|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tỷ giá USD hôm nay 26/12: Giá USD chợ đen tăng mạnh, vượt 23.300 VND/USD

07:11 | 26/12/2020
Chia sẻ
Đồng USD có xu hướng giảm so với đồng euro và yen Nhật, nhưng tăng nhẹ so với đồng bảng Anh. Trong nước, giá USD chợ đen tăng 30 đồng ở cả hai chiều, lên mua - bán ở mức 23.290 - 23.320 VND/USD.
Tỷ giá USD hôm nay 26/12: Giảm trên thị trường quốc tế - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Reuters

Eximbank tăng mạnh tỷ giá USD

Hôm nay (26/12), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tỷ giá trung tâm ở mức 23.152 VND/USD, giữ nguyên so với mức niêm yết hôm qua. Với biên độ 3% được qui định, hiện tỷ giá USD các ngân hàng thương mại (NHTM) được phép giao dịch là trong khoảng 22.457 - 23.847 VND/USD.

Giá USD biến động trai chiều tại các ngân hàng trong sáng nay. Theo khảo sát lúc 9h30, VietinBank tăng 5 đồng ở giá mua nhưng giảm 5 đồng ở giá bán; Techcombank và Sacombank giảm khoảng 3 đồng trên cả hai chiều. Trong khi Eximbank tăng giá mua 50 đồng và tăng giá bán 60 đồng so với mức ghi nhận cùng giờ hôm qua.

Giá mua USD tại các ngân hàng hiện nằm trong khoảng 22.998 - 23.080 VND/USD, còn khoảng bán ra ở mức 23.215 - 23.270 VND/USD. Trong đó, Eximbank có giá mua USD cao nhất còn giá bán USD thấp nhất được niêm yết ở Techcombank.

Trên thị trường "chợ đen", khảo sát lúc 9h30 sáng nay cho thấy đồng USD được giao dịch ở mức 23.290 - 23.320 VND/USD, giá mua và giá bán cùng tăng 30 đồng so với mức ghi nhận cùng thời điểm hôm qua.

132651541_3849770198419183_7494790378239483585_n.png

Tỷ giá USD tại các ngân hàng trong nước lúc 9h30 (Nguồn: PV tổng hợp)

Tỷ giá USD thế giới giảm

USD Index, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác, giảm 0,10% xuống 90,250 điểm vào lúc 6h30 (giờ Việt Nam).

Tỷ giá euro so với USD tăng 0,16% lên 1,2206. Tỷ giá đồng bảng Anh so với USD giảm 0,04% xuống 1,3550.

Tỷ giá USD so với yen Nhật giảm 0,13% xuống 103,50.

Theo Reuters, báo cáo của Quĩ Tiền tệ Quốc (IMF) cho thấy tỉ lệ dự trữ USD trong quý III là 60,4%, tương ứng 6.937 tỷ USD, giảm từ mức 61,2% trong quý II.

Tuy nhiên, đồng bạc xanh vẫn là đồng tiền được các ngân hàng trung ương toàn cầu nắm giữ nhiều nhất.

Dữ liệu của IMF cũng cho thấy dự trữ toàn cầu đã tăng lên mức kỷ lục 12.254 tỷ USD trong quý III. Dự trữ toàn cầu là tài sản của các ngân hàng trung ương được giữ bằng các loại tiền tệ khác nhau và được sử dụng chủ yếu để trả nợ. Bên cạnh đó, các ngân hàng trung ương cũng đôi khi sử dụng dự trữ để hỗ trợ giá trị đồng nội tệ.

Một năm trước đó, đồng USD chiếm 61,5% tổng dự trữ và thị phần của đồng tiền này đã giảm trong hai quý liên tiếp.

Hiện tại, một số nhà phân tích đặt ra câu hỏi về sự thống trị của đồng bạc xanh trong vai trò một loại tiền tệ dự trữ do sức mạnh địa chính trị của Mỹ đang suy yếu, gánh nặng nợ lớn và sự xuất hiện của các loại tiền tệ thay thế.

David Rosenberg, Giám đốc kinh tế và chiến lược gia tại Rosenberg, nhận định đồng USD có thể sẽ đánh mất vị thế, như trường hợp của mọi đồng tiền dự trữ toàn cầu trước đó, nhưng khả năng điều này xảy ra trong thời gian ngắn là rất thấp.

Trong năm nay, tỷ giá USD đã liên tục suy yếu. Cụ thể, USD Index đã giảm 6,4% từ đầu năm đến nay. Đây là mức giảm theo năm tồi tệ nhất kể từ năm 2017.

Mặc dù vậy, ông Rosenberg tin rằng đồng bạc xanh hiện đang ở trong xu hướng giảm theo chu kỳ, không phải bên bờ vực của sự sụp đổ.

Theo ông Rosenberg, sức mạnh thống trị của USD vẫn đang áp đảo, ngay cả sau hậu quả của đại dịch COVID-19.

Trong khi đó, dữ liệu của IMF cho thấy tỉ trọng dự trữ toàn cầu của đồng euro ổn định ở mức 20,5% trong quí III, tăng nhẹ so với 20,1% trong quí II. Vào thời kỳ đỉnh cao vào năm 2009, tỉ trọng dự trữ toàn cầu của đồng euro là 28%.

Dương Dương