chi phí không thay đổi.
Đội ngũ nhân sự phát triển ứng dụng chatbot bán hàng Hana. Ảnh: NVCC |
“Thay vì phải bỏ chi phí quảng cáo 60.000-80.000 đồng để tiếp cận một khách hàng mới trên Facebook, Google. Tính năng viral bot sẽ dùng số lượng khách hàng sẵn có của doanh nghiệp để tăng thêm lượng khách hàng tiềm năng. Từ một người share cho 3 người, 3 người share cho 9 người, cứ như thế theo cấp số nhân, lượng khách hàng sẽ tăng hàng nghìn mà chi phí bỏ ra là 0đ', anh Công Hải lý giải.
CEO trẻ nói thêm rằng, năm 2016 gần như công ty nào làm chatbot tại thị trường Việt Nam, năm 2017 Hana chính thức có mặt trên thị trường. Đến năm 2018, nhiều đối thủ bắt đầu xuất hiện nhưng theo những định hướng khác nhau. Thay đổi tính năng, nâng cấp sản phẩm đối với khách hàng sẽ là kế hoạch phát triển mới của Hana.
Trong tương lai, Hana mong muốn tìm một đối tác tiềm năng, không chỉ góp vốn mà còn cùng Hana phát triển thêm những công nghệ mới, giúp sản phẩm ngày càng hữu ích và gần gũi người dùng hơn.
“Chúng tôi luôn cố gắng để mang lại giá trị tốt nhất cho khách hàng, không bao giờ cho bản thân đến trạng thái bão hòa, đã tốt rồi thì phải tốt hơn nữa, phải cho khách hàng mình sử dụng những sản phẩm ngày càng tốt hơn.” CEO Trương Công Hải vẫn luôn khắc khoải.