Tỷ lệ ca nhiễm tại TP HCM giảm 20 lần, 74 triệu liều vắc xin đã về Việt Nam
Tỷ lệ ca nhiễm tại TP HCM giảm sâu
Theo báo Chính phủ, tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc sáng 9/10, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết tỷ lệ nhiễm COVID-19 tại TP HCM đã giảm rất sâu.
Hiện tỷ lệ xét nghiệm dương tính tại TP HCM khoảng 0,2% (tức là giảm 20 lần so với tỷ lệ 3,7 - 4% lúc đỉnh dịch). Nhiều bệnh viện dã chiến đã có giường trống, số lượng bệnh nhân tại các trung tâm hồi sức tích cực của Bộ Y tế cũng giảm 60%.
Cũng theo báo cáo của Bộ Y tế, trong hai tuần qua, số ca mắc trong cộng đồng giảm 44,7% so với hai tuần trước, giảm 47,3% so với một tuần trước đó. Tuy nhiên, một số địa phương ghi nhận số ca mắc cộng đồng tăng so với tuần trước, gồm: An Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận, Quảng Ngãi và Hà Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long và lãnh đạo các địa phương cho hay số ca mắc tăng tại các tỉnh này chủ yếu là do xét nghiệm tầm soát những người trở về địa phương.
Theo báo cáo sơ bộ, từ ngày 1/10 đến nay, tại 43 tỉnh, thành phố đã ghi nhận khoảng 180.000 người trở về địa phương, trong đó có hơn 1.000 người có kết quả xét nghiệm dương tính.
Trong khi đó, tốc độ bao phủ vắc xin của Việt Nam đang tăng rất nhanh, hiện tốc độ tiêm có thể đạt trung bình 1,5 triệu mũi mỗi ngày.
Tính đến ngày 8/10, cả nước đã tiêm được khoảng 51,4 triệu liều, trong đó khoảng 23,8 triệu người đã tiêm 1 liều và 13,8 triệu người tiêm đủ 2 liều. Tỷ lệ tiêm ít nhất một liều là 52,3% dân số từ 18 tuổi trở lên. Các số liệu mới nhất cũng cho thấy, đã có 74 triệu liều vắc xin về tới Việt Nam.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, đến nay Việt Nam đã nhận được vắc xin bằng tất cả các hình thức như mua, viện trợ, nhượng lại.
Tuy nhiên, trong bối cảnh vắc xin vẫn khan hiếm, Thủ tướng lưu ý phải chủ động hơn, phải thúc đẩy ngoại giao vắc xin tích cực hơn nữa, hiệu quả hơn nữa.
Thủ tướng giao Bộ Y tế có kế hoạch cụ thể về lượng vắc xin tiếp nhận trong những ngày tới, trong tháng 11, tháng 12 và năm 2022; chịu trách nhiệm hướng dẫn và phân bổ, điều tiết lượng vắc xin đã có, tổ chức tiêm vắc xin khoa học, an toàn, hiệu quả.
Đồng thời nhấn mạnh vắc xin nghiên cứu, sản xuất trong nước phải an toàn và hiệu quả, an toàn là yêu cầu số 1, bảo đảm khách quan, trung thực về mặt khoa học, “dứt khoát là như vậy, không bị bất cứ sức ép hay tác động nào”.
Mở lại giao thông liên tỉnh, không để vận tải làm điểm nghẽn
Cũng tại cuộc họp, lãnh đạo nhiều địa phương đề nghị cần có hướng dẫn thống nhất việc đón người dân về quê, bảo đảm an toàn, tránh bị động, lúng túng. Đồng thời, nhiều ý kiến cũng cho rằng đã bắt đầu xuất hiện xu hướng người dân trở lại các thành phố, trung tâm công nghiệp, kinh tế lớn để làm việc.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đề nghị các địa phương phối hợp với các bộ để mở lại giao thông liên tỉnh, không để giao thông vận tải là điểm nghẽn, không “ngăn sông cấm chợ” để mở cửa nền kinh tế, phục hồi và thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Đây cũng là yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính khi cho rằng trong hai tuần qua người dân trở về quê và từ quê quay trở lại; vận tải, lưu thông hàng hóa còn ách tắc...Do đó cần ban hành hướng dẫn tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh một cách phù hợp, hiệu quả và tổ chức thực hiện thống nhất trên toàn quốc.
Các địa phương không ban hành quy định trái với nguyên tắc chung nhưng cũng không cứng nhắc, vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn từng địa bàn, những nội dung nào chưa hợp lý hoặc có cách làm hay hơn thì báo cáo cấp trên để điều chỉnh, bổ sung.
Bên cạnh đó, các địa phương phải nắm chắc tình hình, chia sẻ, phối hợp tổ chức thật tốt việc đưa đón người về quê và từ quê trở lại, bảo đảm kiểm soát dịch bệnh và an toàn, an ninh cho nhân dân.
Theo Thủ tướng vừa qua, công tác này có một số trục trặc nhưng các địa phương đã rút kinh nghiệm và thực hiện tốt hơn. Ông lưu ý, nếu hàng chục nghìn người dân trở về thì không cơ sở cách ly tập trung nào đáp ứng được, do đó cần nghiên cứu, học tập kinh nghiệm tốt của Tiền Giang, An Giang trong việc đưa người dân về cách ly tại cơ sở.