Tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm xã hội đạt 87,2% dân số
8 đối tượng tăng thêm mức lương hưu, trợ cấp | |
Lĩnh BHXH 'cục': Lợi hay thiệt? |
Tính đến hết tháng 7/2018, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là 13,94 triệu người. |
Theo ông Mai Đức Thắng, để tăng thu giảm nợ đọng, cơ quan bảo hiểm đã kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp như yêu cầu cán bộ giám sát đôn đốc các doanh nghiệp, thường xuyên đẩy mạnh công tác thanh tra, xử phạt quyết liệt. Các biện pháp công khai danh sách doanh nghiệp nợ động, xử phạt hành chính, chuyển hồ sơ khởi tố cho cơ quan điều tra,… cũng đang có tác động tích cực, giảm đáng kể tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội.
Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tổng số tiền chi trả các chế độ, chính sách bảo hiểm: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế trong bảy tháng là 173.082 tỷ đồng.
Cụ thể, trong bảy tháng, cơ quan bảo hiểm xã hội đã chi trả chế độ bảo hiểm xã hội từ nguồn ngân sách là 25.773 tỷ đồng, chi từ Quỹ bảo hiểm xã hội bắt buộc 87.020 tỷ đồng, chi từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là 4.452 tỷ đồng và chi từ Quỹ bảo hiểm y tế 55.837 tỷ đồng. Tính đến hết tháng Bảy, toàn ngành bảo hiểm xã hội đã thu 178.823 tỷ đồng, đạt 54,2% kế hoạch cả năm.
Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến hết tháng 7/2018, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là 13,94 triệu người; bảo hiểm xã hội tự nguyện là 230 nghìn người; Bảo hiểm thất nghiệp là 11,89 triệu người; Bảo hiểm y tế là 81,69 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 87,2% dân số. Trong tháng toàn ngành thu 26.703 tỷ đồng. Lũy kế hết tháng 7/2018 toàn ngành thu 178/823 tỷ đồng, đạt 54.2% kế hoạch cả năm, trong đó thu bảo hiểm xã hội là 121.763 tỷ đồng, thu bảo hiểm thất nghiệp là 8.579 tỷ đồng, thu bảo hiểm y tế là 48.480 tỷ đồng.
Trong tháng, toàn ngành đã giải quyết 9.351 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng; 80.469 người hưởng trợ cấp 1 lần; 903.258 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.Lũy kế 7 tháng đầu năm đã giải quyết 69.206 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng; giải quyết 456.898 người hưởng trợ cấp 1 lần; 5.753.418 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe...
Trong tháng 7, cả nước có khoảng 15,27 triệu lượt người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; lũy kế 7 tháng đầu năm có 100.16 triệu lượt người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp với ngành lao động - thương binh và xã hội giải quyết cho 83.995 người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp, 18.986 người hưởng kinh phí hỗ trợ học nghề.
Nói về triển khai hệ thống cổng giao dịch của ngành bảo hiểm xã hội, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin Nguyễn Hoàng Phương cho hay, thời gian qua, bảo hiểm xã hội Việt Nam đã liên tục đổi mới áp dụng công nghệ thông tin triển khai hệ thống cổng giao dịch của ngành bảo hiểm xã hội từng bước đáp ứng nhu cầu tra cứu thông tin của người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp nói chung và nhu cầu quản lý của ngành bảo hiểm xã hội nói riêng.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang nghiên cứu cấp thẻ bảo hiểm y tế điện tử cho người dân tham gia bảo hiểm y tế tại một số địa phương, thay thế thẻ giấy hiện nay. Việc cấp thẻ bảo hiểm y tế điện tử giúp tiết kiệm chi phí cho ngành bảo hiểm xã hội thuận lợi trong khám, chữa bệnh và cơ sở y tế kiểm soát được quá trình khám, chữa bệnh của người bệnh.
Đặc biệt, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã triển khai quyết liệt hệ thống giám định bảo hiểm y tế ban hành kèm theo quyết định 917/QĐ-BHXH về việc ban hành Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin Giám định BHYT. Đến nay, tất cả các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đã kết nối, liên thông dữ liệu khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trên phạm vi cả nước đến hệ thống giám định bảo hiểm y tế của cơ quan bảo hiểm xã hội để thực hiện giám định tự động trên phần mềm.
Trong tháng tiếp theo, ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc kiểm tra, kiểm soát chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; tăng cường thực hiện giám định điện tử tại tất cả các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, kiên quyết từ chối thanh toán chi phí bất hợp lý, không đúng quy định.
Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, thanh tra đột xuất, đặc biệt là tại các đơn vị nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; kịp thời xử lý và kiến nghị xử lý các hành vi phạm pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Đẩy mạnh việc phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Tiếp tục hoàn thiện việc bàn giao sổ cho người lao động theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Quyết định về cấp, quản lý và sử dụng thẻ bảo hiểm y tế điện tử trình Thủ tướng Chính phủ…